Hướng đi nào cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên?

07/07/2022 07:00
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thầy Trần Anh Tuấn cho rằng, đã đến lúc phải có một nội hàm nghiên cứu khoa học toàn diện về hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX, để tìm ra một hướng đi mới.

Tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hướng dẫn thực hiện biên chế trong việc sắp xếp lại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp... bắt đầu được triển khai từ đầu năm 2015. Đây là một xu hướng nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực) phân tích: “Chúng ta cần hiểu vấn đề theo nghĩa rộng hơn. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện nay là xuất phát từ 3 trung tâm nhập lại (trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề), có nơi thậm chí thêm cả trung tâm dịch vụ việc làm, thống nhất hướng đến dạy văn hóa truyền thống gắn với đào tạo sơ cấp nghề.

Thầy Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực). (Ảnh: FBNV).

Thầy Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực). (Ảnh: FBNV).

Ý nghĩa của việc sáp nhập mô hình này là rất tốt. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, đã nảy sinh ra nhiều vấn đề.

Mặc dù cơ quan quản lý cũng hết sức tích cực, nhưng chuyện sáp nhập các trung tâm lại chỉ đơn thuần là sáp nhập hiện trạng, có bao nhiêu gom lại bấy nhiêu, vậy nên, dẫn đến những xuất phát điểm khách quan yếu kém cộng lại với nhau, tạo ra một loạt bấp cập.

Thứ nhất, yếu ở chỗ rời rạc về cơ sở, nhất là ở những địa phương không còn nhiều người học hứng thú với mô hình này.

Thứ hai, lực lượng giáo viên sau khi sáp nhập cũng có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thừa những giáo viên mặc dù chuyên môn có thể rất tốt nhưng lại không không bắt kịp với những thay đổi của thời đại mới, không còn phù hợp với những vị trí trong đào tạo mới, ngành nghề phát triển không phù hợp.

Thứ ba, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên này cũng không được đầu tư.

Thứ tư, do được sáp nhập theo kiểu về mặt tổ chức, không tính tới chuyện quy hoạch, nên có nơi phù hợp với mô hình này, có nơi lại không phù hợp. Ở những thành phố lớn, dân cư đông, khi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, không vào được các trường trung học phổ thông công lập hay không đủ khả năng theo các trường tư thục thì vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên này là hợp lý. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh khác thì số lượng người học này không nhiều, thậm chí có những em lại rời quê lên thành phố học. Cho nên, phân bổ không gian địa giới không đều, gây ra nhiều khó khăn”.

“Vốn đã khó phát triển, lại sinh ra khó khăn mới. Để tồn tại, bắt buộc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải đi đến một mô hình liên kết. Hệ giáo dục thường xuyên phải liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng để dạy hệ 9+. Còn về đào tạo sơ cấp nghề, các đơn vị hướng đến công nghệ mới, kỹ thuật mới, trong khi hiện nay lại không có đủ cơ sở vật chất, không được đầu tư, bắt buộc phải đi liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng, thậm chí các trường đại học.

Thực tế, vướng mắc và khó khăn nằm ở quy trình liên kết đào tạo, chứ không phải chỉ gặp khó về lãnh đạo, chuyên môn nghiệp vụ.

Như vậy, có một thực trạng hiện hữu là trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách rõ ràng, nảy sinh ra những bất cập.

Nói vậy, không có nghĩa là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không cần thiết cho xã hội, phải khẳng định là rất cần thiết, nhưng hiện trạng hiện nay lại không hấp dẫn.

Đảm bảo hiệu quả hoạt động cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là một vấn đề cấp thiết, tuy nhiên, còn đang bị bố trí theo kiểu “cắt khúc”, chưa được xử lý đồng bộ” - thầy Trần Anh Tuấn đánh giá.

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt ra: “Vậy, phải giải quyết bài toán này như thế nào?”.

Theo đó, thầy Trần Anh Tuấn cho rằng: “Lúc này, bắt buộc phải cân đối nguồn lực, quy hoạch lại, phải rà soát lại thực tiễn của từng đơn vị, để nhà nước có chính sách phù hợp. Chúng ta phải tính toán lại từng trung tâm trên từng địa bàn, xem hiệu quả hoạt động như thế nào? Chẳng hạn, ở những địa phương với các trung tâm mà hiện nay số lượng học sinh, học viên không còn nhiều nữa, mà mặt bằng cũng đã yếu, thì nên kiến nghị thí điểm sắp xếp lại.

Còn những địa phương còn tồn tại, có thể dạy học được thì có tính toán phù hợp. Chứ không phải chỉ vì sự tồn tại bắt buộc của một trung tâm mà cứ “đua nhau” mở rộng liên kết, thậm chí là liên kết quốc tế... Vai trò quản lý nhà nước nên giải quyết tận ngọn, nếu không, tháo gỡ được vướng mắc này thì sau đó lại phát sinh thêm những khó khăn khác.

Thứ hai, rõ ràng, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên đều là những loại hình còn cần thiết trong xã hội, nhưng cũng cần có một nghiên cứu, xem mức độ độc lập của hai loại hình đến đâu? Vấn đề đặt ra là phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ máy, chứ không đơn giản chỉ giải quyết quản lý nhà nước thoát khỏi “một cổ mấy tròng”.

Thứ ba, vấn đề đang rất cấp bách, là giải quyết lao động dôi dư tại các địa phương. Đặc biệt, đối với những người thuộc diện thâm niên mà không còn khả năng đáp ứng nữa, phải có chính sách giúp họ chuyển công tác, đồng thời, tạo điều kiện để xây dựng bộ máy mới, nếu như còn có thể tồn tại...”.

“Mặc dù tổ chức sắp xếp là hợp lý, nhưng do kinh tế - xã hội và thị trường lao động phát triển quá nhanh, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập, nó đã chuyển đổi sang một lĩnh vực mới, kỹ năng nghề nghiệp và lĩnh vực của công nghệ mới, đầu tư ở đây cũng không còn thích ứng. Bây giờ đi học nghề không phải đơn giản chỉ về kỹ năng mà còn rất nhiều kiến thức khác.

Vì vậy, chỉ nguyên trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đầu tư thì không đủ sức. Mô hình này đã đến lúc phải nghiên cứu đánh giá để có luận cứ khoa học trong quản lý nhà nước để sắp xếp lại.

Tôi cho rằng, nên có một nghiên cứu toàn diện, nếu không nghiên cứu mà tiếp tục đầu tư thì sẽ chỉ là manh mún. Có lẽ, đã đến lúc phải có một nội hàm nghiên cứu khoa học về vấn đề này, để tìm ra một hướng đi mới”, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngân Chi