Nếu như những năm học trước, học sinh khối 9 không mặn mà với các Trung tâm, thì gần đây, nhất là năm học 2019-2020, các Trung tâm lại là lựa chọn của các em học sinh.
Mô hình vừa học nghề vừa học văn hóa là lựa chọn của học sinh
Theo nguồn thông tin từ Phòng Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, năm học 2019-2020 có trên 2000 học sinh nhập học vào các trung tâm.
Tính đến ngày 30/8/2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Lộc Hà có trên 250 em đã nhập học, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hương Sơn gần 200 em nhập học.
Với mô hình vừa văn hóa, vừa học nghề, học sinh Hương Sơn, sau lớp 9 Trung học cơ sở, lựa chọn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hương Sơn nhập học |
Trung tâm Hương Khê, Đức Thọ, Thạch Hà trước đây vắng bóng học sinh thì bây giờ tình hình đã khác.
Theo thầy Nguyễn Tuấn Hoàn – Quyền Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, năm học 2018-2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ có 68 học sinh nhập học và năm học 2019-2020 con số học sinh nhập học vào trung tâm đã tăng gấp đôi.
Trung tâm Hương Khê cũng có con số ấn tượng là 129 học sinh nhập học năm 2019-2020.
Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 về: “Phê duyệt đề án: “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.
Theo đó: “mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 55% trường THCS, 60% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương…” và “ phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tuc học tập tại các co sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn đạt ít nhất 25%”.
Trung tâm giáo dục thường xuyên trở thành địa điểm cho thuê và liên kết đào tạo |
Sau đó, Hà Tĩnh đã có Kế hoạch 182/KH-UBND triển khai 522 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh có Công văn số 1398/SGDĐT-GDTXCN “Về việc hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 Giáo dục thường xuyên cấp THPT” thúc đẩy việc phân luồng học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi để các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tuyển sinh vào lớp 10 Giáo dục thường xuyên.
Nhưng có lẽ lí do quan trọng nhất là các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên đại bàn tỉnh đã có những “lột xác” đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo được đối tượng học sinh lựa chọn mô hình vừa học nghề vừa học văn hóa.
Em Nguyễn Tuấn Anh - Lớp trưởng lớp 11A1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ trao đổi:
“Lí do chúng em lựa chọn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ chứ không lựa chọn trường trung học phổ thông dân lập là vì vào học tại Trung tâm chúng em không chỉ được đào tạo nghề trung cấp mà còn được học văn hóa bảy (7 ) môn.
Sau ba năm học, chúng em vừa tốt nghiệp 12 trung học phổ thông vừa tốt nghiệp trung cấp nghề.
Hiện tại Trung tâm chúng em đào tạo nghề cơ khí, tin học cho học sinh nam, còn các bạn nữ có thể lựa chọn nghề kỹ thuật chế biến món ăn”.
Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ thực hành nghề cơ khí trên thiết bị máy móc |
Giải pháp nào cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ và các Trung tâm khác tại Hà Tĩnh
Trước năm học mới, chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ.
Từ năm học 2018-2019 đặc biệt 2019-2020 Trung tâm đã khởi sắc. Năm học 2018-2019, có 68 học sinh nhập học, thì năm học này số lượng học sinh nhập học đã gấp đôi.
Nhưng khó khăn lớn nhất mà trung tâm này phải đối măt là đội ngũ giáo viên văn hóa cơ hữu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2012, khi Trung tâm Dạy nghề, hướng nghiệp sáp nhập với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và thuộc huyện quản lý, Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ không có học sinh lớp 9 đầu đơn vào học.
Do vậy, Trung tâm chỉ làm nhiệm vụ, hướng nghiệp dạy nghề, bao gồm: Dạy nghề phổ thông cho học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn, dạy nghề ngắn hạn cho nông dân lao động theo chương trình mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hành chế biến món ăn tại lớp nghề ngắn hạn cho chị em phụ nữ Đức Thọ |
Thời điểm đó, Trung tâm có 06 giáo viên văn hóa. Phòng nội vụ, Ủy ban Nhân dân huyện đã bố trí đến công tác tại các trường Trung học cơ sở trên địa bàn.
Đồng thời, theo Nghị quyết số 36/NQ-HĐND tỉnh ngày 15/12/2016 “Thông qua quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tấm nhìn đến năm 2030” có lộ trình “giải thể Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ”, cho nên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ vô cùng khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ Giáo dục thường xuyên.
Hiện tại trung tâm có 5 lớp (2 lớp 11 và 3 lớp 10), nhưng không có giáo viên văn hóa cơ hữu nào.
“Trớ trêu là những năm trước có giáo viên thì không có học sinh, giờ học sinh vào học lại không có giáo viên cơ hữu”, cô Chu Thị Quyên - Chủ tịch công đoàn phàn nàn.
Học sinh học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ |
Không có giáo viên, Trung tâm phải ký hợp đồng với giáo viên dạy bộ môn. Khốn nỗi, mức học phí theo quy định chỉ được thu 60.000 đồng/ tháng/ 1 học sinh chưa đủ để trả tiền công giảng dạy và chủ nhiệm cho giáo viên.
“Thiếu giáo viên cơ hữu khó khăn nhiều bề, không chỉ bị động trong công tác giảng dạy chuyên môn mà công tác chủ nhiệm, tổ chức sinh hoạt cho đoàn viên thanh niên cũng bị động”, cô Lê Thị Giang trao đổi.
Được biết, năm học 2019-2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ chỉ có 7 người (01 Phó Giám đốc, 03 nhân viên hành chính, 03 giáo viên trong đó 01 giáo viên Tin học, 02 giáo viên dạy nghề) đảm nhận 07 lớp nghề ngắn hạn, liên kết đào tạo cho học sinh 05 lớp nghề trung cấp, hướng nghiệp, tư vấn, quản lý dạy nghề phổ thông cho hàng ngàn học sinh, giảng dạy chương trình văn hóa 7 môn cho 5 lớp học sinh.
Đó là chưa kể đến trung tâm mở các lớp nghề ngắn hạn đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn dân cư.
Để hoàn thành những nhiệm vụ trên, Trung tâm đã nỗ lực cố gắng, khai thác nội lực, liên kết, hợp đồng đào tạo, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương tạo nên được những chuyển biến tích cực.
Để làm tốt Công văn số 943/BGDĐT-GDTX ngày 12/3/2019 “Về việc sắp xếp, tổ chức và quản lý hiệu quả trung tâm Giáo dục thường xuyên”, Công văn số 2672/ BGDĐT-GDTX ngày 20/6/2019 “Về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động tai các trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên”, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 1564/UBND-KGVX ngày 22/3/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo có Văn bản 624/SGDĐT-GDTX-CN chỉ đạo các Trung tâm đổi mới, sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.
Sau khai giảng năm học mới 2019-2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ đã có Tờ trình số 03/Ttr-TTGDNN-GDTX ngày 06/9/2019 về việc không giải thể mà củng cố, phát triển trung tâm để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nhân dân, nhất là đối tượng học sinh lớp 9 Trung học cơ sở.
Hiện tại, Hà Tĩnh đã và đang đẩy mạng công tác phân luồng học sinh lớp 9 Trung học cơ sở, vì vậy, việc giải thể các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là sai lầm, không dự báo được tình hình sau phân luồng.
Vì vậy, củng cố, phát triển, đầu tư thích đáng, có trọng điểm cho các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trong đó có trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đức Thọ là hoàn toàn đúng đắn.