2 trường đào tạo cán bộ quản lý GD: Sai phạm nhỏ bị qua mặt, âm ỉ thành lớn

16/03/2022 06:40
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần phải thừa nhận rằng, trong số sai phạm xảy ra, có những sai phạm bị kéo dài một phần bắt nguồn từ sự thiếu đoàn kết trong nội bộ cơ quan các nhà trường.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trong Thông báo Kết luận thanh tra số 110/TB-BGDĐT về việc “thanh tra đột xuất Học viện Quản lý giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rất nhiều sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục đã được nêu ra.

Theo đó, Bộ Giáo dục cũng đã xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi để xảy ra các sai phạm trong nhiều năm ở Học viện này. Thanh tra Bộ Giáo dục cũng đã yêu cầu Hội đồng Học viện tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm và xem xét kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền đối với Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.

Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhiệm kỳ 2016-2021 là ông Phạm Quang Trung. Ông Phạm Quang Trung được bổ nhiệm từ tháng 11/2016.

Trước đó, vào tháng 8/2019, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 437-QĐ/ĐUK, thi hành kỷ luật Đảng ở mức Khiển trách đối với ông Hà Thanh Việt – Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hà Thanh Việt hiện đã được cho thôi giữ chức Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2017-2022 theo nguyện vọng cá nhân, kể từ ngày 1/3/2022.

Hai cơ sở đào tạo cán bộ quản lý giáo dục bị phát hiện ra nhiều sai phạm đặt ra nhiều vấn đề cần phải được đánh giá để việc quản lý tốt hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi từng là Hiệu trưởng của Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí minh nhiệm kỳ trước, lại là người từng công tác trong ngành giáo dục hơn 40 năm qua, nên tôi cũng rất quan tâm đến những sai phạm tại các cơ sở giáo dục đang được đề cập đến.

Qua sự việc trên, chúng ta có thể thấy được tính phức tạp của các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục này.

Trường Cán bộ quản lý giáo dục hay Học viện Quản lý giáo dục đều là những cơ sở giáo dục có tính đặc thù. Vì thế, đối tượng tập trung quản lý của nó cũng phức tạp không kém.

Hai cơ sở đào tạo gắn với sứ mệnh rất quan trọng, là nơi bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, khâu then chốt trong thực hiện đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh hàng năm tại các cơ sở này không cố định, nguồn nhân lực đưa vào giảng dạy trong các trường này cũng từ nhiều nơi khác nhau, nên cũng rất khó khăn với Bộ Giáo dục trong việc quản lý các cơ sở này.

Vì thế, theo tôi, trong các sai phạm xảy ra vừa qua, có những sai phạm kéo dài một phần bắt nguồn từ sự thiếu đoàn kết trong nội bộ các nhà trường. Đơn cử, như ở Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, 16 tháng trước khi tôi về hưu không có Hiệu trưởng mà chỉ có người phụ trách nhà trường”.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: " Nhiệm kỳ tôi công tác cũng may mắn là không "dính" phải sai phạm nào".

Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của Bộ Giáo dục trong vai trò quản lý nhà nước với 2 cơ sở này, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế cho rằng, do tính phức tạp và đặc thù ở các nhà trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, khác hẳn hoàn toàn so với các trường đại học thông thường nên việc quản lý của Bộ Giáo dục với các cơ sở này là không xuể.

Ông nêu ví dụ: "Về chương trình đào tạo, nếu các trường đại học khác luôn sẵn có các khung chương trình rõ ràng để áp dụng, thì tại trường cán bộ quản lý giáo dục lại hoàn toàn khác. Nhà trường phải tự xây dựng và thực hiện.

Những yếu tố đặc thù như vậy khiến việc quản lý của Bộ Giáo dục với các trường này cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong quá trình điều tra, xác minh các sai phạm.

Điều này là một phần nguyên nhân khiến cho các sai phạm cũ chưa kịp xử lý đã mọc ra các sai phạm mới. Các sai phạm chúng ta thấy được ở Học viện Quản lý giáo dục mà Bộ Giáo dục chỉ ra là rất nhiều và kéo dài chính là minh chứng cho những điều ấy.

Bên cạnh đó, với Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh lại còn ở xa về mặt địa lý nữa nên tất nhiên, việc quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo với trường này cũng có phần “xa hơn”.

Một phần nữa là việc công khai, minh bạch trong các sai phạm không được đảm bảo. Nếu các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục phát hiện, nhìn thấy sai phạm, sau đó công bố rõ ràng cho các bộ phận của các nhà trường họ có ý kiến và nhìn thấy khuyết điểm, không bao che, giấu diếm. Sau đó, yêu cầu các bộ phận sửa sai và chấn chỉnh dứt điểm thì sẽ không có những sự việc tồn đọng kéo dài như hiện nay.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, trong sự việc này, quản lý nhà nước toàn diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các đơn vị trực thuộc là không xuể vì nó bao gồm quá nhiều khâu, nhiều mặt. Điều này khiến cho những sai phạm nhỏ dễ qua mặt, chúng âm ỉ và có điều kiện được nhen nhóm để trở thành những sai phạm lớn hơn”.

Hai đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để xảy ra nhiều sai phạm được Bộ chỉ ra thời gian vừa qua . Ảnh: Trung Dũng

Hai đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để xảy ra nhiều sai phạm được Bộ chỉ ra thời gian vừa qua . Ảnh: Trung Dũng

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế cho rằng: “Những sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục và Trường Cán bộ quản lý giáo dục cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra, chắc chắn các cơ sở này sẽ phải khắc phục và sửa chữa.

Mọi chuyện đã xảy ra cũng mong dư luận có cái nhìn cảm thông và cho nó trôi qua để cùng nhìn về hướng tích cực hơn, thúc đẩy cho các nhà trường phát triển trong thời gian tới.

Muốn làm được những việc này, trước hết rất cần đội ngũ lãnh đạo các nhà trường ở thời điểm hiện tại phải có định hướng để có thể phát triển ổn định và củng cố hai trường này. Khi có định hướng rõ ràng thì cán bộ, giảng viên họ mới yên tâm công tác, giảng dạy được.

Các trường cũng cần nhận được sự quan tâm, sát sao hơn nữa từ lãnh đạo Bộ Giáo dục, đặc biệt là với Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Từ quá trình công tác tôi đúc rút ra rằng, các nhiệm kỳ mà tôi làm việc, may mắn được lãnh đạo Bộ Giáo dục cũng như các Cục, Vụ, Viện của Bộ hết sức quan tâm.

Riêng với Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, cần chú trọng nâng tầm hơn nữa vai trò của mình, đó chính là cầu nối giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục và các Sở Giáo dục ở khu vực phía Nam.

Trường nắm bắt được nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ quản lý sẽ đảm bảo việc đào tạo, thông qua đó cũng khẳng định được vị thế của nhà trường, lập tức nhà trường ấy dần sẽ tốt lên.

Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, vì muốn các trường phát triển hơn nữa thì bài học về tinh thần đoàn kết rút ra từ sự việc như vừa qua là rất quan trọng. Khi trong một tập thể, mọi người cùng “chung lưng, đấu cật” thì không có khó khăn nào lại không thể vượt qua được”.

Trung Dũng