Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, năm học 2016 – 2017, ngành Giáo dục của địa phương triển khai giảng dạy tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục cho 100% học sinh lớp 1 trên toàn tỉnh.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai mô hình trường học mới (VNEN) ở các khối lớp tại 81 trường tiểu học với 648 lớp, 21.530 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5;
Triển khai ở 19 trường Trung học cơ sở (tăng 01 trường so với năm học 2015-2016) trong đó: Lớp 6 triển khai ở 14 trường Trung học cơ sở (giảm 4 trường so với năm học 2015-2016); Lớp 7 triển khai ở 17 trường Trung học cơ sở.
Năm học 2016-2017, ngành giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện thí điểm đo lường sự hài lòng của phụ huynh học sinh đối với giáo dục đào tạo tại các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh.
100% học sinh lớp 1 ở Vĩnh Phúc đều học sách Công nghệ giáo dục (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn) |
Thông qua kết quả thí điểm điều tra, để nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng của phụ huynh học sinh nhằm đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh; từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Kết quả thí điểm là căn cứ để triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh….
Ngoài ra, theo báo cáo, Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch phân bổ, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp các cơ sở giáo dục. Đến nay, mạng lưới giáo dục và quy mô trường lớp tiếp tục ổn định.
Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu.
Cả nước có gần 4.400 trường thực hiện VNEN, 7.857 trường học Công nghệ giáo dục |
Khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo dạy và học.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được trang bị đồng bộ, theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo yêu cầu phục vụ cho công tác dạy – học đạt chất lượng cao…
Tuy nhiên, ngành giáo dục ở địa phương này vẫn còn tồn tại một số hạn chế như số trẻ mẫu giáo ra lớp tăng nhanh nên một số trường mầm non có số trẻ/ lớp đông hơn so với quy định khiến số lượng giáo viên mầm non thiếu theo quy định.
Sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền, giữa các đơn vị giáo dục; Chất lượng giáo dục cấp Trung học cơ sở ở một số nhà trường còn thấp; việc khai thác sử dụng thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn hạn chế...
Do đó, trong năm học 2017 – 2018, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc quyết tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng tăng cường công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Riêng đối với giáo dục tiểu học, Sở đề cao trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong các hoạt động giáo dục tại các nhà trường. Đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên.
Sở cũng chủ trương áp dụng linh hoạt, sáng tạo việc thực hiện Mô hình trường học mới (VNEN) phù hợp với thực tiễn của các nhà trường để đạt hiệu quả, không áp dụng máy móc theo khuôn mẫu.
Và nâng cao chất lượng giảng dạy Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục, trong đó chú trọng tổ chức Hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn cụm trường, trao đổi kinh nghiệm và dạy minh họa mẫu bài mới.
Đối với bậc trung học, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bậc học này là tiếp tục triển khai tốt Đề án Ngoại ngữ 2020. Nâng cao chất lượng và mở rộng triển khai dạy học song ngữ ở một số môn Khoa học Tự nhiên. Làm tốt công tác khảo thi, kiểm định chất lượng giáo dục…