Sao lại áp dụng Luật hình sự cho việc xử lý vi phạm hành chính trong giáo dục?

06/12/2018 06:00
Bài và ảnh: Phan Tuyết-Hoài Thu
(GDVN) - Câu hỏi cần giải đáp là Ủy ban Nhân dân thành phố Ban Mê Thuột áp dụng Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 hay áp dụng Luật Hình sự?

…“Công tác thuyên chuyển, luân chuyển giáo viên là một trong những giải pháp nhằm cân đối, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục và cũng là tạo điều kiện cho những giáo viên đã công tác lâu năm ở vùng khó ra vùng thuận lợi”…

Nhưng vừa qua, thành phố Ban Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) lại chọn giải pháp xử lý vi phạm của giáo viên trong hoạt động chuyên môn bằng công tác luân chuyển từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn.

Như tin đã đưa, ngày 15/11, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn cầu cứu của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Nội dung “cầu cứu” liên quan đến việc cô Nguyễn Thị Hoa Anh bị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk xử lý vi phạm quy định dạy thêm, học thêm bằng hình thức “điều động” từ trường trung tâm ra các trường có điều kiện khó khăn.

Nguyên nhân cô giáo Hoa Anh bị điều động là do ngày 26/6/2017, Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành, Thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức kiểm tra nhà riêng và phát hiện cô đang ôn bài môn Toán cho 15 học sinh Tiểu học.

Từ cơ sở này, ngày 27/6, Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành lập tờ trình số 37/TTr-UBND để đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột xử lý.

Nhiều phụ huynh ký vào đơn làm chứng việc cô Nguyễn Thị Hoa Anh không dạy thêm.
Nhiều phụ huynh ký vào đơn làm chứng việc cô Nguyễn Thị Hoa Anh không dạy thêm.

Các căn cứ để cấp có thẩm quyền áp dụng xử lý vụ việc được Ủy ban Nhân dân Thành phố Ban Mê Thuột viện dẫn là:

Luật Viên chức 2010; Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; việc áp dụng hình thức kỷ luật; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 Quy định về đạo đức nhà giáo và các quy định về dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là cơ sở đề nghị xử lý vi phạm kỷ luật chỉ có 01 minh chứng duy nhất đó là “biên bản” Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành lập về hành vi “bắt quả tang” đang có 15 trẻ trong độ tuổi tiểu học trong nhà riêng của cô Hoa Anh được lập ngày 26/6/2017.

Và ngay sau đó, ngày 27/6 Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành lập tức lập tờ trình số 37/TTr-UBND đề nghị thực hiện xem xét xử lý hành vi này, tuy nhiên do cô Hoa Anh đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên vụ việc chưa được xử lý.

Năm học 2018-2019, vụ việc được “xới lên” và thi hành bởi Quyết định số 5426/QĐ-UBND ngày 18/7/2018 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột điều chuyển cô giáo Hoa Anh từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk đến công tác tại trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh vì con nhỏ của cô Hoa Anh đã trên 36 tháng tuổi.

Phải nói rằng ngạc nhiên nối tiếp ngạc nhiên, bởi các căn cứ quy phạm pháp luật được áp dụng để xử lý hành vi vi phạm hành chính về dạy thêm, học thêm (nếu có) của cô Hoa Anh đã được áp dụng bằng Luật hình sự.

Việc áp dụng Luật pháp tùy tiện khi xử lý vụ việc này đã đặt ra rất nhiều câu hỏi trong dư luận của địa phương, bởi theo Khoản 3, Điều 5 đối với các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đó là áp dụng đối với viên chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nay lý do Ủy ban Nhân dân Thành phố Ban Mê Thuột chưa  xử lý chế tài vì con nhỏ của cô Hoa Anh dưới 36 tháng tuổi lại là tình tiết được quy định trong  Luật hình sự, đó là:

“Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù được áp dụng cho người bị xử phạt là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi.”

Sao lại áp dụng Luật hình sự cho việc xử lý vi phạm hành chính trong giáo dục? ảnh 3Giáo viên ở Đắk Lăk kêu cứu vì bị điều động một cách chưa trong sáng

Như vậy có thể nói rằng, thành ngữ “râu ông nọ cắm cằm bà kia” được áp dụng trong xử lý chế tài vi phạm của viên chức, cụ thể là thay Luật viên chức bằng Luật hình sự không chỉ thiếu thuyết phục mà còn gây ra sự phẫn uất đối với viên chức bị chế tài.

Trong vụ việc này, câu hỏi cần giải đáp là Ủy ban Nhân dân thành phố Ban Mê Thuột áp dụng Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 hay áp dụng Luật Hình sự?

Từ bất hợp lý trên, chúng tôi đã quyết tâm đi sâu tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến sự việc này.

Liên hệ với 15 phụ huynh của 15 trẻ chúng tôi thu được nhiều bất ngờ vì tất cả các phụ huynh này đều khẳng định bản thân họ có mối quan hệ thân thiết với cô Hoa Anh, ngưỡng mộ vì tấm lòng và năng lực chuyên môn của cô nên đã tìm đến và nhờ giúp đỡ trông trẻ trong giai đoạn hè để cha (mẹ) yên tâm làm việc.

Hồi đáp cho việc giữ các cháu cô Hoa Anh chỉ nhận quà chứ không nhận tiền do đó việc xử lý vi phạm quy chụp cô khiến chúng tôi rất buồn và tội nghiệp cô giáo.

Trong 15 đứa trẻ gửi nhà cô có 2 đứa là cháu ruột (con của chị gái), 4 đứa cháu bên chồng, còn lại là con của hàng xóm, bạn bè thân thiết quanh nhà. Cha mẹ các em gửi cô vì họ đi làm cả ngày không thể trôm nom con, để ở nhà cũng không yên tâm.

Một phụ huynh học sinh chia sẻ:“Tôi là bạn của chồng cô ấy, trong dịp hè không có người trông nom con cái nên không yên tâm làm việc, các cháu đang trong độ tuổi hiếu động nên không thể để ở nhà một mình nên thông qua chồng cô ấy tôi đã gửi cháu nhờ trông giúp.

Khi gửi cô không nhận tiền thù lao mà chỉ nhận các món quà nhỏ do gia đình tặng như hộp sữa, cân thịt.

Việc cô kèm cặp giúp kiến thức cho cháu trong những ngày tôi gửi cháu là bình thường và rất tốt nên không hiểu cái quy định nào khiến cô khốn khổ, tôi áy náy vì đã gián tiếp làm ảnh hưởng đến cô nên rất mong cô sớm được giải oan khi bị xử lý kỷ luật bằng cách điều chuyển như vậy”.

Một phụ huynh khác bày tỏ: “Chị có 02 cháu gửi cô giáo Hoa Anh, vì trong dịp hè chị không giữ các cháu được và cũng không thể bỏ lêu lổng.

Anh chị làm tự do nên không hiểu pháp luật nhà nước quy định như thế nào, nhưng chị cam kết với em (phóng viên) rằng cô Hoa Anh tốt lắm và hoàn toàn không lấy thù lao của gia đình chị.

Để cảm ơn thì chị chỉ mua chút ít quà gửi cô để bồi dưỡng, đây là tình cảm của con người với con người thôi em ạ”.

Một phụ huynh khác chia sẻ thêm: “Do cô không lấy tiền học chúng tôi rất ngại chỉ biếu quà bằng cây nhà lá vườn nhiều khi cô nói ăn không hết đừng biếu nữa.

Biết ơn cô nhưng không biết trả bằng cách nào, có lần cô nuôi bố chồng ở bệnh viện nhiều ngày, chúng tôi đã đến nhà cơm nước cho con cô đang luyện thi đại học. Chỉ biết trả ơn bằng cách đó cho lòng được vui”.

Như vậy, đối với hành vi được đưa ra để xử lý kỷ luật “điều chuyển” đối với cô Hoa Anh như giải đáp của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Ban Mê Thuột trong văn bản số 3593/UBND-VP, ngày 22/10/2018 về việc trả lời đơn kiến nghị (khiếu nại) của bà Nguyễn THị Hoa Anh là thiếu cơ sở bởi khi đưa viên chức ra xử lý kỷ luật chỉ mới căn cứ cơ sở một chiều và chưa cho viên chức được bảo vệ quyền và lợi ích của mình và cũng chưa kiểm tra ngọn ngành hành vi vi phạm (nếu có).

Việc Ủy ban Nhân dân thành phố Ban Mê Thuột xử lý các vi phạm của công chức, viên chức về việc không tuân thủ quy định của pháp luật là điều nên làm, tuy nhiên cụ thể việc xử lý bằng cách điều chuyển giáo viên bởi một Quyết định thiếu thuyết phục và trả lời khiếu nại của giáo viên bằng sự vô cảm và sai luật pháp thì cần phải được Ủy ban Nhân dân thành phố Ban Mê Thuột nghiêm túc xem xét lại.

Bài và ảnh: Phan Tuyết-Hoài Thu