Thực hiện chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương là biện pháp quan trọng trong chính sách toàn cầu của Mỹ, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Chính giới và học giả Mỹ đã tổ chức thảo luận rộng rãi đối với chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Xét từ những thảo luận, phản biện và kiến nghị của các tổ chức này có thể thấy hiện nay, Mỹ đang thịnh hành hai tư duy chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương.
Chính sách của Mỹ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được cho là theo hai tư duy chiến lược (Ảnh: geopolitika.hu). |
Tư duy thứ nhất là cạnh tranh và cân bằng. Cạnh tranh và cân bằng là tư duy chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu nhất hiện nay của Mỹ, nguồn gốc của nó xuất phát từ thuyết "mối đe dọa Trung Quốc".
Sự nghi ngờ lẫn nhau về chiến lược đã trở thành vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Mỹ.
Trong một thời gian dài, thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" trở thành chủ đề nóng của Mỹ. Những người ủng hộ thuyết này cho rằng, Trung Quốc đang trở thành đối thủ chiến lược chủ yếu của Mỹ, cho dù Trung Quốc có ý thách thức địa vị ưu thế của Mỹ hay không.
Sự phát triển kinh tế và vai trò quốc tế của Trung Quốc tất yếu dẫn đến sự cạnh tranh Trung-Mỹ. Đặc biệt là ở khu vực Đông Á, kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản chiếm giữ vị trí thứ hai thế giới.
Sự phụ thuộc về kinh tế của các nước Đông Á đối với Trung Quốc ngày càng nổi bật, trong khi Trung Quốc không ngừng tăng cường vai trò hợp tác trong khu vực Đông Á.
Sức ảnh hưởng chính trị và quân sự cũng không ngừng được mở rộng, đã gây nên sự đe dọa trực tiếp đối với lợi ích cốt lõi của Mỹ ở khu vực này.
Dưới tác động của nhận thức này, giới học giả Mỹ cho rằng Mỹ nên cân bằng với Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Báo cáo “Tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương 2025: Năng lực, hiện diện và quan hệ đối tác” của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ đã đưa ra những kiến nghị có tính khả thi trong việc nâng cao năng lực về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong đó, có việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở những khu vực then chốt chiến lược của lực lượng quân sự đồn trú dài hạn và lâm thời; tăng cường hợp tác với các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Đồng thời, đẩy mạnh viện trợ đối với các nước nhỏ ở Đông Nam Á, đáp ứng yêu cầu quốc phòng cơ bản của những nước này, nâng cao năng lực và sức mạnh ứng phó tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông.
Những kiến nghị này đều đã thể hiện tư duy chiến lược cạnh tranh và kiềm chế.
Tư duy thứ hai là can dự và hợp tác. Can dự và hợp tác là một góc độ tư duy quan trọng khác của chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Tiến trình hội nhập và hợp tác của khu vực Đông Á dựa vào cơ chế ASEAN làm trung tâm đạt được tiến triển quan trọng nhưng Mỹ lại nằm ngoài tiến trình này và có xu hướng bị gạt ra ngoài lề.
Điều này khiến Mỹ nên tăng cường tham gia cơ chế đa phương của ASEAN, can dự vào tiến trình hội nhập và hợp tác khu vực Đông Á.
Thông qua tham gia cơ chế đa phương của ASEAN, hợp tác khu vực Đông Á để định hình lại trật tự khu vực, duy trì sức mạnh lãnh đạo và sự kết nối của Mỹ ở khu vực này.
Chiến lược can dự và hợp tác nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Micheal Fuchs đã thể hiện quan điểm tương tự trong buổi điều trần trước Quốc hội.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis nhận định khu vực châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên chiến lược của Mỹ (Ảnh: japantimes.com). |
Ông nhấn mạnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành khu vực cốt lõi về lợi ích chính trị và kinh tế của Mỹ.
Sự phát triển thương mại và đầu tư không ngừng mở rộng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thực lực của các nước lớn tăng lên đã tạo cơ hội quan trọng cho Mỹ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis từng nhận định rằng Mỹ là quốc gia Thái Bình Dương, Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên chiến lược của Mỹ.
Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện lời hứa an ninh và thịnh vượng đối với khu vực này.
Ông còn nhấn mạnh, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, nghèo đói, chủ nghĩa khủng bố và tranh chấp biển.
Do đó, Mỹ nên tham gia hợp tác, thúc đẩy xây dựng quy tắc, ứng phó thách thức xuyên quốc gia.
Trong lĩnh vực an ninh, Cục Nghiên cứu châu Á của Mỹ kiến nghị Mỹ và Trung Quốc tăng cường hợp tác, kiềm chế cạnh tranh, ứng phó có hiệu quả với các thách thức chung như các vấn đề trên biển, không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh mạng, không gian vũ trụ.
Về phương diện trên biển, Mỹ và Trung Quốc có thể sử dụng tốt cơ chế hợp tác hiện có, thiết lập cơ chế tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ trên biển giữa Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và ASEAN.
Bên cạnh đó, triển khai tích cực việc diễn tập ở vành đai Thái Bình Dương, mở rộng sự tham gia tập trận ở Châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.csis.org/programs/alliances-and-american-leadership-project;
2. https://www.americanprogress.org/issues/ext/2018/10/10/459226/nikki-haleys-departure-reflects-chaos-trumps-foreign-policy/
3. https://www.japantimes.co.jp/news/2018/06/02/asia-pacific/singapore-security-summit-mattis-accuses-china-intimidation-coercion-south-china-sea/
4. https://www.state.gov/secretary/remarks/2018/07/284722.htm
5. http://www.geopolitika.hu/en/2017/06/23/beyond-balancing-trumps-asia-pacific-policy/