1 đơn vị 3 bên quản lý: Cơ chế rối rắm nảy sinh vướng mắc cho TTGDNN-GDTX

06/02/2023 06:38
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi ngược lại là giáo dục thường xuyên đã được bố trí đầy đủ nguồn lực để đào tạo, giảng dạy cho học sinh chưa".

Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp... bắt đầu được triển khai từ đầu năm 2015. Đây là một xu hướng nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam).

Tiến sĩ Lê Đông Phương. Ảnh: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tiến sĩ Lê Đông Phương. Ảnh: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Phóng viên: Việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp huyện thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (theo quy định tại Thông tư liên tịch 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV) được thực hiện từ năm 2015. Ông có đánh giá như nào về hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện nay?

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Hiện nay, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có hai mảng là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên nên họ đang trong cảnh "một đơn vị, ba bên quản lý".

Các trung tâm này chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên của ngành Giáo dục và Đào tạo; quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; song song với đó là quản lý hành chính nhà nước thuộc cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố nơi trung tâm đặt trụ sở chính.

Điều 2, Thông tư 01, quy định về vị trí pháp lí và quản lý nhà nước với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Điều 2, Thông tư 01, quy định về vị trí pháp lí và quản lý nhà nước với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Cơ chế quản lý có phần "rối rắm" trên được quy định tại Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Quy định trên tạo ra nhiều sự vướng mắc. Vướng mắc nhất là về sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy học, hoạt động giáo dục… phải tuân thủ theo quy định của hai hệ thống quản lý khác nhau của ngành giáo dục và của ngành lao động.

Đó là chưa kể, trước đây, các trung tâm dạy nghề của quận, huyện, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đến khi được sáp nhập, cơ sở vật chất lại chưa đáp ứng được đủ cả hai yêu cầu vừa học nghề, vừa học chương trình giáo dục thường xuyên như: phòng học chuyên môn, thư viện, thiết bị...

Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về nội dung sách giáo khoa, cũng như đội ngũ giáo viên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trung tâm sẽ phải tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có ý kiến phản ánh rằng chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông chưa được thiết kế phù hợp với đối tượng người học.

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bản thân khối trung học phổ thông hiện nay cũng đang gặp vấn đề về chọn môn học ở lớp 10. Đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ còn vướng hơn, khi bản thân học sinh có những khó khăn hơn về năng lực học tập, không biết lựa chọn môn nào (trong số các môn học lựa chọn) cho phù hợp năng lực, sở trường.

Chưa kể, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ không đủ điều kiện đội ngũ để đáp ứng sự lựa chọn của học sinh. Ví như học sinh chọn môn học không có giáo viên, hoặc học sinh thấy môn học không phù hợp và muốn đổi môn khác, sẽ phát sinh những điểm khó giải quyết.

Còn về cơ sở vật chất, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sẽ thiếu về phòng học bộ môn, trang thiết bị thí nghiệm… để đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới.

Phần lớn học sinh hệ giáo dục thường xuyên học vào buổi tối, nên việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho các em sẽ khó thực hiện. Trong bối cảnh cách thức tổ chức dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi học sinh tích cực hơn, đây cũng cũng là thách thức với các cơ sở thực hiện giáo dục thường xuyên.

Phóng viên: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam từng phản ánh về một số Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tại Hà Nội, cho điểm học sinh trong học bạ xếp loại giỏi nhưng điểm thi khảo sát chỉ toàn 2 với 3, điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về việc dạy thật, học thật tại các đơn vị này? Ông có quan điểm như nào về vấn đề trên?

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Nhìn vào kết quả thi tốt nghiệp, kết quả điểm học bạ mấy năm vừa qua của học sinh giáo dục thường xuyên, thấy chênh lệch giữa điểm của quá trình học tập với điểm thi tốt nghiệp có sự khác nhau nhiều. Điều này có thể khiến mọi người thắc mắc về quá trình dạy học của các trung tâm như vậy ra sao.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đặt câu hỏi ngược lại là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã được bố trí đầy đủ nguồn lực để đào tạo, giảng dạy cho học sinh chưa?

Tôi lấy ví dụ như: Thiết bị thí nghiệm dùng trong chương trình học, ngay các trường trung học phổ thông còn không đủ thì với cơ sở giáo dục thường xuyên liệu có đủ không? Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên học không đúng thực chất.

Phóng viên: Như ông trao đổi, ngay cả các trường khối trung học phổ thông cũng còn nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai chương trình mới, vậy ông có thể chia sẻ gì về nội dung cuốn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở nhiều cấp học của một số bộ sách từng được dư luận, báo chí phản ánh có “sạn”, điều này có ảnh hưởng như nào đến học sinh?

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Thực ra gốc câu chuyện ở đây xuất phát từ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi thiết kế đã nảy sinh điểm bất cập. Trước đây, hoạt động giáo dục hướng nghiệp là hoạt động riêng biệt, nhưng giờ đây được gộp chung với hoạt động giáo dục trải nghiệm.

Bên cạnh đó, chương trình khung Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) được thiết kế cũng không chi tiết, đầy đủ nên câu chuyện này chắc sẽ còn dai dẳng.

Nhìn vào hệ thống sách hiện nay, cũng phản ánh việc thiết kế hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp còn sơ sài.

Phóng viên: Việc biên soạn sách giáo khoa hiện nay do nhiều đơn vị thực hiện, tuy nhiên trong việc quản lý giá cũng như cung ứng các bộ sách còn nhiều bất cập như về chênh lệch giá, cung ứng sách còn chậm, ông có quan điểm sao về vấn đề này?

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Chúng ta chấp nhận giá sách giá khoa theo cơ chế thị trường, đồng nghĩa sẽ phải chấp nhận nhà xuất bản đặt giá. Ở đây, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ sách giáo khoa với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có điều kiện để họ có cơ hội tiếp cận.

Gần đây, chúng ta thấy chủ trương mua sách cho học sinh mượn, nhưng việc triển khai ra sao thì phải chờ xem. Câu chuyện mượn sách giáo khoa không phải mới, bởi từ những năm 1980 đã có, nhưng quá trình bảo quản, học sinh không giữ gìn được, nên việc này không được bền.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa được thiết kế để học sinh giải bài tập luôn, sẽ mất đi ý nghĩa của việc mượn sách, khi người học sau sẽ biết cách làm của người trước.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Nhưng câu chuyện là Nhà nước thiết lập chuẩn mực về sách giáo khoa như nào, liệu có cần phải in đẹp nhiều màu sắc, giấy đẹp hay không?

Nếu tất cả mọi cuốn sách giáo khoa được in giấy đẹp, màu đẹp thì giá sẽ bị đội lên. Câu hỏi đặt ra là liệu chất lượng nội dung những cuốn sách in đẹp có hơn so với những cuốn được in bình thường không? Việc này cần có sự đánh giá rõ ràng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Đoàn