Gần 4.400 trường tiểu học thực hiện mô hình trường học mới VNEN
Theo báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 của giáo dục tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016 - 2017, cả nước có 4.393 trường tiểu học (tỉ lệ 29,2%) với 1.542.863 học sinh (tỉ lệ 19,8%) thực hiện theo mô hình trường học mới.
Nhiều địa phương đã vận dụng các thành tố tích cực của mô hình trường học mới (VNEN) trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo các điều kiện để đạt hiệu quả thiết thực vì quyền lợi của học sinh. Một số tỉnh thực hiện tốt mô hình trường học mới như: Lào Cai, Điện Biên, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cần Thơ, Kon Tum...
Bên cạnh đó, trong năm học vừa qua, việc triển khai mô hình trường học mới vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số địa phương chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất, nhất là công tác tập huấn giáo viên chưa đảm bảo chất lượng, giáo viên chưa thật sự sẵn sàng và đồng thuận nên kết quả chưa đạt được như mong muốn.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác truyền thông chưa tốt cũng là một trong những nguyên nhân làm cho phụ huynh học sinh, dư luận xã hội và ngay cả một số cán bộ quản lý và giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về mô hình trường học mới.
Thời gian gần đây dư luận xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều gây bất lợi, làm cho nhiều người hoài nghi về kết quả đạt được của mô hình trường học mới.
Đặc biệt, trong báo cáo phần nhiệm vụ năm học mới bậc tiểu học của Bộ không thấy nội dung về nhiệm vụ, kế hoạch triển khai mô hình trường học mới VNEN.
48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy môn học Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục
Cũng theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017, cả nước có 48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục với 7.857 trường và 693.0478 học sinh tham gia.
Gần 4.400 thực hiện VNEN, 7.857 trường học Công nghệ giáo dục (Ảnh: Xuân Trung) |
Những đơn vị triển khai đạt kết quả tốt: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Vĩnh Long, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp, Long An,…
Tuy nhiên theo Bộ, việc triển khai dạy học theo Tài liệu Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục ở một số địa phương còn bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là đối với giáo viên lớn tuổi, không đáp ứng kịp thời những thay đổi về phương pháp, kĩ thuật dạy học; một số bài học thiết kế chưa phù hợp với thời lượng dạy học ở lớp đầu cấp; một số ngữ liệu chưa phù hợp với tâm sinh lí học sinh lớp 1.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai để có hướng chỉ đạo trong thời gian tới.
Từ kết quả khảo sát, đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định bộ Tài liệu Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục.
Theo kết luận của Hội đồng thẩm định, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh và hiện nay Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đang trình xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.