Ngày 26/3, Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thay mặt Hội đồng Trị sự đọc thông báo kết luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng, và quyết định đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng.
Đại ĐứcThích Trúc Thái Minh đã vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, đến Tăng đoàn. Do vậy, Đại ĐứcThích Trúc Thái Minh bị tạm đình chỉ toàn bộ chức vụ và phải sám hối Đại Tăng. Giao cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết, làm Thầy giáo giới cho Đại đức Thích Trúc Thái Minh theo Luật Phật.
Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết cuộc họp kéo dài từ 14h chiều đến 16h45 phút mới xong, ghi lại tất cả ý kiến của Hội đồng Trị sự để ra thông báo. Ảnh: Lại Cường. |
Báo Lao Động đăng tải chia sẻ của Hoà thượng Thích Tấn Đạt - Phó Trưởng ban thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Sám hối đại tăng là một hình phạt trong giáo luật Phật giáo. Theo đó, những Tăng, Ni bị hình phạt mức này phải tự ăn năn sám hối, sau khi nhận ra lỗi lầm phải quỳ xuống hối lỗi các thành viên Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thường là 10 tăng và 10 ni đại diện).
Khi sám hối, những vị Tăng Ni bị hình phạt phải quỳ trước Tăng đoàn và được nghe rõ các tội, lỗi của mình mắc phải. Việc sám hối này diễn ra trong nhiều giờ, nhiều ngày và thường được thực hiện tại các phiên họp của Giáo hội với sự hiện diện của nhiều chư tôn giáo phẩm trong Giáo hội”.
Hòa Thượng Thích Đức Thiện - Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An phân tích: “Hình phạt sám hối đại tăng và theo thầy giáo giới được xem là một hình phạt chưa nặng trong Giáo hội.
Theo đó, hình phạt sám hối đại tăng là một hình thức nhận lỗi trong giáo luật và có nhiều hình thức để sám hối. Còn hình phạt theo thầy giáo giới được hiểu là vị tăng ni vi phạm buộc phải theo một vị chư tôn giáo phẩm có nhiều kinh nghiệm trong tu học để học Giáo lý và Giáo luật.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm thầy giáo giới cho Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Điều này có nghĩa là thầy Thái Minh phải theo thầy Thanh Quyết để học lại theo giáo luật và các giáo lý Phật học cho đến khi đạt yêu cầu." (2)
Hòa Thượng Thích Đức Thiện - Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An phân tích: “Hình phạt sám hối đại tăng và theo thầy giáo giới được xem là một hình phạt chưa nặng trong Giáo hội". Ảnh: Báo Lao Động. |
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa-người có công lao lớn trong việc chấn hưng Phật giáo nước nhà, có giảng về sám hối theo luật Phật.
Chúng ta sống trên đời này không ai là hoàn toàn trong sạch. Phật thường dạy: “Phàm còn xuống lên ba cõi, lăn lộn trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi”.
Nhưng khi chúng ta đã muốn được trong sạch thảnh thơi, muốn trút bỏ tội lỗi cho lòng được nhẹ nhàng, thư thái tất nhiên phải tìm phương pháp để trừ cho hết bụi bặm, tẩy trừ cho hết tội lỗi. Trong Ðạo Phật, phương pháp tẩy trừ ấy gọi là sám hối.
Cuộc họp của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (phía Bắc). Ảnh: phatgiao.org. |
Ðạo Phật có 4 pháp sám hối
Tác pháp sám hối: Pháp sám hối này thuộc về sự, phải lập giới đàn và thỉnh thanh tịnh Tăng chứng minh, nên gọi là tác pháp. Khi vào giới tràng, mình phải thành thật tỏ bày tội lỗi một cách thành khẩn, chí tâm ăn năn và nguyện về sau không tái phạm nữa.
Thủ tướng sám hối: Pháp này thuộc về sự, và khó hơn pháp trước. Phật chế pháp này, là sám hối thuộc quán tưởng, cho những người tu hành có trình độ cao, hoặc ở chỗ không có Tăng, hay có, nhưng không được thanh tịnh.
Muốn tu pháp này, hành giả phải đến trước Tượng Phật hay Bồ Tát, thành tâm lễ bái, trình bày những tội lỗi đã phạm, và nguyện ăn năn chừa bỏ.
Hồng danh sám hối: Pháp sám hối này cũng thuộc về sự, do Ngài Bất Ðộng Pháp Sư đời nhà Tống bên Trung Hoa soạn ra. Ngài rút 53 danh hiệu Phật trong Kinh “Ngũ Thập Tam Phật” tức là từ Ðức Phật Phổ Quang cho đến Ðức Phật Nhứt Thế Pháp Tràng Mãn Vương, và rút 35 hiệu Phật trong Kinh “Quán Dược Vương, Dược Thượng”, với Pháp thân Ðức Phật A-Di-Ðà, sau thêm vào kệ Phổ Hiền Ðại Nguyện, thành nghi thức sám hối này, tổng cộng là 108 lạy, để ám chỉ trừ 108 phiền não.
Còn 35 danh hiệu Phật sau, từ Ðức Phật Thích Ca cho đến Ðức Phật Bửu-Liên-Hoa Thiện-Trụ-Ta-La-Thọ Vương, thì trong Kinh Bửu-Tích nói: “Nếu tất cả chúng sanh, hoặc phạm tội ngũ nghịch hay thập ác, đến muôn kiếp không thể sám hối, chỉ xưng danh hiệu 35 vị Phật này và lễ bái, thì bao nhiêu tội chướng đều tiêu trừ”.
Vô-sanh sám hối: Pháp này thuộc về lý sám hối, rất cao và khó, bực thượng căn mới có thể thực hành được. Nghĩa là quan sát tự tâm mình hiện tiền không sanh. Như trong Kinh Kim-Cang nói: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại chẳng có, tâm vị lai cũng không”.
Kinh nói: “Tội từ nơi tâm sanh mà cũng từ nơi tâm diệt. Nếu tâm này không sanh, thì tội cũng chẳng còn, thế mới thật là sám hối”.
Trong Ðạo Phật, có 4 pháp sám hối , có pháp thuộc về sự, có pháp thuộc về lý. Ảnh: phatgiao.org. |
Chỉ có sám hối của đạo Phật mọi dứt trừ được tội lỗi, do sự cải ác, tùng thiện làm cốt yếu!
Như chúng ta đã thấy ở các đoạn trên, người thế gian hay các tôn giáo đều có những cách thức ăn năn ngừa lỗi cả. Song, chỉ có pháp sám hối của Ðạo Phật mới dứt trừ được tội lỗi, do chỗ lấy sự cải ác, tùng thiện làm cốt yếu.
Nhờ pháp sám hối của Ðạo Phật, con người có thể cải hóa lòng mình tốt đẹp hơn. Nhờ pháp sám hối, con người có thể làm cho đời sống cá nhân được hạnh phúc, và đời sống xã hội được hòa bình, an lạc.(2)
Tài liệu tham khảo:
(1) https://laodong.vn/xa-hoi/vu-chua-ba-vang-sam-hoi-dai-tang-theo-thay-giao-gioi--nghia-la-gi-665104.ldo
(2) https://phatgiao.org.vn/tu-viec-dai-duc-thich-truc-thai-minh-phai-sam-hoi-dai-tang-nghi-ve-sam-hoi-theo-luat-phat-la-gi-d34399.html