Liên quan đến việc 12 người dân ở xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre bị nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ Trần Tuấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre cho biết, đa số bệnh nhân này đã bị nhiễm bệnh từ 5 năm trở lên. Trong đó có 30% bệnh nhân này bắt đầu chuyễn sang AIDS.
Ông Đạt cho hay, việc truy tìm nguồn lây lan căn bệnh này là cần thiết. Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, việc tìm nguyên nhân lây lan rất khó khăn vì các ca nhiễm đã lâu và không còn chứng cớ nào vững chắc để xét nghiệm, tìm ra con đường lây nhiễm.
Còn đối với tin đồn, các bệnh nhân lây nhiễm HIV từ việc tiêm thuốc tại nhà ông Đ.V.B. – là y sĩ, nguyên là cán bộ đội vệ sinh phòng dịch (Trung tâm y tế huyện Mỏ Cày Nam) là không có cơ sở, bởi các bệnh nhân này mới tiêm thuốc khoảng 2 năm, mà chỉ toàn nam giới mắc bệnh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Quang Hiển - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam lập luận, không cần tìm nguyên nhân lây nhiễm bệnh HIV/AIDS, điều quan trọng chăm sóc bệnh nhân, không để xã hội kỳ thị.
Ông Hiển giải thích: Tìm ra nguồn lây nhiễm sẽ làm hoang mang trong cộng đồng và con đường lây nhiễm rất phức tạp. Viện Pastuer thì “trăm công nghìn việc” chứ đâu phải chuyện HIV của xã Ngãi Đăng.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, gần đây nhiều người dân ấp Phú Đăng đã tự nguyện đến các cơ quan chuyên môn xét nghiệm HIV/AIDS. Chính quyền, đoàn thể địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nên bình tĩnh không nên quá hoang mang vì tình trạng này.
Tuy nhiên, điều mà các bệnh nhân HIV/AIDS quan tâm là các ngành chức năng sớm tìm ra nguồn lây bệnh để họ “minh oan” với người thân, hàng xóm là mình có lối sống trong sạch.
Ông Phan Văn Hiệp, người dân ấp Phú Đăng bức xúc: “Tôi xác nhận các ca HIV này đều là dân lao động nghèo, có cuộc sống lành mạnh. Ngành chức năng nên làm rõ nguyên nhân lây bệnh, chứ cứ im lặng như vậy thì người dân chúng tôi lo âu, không muốn làm ăn, sản xuất gì nữa…”.
Theo Chu Trinh (VOV)