5 năm qua, TP.HCM thành lập mới 30 trường NCL với số tiền khoảng 440 tỷ đồng

25/08/2022 09:30
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong vòng 5 năm, hệ thống trường lớp ngoài công lập của Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập mới 30 trường với 503 lớp, tổng số tiền đầu tư khoảng 440 tỷ đồng.

Sáng ngày 25/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.

Đến tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các Sở ban ngành, 21 quận huyện và thành phố Thủ Đức.

Tại hội nghị này, lãnh đạo Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết về các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 – 2021, hệ thống trường lớp ngoài công lập đã thành lập mới 30 trường với 503 lớp. Tổng số tiền đầu tư khoảng 440 tỷ đồng.

Tính đến năm học 2021 – 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 2.355 trường học, với 1.347 trường công lập và 1.008 trường ngoài công lập. Số lượng học sinh của thành phố là hơn 1,6 triệu học sinh, bao gồm 1,39 triệu học sinh hệ công lập và 226.309 học sinh ngoài công lập.

Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 (ảnh: P.L)

Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 (ảnh: P.L)

Mạng lưới trường ngoài công lập phát triển mạnh, ngày càng mở rộng về quy mô, số lượng, chất lượng đã góp phần tích cực tạo ra nhiều chỗ học tập, đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh, góp phần nâng cao dân trí của người dân, làm giảm đáng kể sức ép về ngân sách cho giáo dục.

Các trường ngoài công lập góp phần mở rộng quy mô và điều kiện học tập, đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh và định hướng học tập trong tương lai, đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho thành phố, bình ổn xã hội.

Việc mở rộng hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện cho các trường có yếu tố nước ngoài có nhiều điều kiện phát triển về mọi mặt. Sự gia tăng về số lượng và các loại hình trường ngoài công lập nói chung đã đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh thành phố trong những năm qua.

Từ năm 2016 đến nay, đối với hệ công lập, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã xây dựng thêm 54 trường mới, hoàn thành và đưa vào sử dụng 3.248 phòng học, đã đáp ứng phần lớn nhu cầu về học tập cho học sinh trên địa bàn thành phố.

Đội ngũ giáo viên tăng thêm 2.527 người, với chất lượng đào tạo đạt chuẩn. Hàng năm giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để không ngừng nâng cao trình độ và cập nhật các chuẩn mới. Số lượng học sinh các cấp học mỗi năm tăng trung bình 22.056 học sinh.

Mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh dành hơn 26% vốn ngân sách cho việc chi thường xuyên và chi cho đầu tư xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo, nâng cấp trường học.

Theo quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020, mỗi năm thành phố đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 1.000 phòng học mới, tương đương với số tiền đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.

Trong các nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, xây dựng trường lớp, ngân sách nhà nước chiếm khoảng 60% vốn vay từ quỹ đầu tư, và từ các nguồn khác khoảng 15% và vốn xã hội hóa chiếm 25%.

Nguồn kinh phí cho giáo dục thành phố có hướng tăng từ sự đầu tư của Nhà nước. Nguồn chi từ ngân sách Nhà nước năm 2019 là 11.802.125 triệu đồng, năm 2020 là 12.352.370 triệu đồng (tăng 4,66%).

Nguồn kinh phí từ xã hội hóa của các công ty, đơn vị, cá nhân đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo tăng lên đáng kể. Hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được xây mới, cải tạo sửa chữa, tăng cường đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, góp phần nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới của nhà trường, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục của thành phố.

Trong năm 2021, nguồn tài trợ xã hội hóa cho các trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động được trên 17 tỷ đồng.

Đối với các trường ngoài công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận còn mặt hạn chế, đó là đa số các chủ đầu tư thuê lại nhà, đất có mục đích sử dụng đất là đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để xây dựng mới, cải tạo nâng cấp thành trường học.

Đa số chủ sử dụng khu đất không muốn điều chỉnh quy hoạch và chuyển mục đích sử dụng đất, vì ảnh hưởng đến giá trị khu đất, gây khó khăn cho các thủ tục đầu tư.

Đối với các quỹ đất dành cho giáo dục, nhà đầu tư muốn tiếp cận để triển khai thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đa số hiện nay đều vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, nên khó triển khai thực hiện được.

Trong thời gian sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục, hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, giấy phép lao động để khuyến khích các nhà trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài đóng góp công sức, trí tuệ và tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Việt Dũng