Chịu sự quản lý của 3 cơ quan, trung tâm GDNN-GDTX quanh năm ngồi làm báo cáo

22/07/2022 06:55
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Vừa báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, vừa báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân huyện...

Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp... là một xu hướng nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai đã nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn...

Trong Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo 2022, nhiều lãnh đạo Sở đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo “gỡ khó” thông qua hướng dẫn thực hiện biên chế trong việc sắp xếp lại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết (Phó Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Việc sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với 3 đầu mối quản lý mặc dù cũng mang lại một vài thuận lợi, song, vẫn gây khá nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động của các trung tâm.

Chẳng hạn, khi Ủy ban nhân dân huyện quản lý hành chính, nhân sự, tài chính...trong khi Ủy ban nhân dân còn có rất nhiều lĩnh vực khác phải giải quyết, bao quát, nên nhiều khi, hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chưa thực sự được quan tâm kịp thời.

Chưa kể, đối với hoạt động của trung tâm, khi có 3 cơ quan cùng quản lý, ít nhiều có sự chồng chéo do quỹ thời gian công tác của các đơn vị rất khác nhau. Trong một năm, trung tâm phải báo cáo theo năm học, báo cáo theo năm hành chính, chưa kể hoạt động tổng kết, mà báo cáo thi đua, khen thưởng cũng phải làm nhiều đợt, vừa báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, vừa báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân huyện... Có những lúc, cảm giác như quanh năm chỉ ngồi làm báo cáo, có quá nhiều đầu việc”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (Phó Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Bảo Thắng - Lào Cai). (Ảnh: NVCC).

Bà Nguyễn Thị Tuyết (Phó Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Bảo Thắng - Lào Cai). (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Tuyết cũng cho biết thêm: “Trên địa bàn một huyện có 3 trường trung học phổ thông, một trường nội trú và một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cùng dạy văn hóa. Chưa kể, học sinh tại một số vùng lân cận có thể chuyển sang học tại huyện khác giáp ranh, vì tính khoảng cách địa lý lại gần hơn. Từ đó, dẫn đến việc tuyển sinh hằng năm có tỉ lệ không cao. Mỗi năm, trung tâm chỉ tuyển được 6-7 lớp hệ giáo dục thường xuyên.

Cơ sở vật chất của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Bảo Thắng. (Ảnh: TTCC).

Cơ sở vật chất của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Bảo Thắng. (Ảnh: TTCC).

Tuy nhiên, biên chế giáo viên tại trung tâm lại bị thiếu. Đơn cử, đầu năm học 2021-2022, cả trung tâm chỉ có 1 giáo viên dạy Ngữ văn và không có giáo viên dạy Lịch sử, dẫn đến việc phân bổ giờ dạy rất khó khăn, thường xuyên quá tải. Đặc biệt, năm học mới sắp bắt đầu, Lịch sử là môn bắt buộc ở bậc trung học phổ thông khiến trung tâm càng gặp khó về đội ngũ giáo viên.

Trong khi biên chế giáo viên hiện nay do Ủy ban nhân dân huyện quản lý nên khi thiếu giáo viên, chúng tôi lại không biết trông vào đâu. Nếu như trước đây, đối với hệ giáo dục thường xuyên, do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, khi thiếu giáo viên, Sở hoàn toàn có thể biệt phái, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, đảm bảo hoạt động của trung tâm. Còn như hiện nay, chúng tôi đang phải sử dụng giáo viên hợp đồng

Đối với giáo dục nghề nghiệp, trung tâm có lớp đào tạo nghề ngắn hạn dưới 2 tháng với 5 giáo viên phát triển những nghề cơ bản như trồng trọt, thú y, sửa chữa xe máy...

Từ khi sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, bản thân chúng tôi từ mảng giáo dục thường xuyên nên phải tự đi học lấy chứng chỉ sư phạm dạy nghề cơ bản, để khi cần thì... tăng gia.

Cũng vì thế mà giáo viên dạy văn hóa trong trung tâm cũng không có thời gian nghỉ hè như tại các trường trung học phổ thông, nên cũng không ít tâm tư...

Bản thân tôi trước đây là giáo viên dạy Lịch sử nhưng khi mới sáp nhập, tôi đã đi học chứng chỉ dạy nghề may, để khi thiếu giáo viên là có thể đứng lớp. Trung tâm mỗi năm có từ 8 đến 13 lớp, nhưng trong 2 năm qua, do diễn biến của dịch Covid-19, số lượng học viên cũng ít đi.

Bên cạnh đó, đối với đào tạo nghề theo nhiệm vụ của huyện giao, chúng tôi liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc trong cả nước. Cụ thể, trước đây, trung tâm liên kết với Trường Cao đẳng Lào Cai; năm vừa rồi, trung tâm liên kết với một số trường cao đẳng tại Hà Nội. Năm nay, trung tâm có 4 lớp: Điện, Cơ khí, Kỹ thuật chế biến món ăn, Nghiệp vụ nhà hàng khách sạn để đáp ứng nhu cầu địa phương nên tỉ lệ có việc làm rất cao”.

Từ những bất cập trên, Phó Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Bảo Thắng - Lào Cai kiến nghị: “Thời gian tới, chúng tôi mong được đầu tư thêm cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu người học, có thêm các xưởng dạy nghề... Đồng thời, về tổ chức nhân sự, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần bổ sung thêm rất nhiều giáo viên để đảm bảo tối thiểu ở các môn học bắt buộc và hoạt động giáo dục.

Một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cũng có mong muốn được đưa về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Tôi thấy rất đồng tình, bởi khi trực thuộc một đơn vị quản lý là Sở Giáo dục và Đào tạo, hoạt động của trung tâm sẽ thuận tiện hơn, không còn gặp quá nhiều vướng mắc như hiện tại. Từ đó, hoạt động chắc chắn cũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

Ngân Chi