Bổ sung quy hoạch đóng tàu tìm kiếm, cứu nạn chuyên dụng
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 về việc sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đóng mới 1 tàu tìm kiếm, cứu nạn của ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập dự án và tổ chức thực hiện dự án đầu tư đóng 1 tàu tìm kiếm, cứu nạn trên theo quy định; đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án trong giai đoạn 2014-2016.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng về đề xuất thành lập bổ sung trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải để tăng cường phối hợp sử dụng tàu tìm kiếm, cứu nạn đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên các vùng biển của Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Dự án đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Công ty cổ phần Rạng Đông và các cơ quan liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo hình thức BOT.
UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của dự án bao gồm cả việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án theo hình thức BOT theo quy định.
Thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Theo Quyết định, Học viện Khoa học và Công nghệ có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội. Học viện là cơ sở giáo dục công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; có chức năng và nhiệm vụ chính là đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành về khoa học tự nhiên và công nghệ; nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề án về phát triển nguồn nhân lực.
Học viên hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ban hành, phù hợp với Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tăng cường sử dụng gạch không nung
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).
Dự án trên được thực hiện trên toàn quốc trong 5 năm với tổng hạn mức vốn là 38.880.000 USD; trong đó, vốn ODA do GEF viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP là 2.800.000 USD.
Mục tiêu của Dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Mức phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.
Kết quả chính của Dự án là ban hành chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung; tăng cường năng lực và kiến thức cho cơ quan chính phủ trong việc điều tiết phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung; gia tăng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ và cung ứng gạch không nung ở địa phương có năng lực chuyên môn và tay nghề kỹ thuật được nâng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.