Phong trào chơi mô hình máy bay ở Hà nội

05/07/2011 03:04
Cứ 8h sáng chủ nhật hàng tuần, không kể nắng hay mưa, những người chơi máy bay mô hình (MBMH) ở Hà Nội lại gặp nhau tại sân bay quân sự Gia Lâm.

Cứ 8h sáng chủ nhật hàng tuần, không kể nắng hay mưa, những người chơi máy bay mô hình (MBMH) ở Hà Nội lại gặp nhau tại sân bay quân sự Gia Lâm để "luyện nghề bay", biểu diễn những pha nhào lộn thót tim. 

Trong khoảng không rộng chừng 500m2, hàng chục chiếc máy bay mô hình thi nhau gầm rú, biểu diễn, độ khó tăng dần khi hạ thấp độ cao, ngược lại thì sự tán thưởng và thích thú tăng lên rất nhiều.

 

Những cú nhào lộn, những pha xoắn vòng thót tim, bổ nhào tưởng đâm sầm xuống mặt đất rồi bất ngờ bật ngược trở lại không trung, tiếng gầm rú của động cơ mỗi khi tăng ga... trở thành chất men gây "nghiện" đối với các thành viên Câu lạc bộ mô hình.

"Chơi MBMH mang lại cảm giác mạnh khi làm chủ không gian, sự hài lòng, thậm chí là men chiến thắng khi vượt qua thử thách", anh Nguyễn Văn Tân, thành viên sở hữu đến mười lăm chiếc máy bay mô hình nhận xét.

Đã chơi là phải chấp nhận 

"Với dân chơi máy bay mô hình, đã "bay" là phải chấp nhận rớt, thậm chí rớt nhiều. Việc tay chơi rớt 4-5 cái máy bay là điều bình thường. Khác với những môn chơi mô hình khác như đua xe, máy bay hễ tai nạn là thiệt hại nặng. Bởi thế, nếu hầu bao không rủng rỉnh và lòng kiên nhẫn ít ỏi thì không thể theo đuổi lâu dài được", anh Tân nói.
 

 

Chưa đầy 15 phút chúng tôi có mặt ở điểm bay tại Sân bay quân sự Gia Lâm, đã có tám chiếc bị "đập". "Đập" là từ ngữ dân chơi mô hình bay nói mỗi khi có một chiếc máy bay hạ cánh không hoàn hảo. Mỗi lần như vậy, người chơi buộc phải dừng lại để chỉnh sửa, lắp ráp, thay thế phụ kiện. Nếu "đập" nhẹ thì mất vài phút, "đập" nặng phải đem về nhà. 

Về điều này, anh Lê Huy Toàn, đội trưởng CLB bay mô hình, cũng là tay chơi "kì cựu" cho biết: "Khi bạn đang say sưa điều khiển chiếc MBMH vòng vèo trên khoảng không, bất ngờ máy bay chao lượn, ngả nghiêng rồi rơi nhào xuống đất. Điều này đối với người chơi thật kinh khủng, nhưng lại thôi thúc họ lòng chinh phục để "con cưng" của mình được bay cao, bay xa và bay lâu hơn trên bầu trời.
Đây là trò chơi rất hấp dẫn, người điều khiển mô hình máy bay vừa là phi công, vừa là bác sĩ về máy móc để có thể tự sửa chữa khi xảy ra sự cố".

Dù số lượng chưa đông, cũng như tuổi nghề còn non trẻ, nhưng giới chơi máy bay mô hình miền Bắc cũng đã kịp chứng tỏ "độ máu" của mình. Trong giới, hẳn ai cũng đã từng thấy hoặc nghe về bộ sưu tập máy bay phản lực hoành tráng của anh Nguyễn Văn Tân.

Tuy mới gia nhập CLB HKPB được hơn hai tháng, nhưng hiện tại sau bao nỗ lực gom góp, anh đã "tậu" được mười hai chiếc máy bay mô hình các loại trong đó chủ yếu là máy bay phản lực F18, F4, máy bay chuồn chuồn...

Theo đánh giá của dân trong nghề, mỗi chiếc máy bay phản lực của anh  đều ngốn của anh không dưới 10 triệu đồng. Mà đấy mới chỉ là bộ "kít" nhập từ Singapore và Thái Lan, còn nếu tính thêm cả khoản "mông má", chắc chắn số tiền  cũng ở mức tương đương. 

"Sau khi xem đội bay mô hình biểu diễn chào mừng ngày 19/8, khi đó đội tái hiện lại trận Điện Biên Phủ trên không (năm 1972) với hàng loạt máy bay nã bom, đạn xuống thành phố, tuy chỉ là mô hình mà không khác gì cảnh thật. Tôi đã thực sự bị môn chơi này mê hoặc.

Tôi liền xin gia nhập CLB từ đó, tuy chỉ mới vào CLB được hơn hai tháng nhưng tôi nhận ra đây thực sự là niềm đam mê của mình. Ngoài giờ làm việc thì 2/3 thời gian giải trí của tôi dành cho việc nghiên cứu và tập luyện cách điều khiển máy bay mô hình. Cảm giác khi tự mình điều khiển được một chiếc máy bay chao nghiêng, nhào lộn... theo ý muốn là một cảm giác vui sướng đến khó tả.

Những ngày cuối tuần, được cùng các bạn trong CLB trao đổi kiến thức điều khiển từng loại máy bay đã đem lại cho tôi khoảng thời gian thư giãn thực sự bổ ích, bao nhiêu mệt mỏi, căng thẳng trong một tuần làm việc dường như tan biến sau mỗi cú lượn nhào của máy bay. Là "ma mới", kĩ thuật còn nhiều hạn chế, nhưng đã chơi thì phải "máu", từ khi gia nhập CLB tôi đã "đập"  khoảng ba chiếc máy bay với tổng giá trị khoảng gần 10.000 USD", anh Tân bộc bạch.
 
Nói như anh Toàn: "Dân chơi MBMH muốn loại nào cũng có, từ máy bay cánh bằng, tàu lượn, có động cơ, diều, trực thăng, máy bay chiến đấu... Vấn đề chỉ là có đủ tiền mà rước các "nàng ấy" về dinh hay không mà thôi. Một chiếc trực thăng mô hình xịn cũng có giá phải đến cả ngàn USD, loại cao cấp thì hàng chục nghìn đến ...vô chừng. Nhưng nếu điều khiển không quen, hoặc chỉ cần không kịp lường trước một cơn gió mạnh thổi đến "cục cưng" ấy sẽ chỉ còn là một đống sắt vụn.

 

Nhiều tiền vẫn... chưa đủ

CLB Máy bay mô hình đầu tiên ở Việt nam ra đời cách đây 5 năm. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít người biết đến nó, bởi nó chỉ đang gói gọn như một thú chơi riêng của giới "đam mê". Những người dám "theo đến cùng" thú chơi này đa phần là dân kỹ thuật.

Muốn làm dân chơi MBMH đòi hỏi người ta phải tốn không ít công sức để trang bị kiến thức về cơ khí, điện tử và nhất là rất nhiều tiền.

Trong giới MBMH cũng phân ra đẳng cấp rõ rệt. Dân chơi "amateur", mới chập chững "đốt tiền" thì thường sử dụng máy bay ráp sắn. Loại này giá rất mềm, chỉ cần 300.000 đồng. Người chơi đã có thể sắm một chiếc về luyện. Còn dân chơi "pro" thì tuyệt nhiên không bao giờ xài loại này, mà mua linh kiện về tự lắp rắp. Loại này "đốt tiền" dữ nhất, với đơn vị tiền luôn ở con số vài ngàn USD. 

Nếu là dân chơi "chiến" và "trì", đôi khi tiền trang bị, "độ" cho con MBMH nhiều khi cũng chẳng kém là bao khoản tiền đã bỏ ra để mang nó về. Đơn cử, mua một chiéc máy bay phản lực SU-30, mức giá bèo cũng phải 8-10 triệu đồng, tuỳ hãng sản xuất.

Nhưng muốn "tông xẹc tông", để sắm một giàn phụ tùng bộ càng xếp bánh xe xịn từ châu Âu, người chơi phải bỏ ra ít nhất từ 500 - 1.000 USD (hàng thường thì khoảng 300 USD nhưng như thế sẽ mất giá với con máy bay xịn). Hay như bộ servo lái để tăng sức mạnh độ kéo, giúp máy bay chạy nhanh, một con cần khoảng 4-5 cái, với đơn giá trên dưới 100 USD. 

Ở Hà Nội hiện nay có khoảng ba nhóm bay khác nhau, thường tụ tập với nhau hàng tháng dưới sự điều động của Quân chủng Phòng không không quân, và được gọi chung là CLB Hàng không phía Bắc. 

Nhìn chung theo đánh giá của dân chơi thì kỹ năng điều khiển máy bay là khó nhất. Người chơi mô hình phải ý thức  rằng một mô hình máy bay điều khiển bằng vô tuyến điện không phải là món đồ chơi. Nó vận hành theo những nguyên tắc như một máy bay thật, sự khác biệt chỉ là kích thước và trọng lượng.

 Một mô hình trung bình có thể bay với vận tốc 20 đến 60 dặm/giờ và nặng khoảng 2,8 - 3kg, lực va đập rất mạnh và nguy hiểm, nhất là đối với con người. Mô hình phải được điều khiển một cách thích hợp nhằm bảo đảm an toàn cũng như sự thú vị. 

Vợ một bên, máy bay một bên

Tất cả đam mê thú chơi này có thể gói gọn trong khẩu hiệu đầy tính hài hước "Cả tuần ngoan ngoãn, cuối tuần được bay".

Thượng tá Vương Quý Đôn, chủ nhiệm CLB HKPB cho biết: "Để chơi được trò này thì có một câu nói mà giới mô hình đã truyền tai nhau từ lâu  "Đam mê là điều kiện cần, kinh tế là điều kiện đủ". Tại sao đam mê lại đặt trước điều kiện kinh tế, bởi vì đam mê  quyết định gần như tất cả.

Đến với môn này, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ các vấn đề máy móc hay cách lắp đặt máy bay, cách sửa chữa, học cách làm nghề sơn, tiện, gò hàn, mộc, composite... Bạn thậm chí sẽ mất hàng giờ đắm đuối  với những "em" máy bay của mình để cân chỉnh, cái đặt trong hàng tuần liền và rạo rực khi cất cánh vào cuối tuần, và rồi có thẻ nó cắm đầu xuống đất trong tích tắc...

 

Và vì thế nên nếu không có sự đam mê theo đuổi đến cùng thì kinh tế có đầy đủ cũng không còn gía trị trong việc chơi môn này. Cái hay của trò này cũng chính là lúc đầu tư thời gian công sức cho việc lắp rắp chỉnh sửa... và lúc đó bạn sẽ thấy vì sao cái cục động cơ tí hon lạnh ngăn ngắt lại hấp dẫn ma lực như vậy, chứ thời gian bay thực tế không nhiều. Cả tuần đi bay một buổi, mỗi buổi bay chỉ khoảng 30 phút đến 1h với vài lần cất hạ cánh trong sự sung sướng pha lẫn căng thẳng. Những lợi ích khi chơi môn này, đó là sự chiến thắng và vượt qua chính bản thân mình , đó là cảm giác được làm chủ và áp đặt hoàn toàn theo ý muốn.
 
Người chơi máy bay mô hình cũng có nhiều kiểu chơi khác nhau. Người thì thích làm máy bay theo các bản vẽ có sẵn hoặc tự cải tiến thiết kế theo ý mình và bay thử để thử các tính năng bay, người thì chỉ tập trung vào các đường bay biểu diễn, người thích MB động cơ nổ, người lại thích motor điện, người thì chơi MBMH đúc nhựa hay composite...".

Anh Lê Huy Toàn tâm sự: "Tôi đam mê những chiếc MBMH từ khi còn nhỏ. 50 năm tuổi đời thì 40 năm thú vui của tôi là nghiên cứu về máy bay mô hình. Khi còn ở tuổi thanh niên, có những hôm tôi quên cả cuộc hẹn với người yêu  chỉ vì quá đam mê những chiếc máy bay. Đã có lúc người yêu tôi hỏi "Với anh những chiếc máy bay đó quan trọng hơn hay em quan trong hơn?", tôi đã trả lời "Máy bay một bên và em một bên" làm người yêu giận cả tuần.

Đến giờ tuy cô người yêu đó đã trở thành mẹ 3 đứa con đáng yêu của tôi, nhưng đôi khi cô ấy vẫn nổi máu ghen bất tử với những "vật báu tinh thần" của tôi, và thường xuyên điện thoại "mách" mẹ chồng vì tội "chồng không ngó ngàng gì đến vợ, lúc mơ ngủ cũng nhắc đến những chiếc máy bay". Trò mô hình rất "kén" người chơi, nhưng ai đã mê rồi thì khó dứt ra được".

Theo Câu Lạc Bộ Mô Hình

Độc giả có thể chia sẻ những hình ảnh, bài viết liên quan đến thú chơi mô hình với chuyên trang Giáo Dục Quốc Phòng của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam qua email toasoan@giaoduc.net.vn  hoặc binhnguyen@giaoduc.net.vn. Nội dung gửi kèm phải được viết dưới dạng text bằng tiếng việt, có dấu, số lượng ảnh tối đa có thể gửi kèm: 10.