Nếu 3 công khai của trường ĐH tái diễn sai sót, nhầm lẫn: Cần xử lý nghiêm minh

05/07/2024 06:31
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Theo ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh, đối với những CSGD vi phạm, cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm minh; công khai để răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm nhà trường.

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết cung cấp cho độc giả những thông tin trong báo cáo 3 công khai của các cơ sở giáo dục đại học (theo quy định của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đáng nói, trong các báo cáo được cập nhật trên website của các trường về cơ bản đã được kê khai đầy đủ thông tin, tuy nhiên vẫn gặp một số tình trạng như: Thông tin, số liệu được công khai không chính xác, không thống nhất và còn khập khiễng hoặc đường link không truy cập được... Lý giải cho điều này, đại diện các trường cho biết đó là lỗi “cập nhật hệ thống”, “thống kê nhầm” hay “sai sót trong tập hợp dữ liệu”.

Cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm minh, công khai để răn đe và nâng cao ý thức trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Báo cáo 3 công khai, bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động và báo cáo tự đánh giá, là công cụ quan trọng để đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động của các trường đại học, học viện.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp lỗi trong thống kê, thậm chí nhầm lẫn thông tin trong báo cáo này.

Hạn chót ngày 30/6 hằng năm để công bố báo cáo 3 công khai đã được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn thiếu trách nhiệm, chểnh mảng trong việc thực hiện, thậm chí nhiều trường có công khai nhưng thông tin chưa chuẩn xác hoặc yêu cầu quyền truy cập. Việc này đã gây khó khăn cho công tác giám sát của xã hội đối với cơ sở giáo dục đại học”.

z5583985087622_38e4e5cc470271b46287c3842af40191.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC.

Nữ đại biểu cũng cho rằng: “Vì đã được cảnh báo nhiều lần về vấn đề sai sót, nhầm lẫn này, kỳ vọng đặt ra là từ 2024 các trường cần chấn chỉnh việc công bố báo cáo 3 công khai để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ thông tin và thể hiện rõ ràng trách nhiệm giải trình của nhà trường đối với xã hội”.

Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh, để tăng cường chức năng giải trình và giám sát của xã hội, cần có những biện pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố báo cáo 3 công khai: Các cơ sở giáo dục đại học cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về nội dung, thời hạn và hình thức công bố báo cáo.

Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát: Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công bố báo cáo 3 công khai của các trường.

Thứ ba, áp dụng hình thức xử lý nghiêm minh: Đối với những trường vi phạm, cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm minh, công khai để răn đe và nâng cao ý thức trách nhiệm của các trường.

“Công khai báo cáo 3 công khai là trách nhiệm và nghĩa vụ của các trường đại học. Việc thực hiện đúng quy định sẽ góp phần tăng cường sự minh bạch trong quản lý giáo dục, tạo niềm tin cho xã hội và phụ huynh. Các trường đại học cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện báo cáo một cách nghiêm túc và chính xác để đảm bảo hiệu quả của công tác giám sát xã hội” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh những giải pháp trên, Đại biểu Tú Anh cũng cho rằng, rất cần có sự chung tay của các bên liên quan khác như: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường vi phạm.

Xã hội cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc công bố báo cáo 3 công khai và có sự giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các trường đại học.

Chỉ khi có sự chung tay của các bên liên quan, việc công bố báo cáo 3 công khai mới thực sự hiệu quả, góp phần xây dựng nền giáo dục đại học minh bạch, chất lượng và uy tín”.

Nâng cao trách nhiệm giám sát xã hội để các trường không còn công khai hình thức, “đối phó”

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận: “Thời gian qua, theo dõi thông tin về báo cáo 3 công khai của các trường đại học, học viện, tôi thấy thực sự nhiều nhà trường như chỉ đang thực hiện một cách “đối phó” trước các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi có đường link công khai nhưng lại yêu cầu quyền truy cập....

Tôi cho rằng, trách nhiệm giải trình trước xã hội cũng đồng thời thể hiện được điều kiện thực tế của nhà trường. Mỗi người lãnh đạo phải có suy nghĩ làm sao thể hiện được những thông tin trung thực, khách quan, giúp xã hội đánh giá đúng về cơ sở giáo dục, đồng thời, tạo sự tiến bộ để cải thiện những thông tin đó ngày một tốt lên.

Bởi thế, mặc dù trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, nhưng các trường đại học, học viện cũng phải nêu cao trách nhiệm giải trình trước người học, phụ huynh và toàn xã hội; chứ không phải lúc nào cũng cần có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát sát sao của cơ quan quản lý nhà nước thì mới thực hiện một cách nghiêm túc”.

pgs-nguyen-thien-tong-467-9704.jpg
Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC.

Ở chiều ngược lại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng: “Báo chí cũng cần nêu vấn đề để xã hội nhận thức được trách nhiệm giám sát của mình, để bản thân người học, phụ huynh cùng đóng góp tiếng nói khách quan vào những thông tin mà các nhà trường công bố công khai.

Phải làm sao tạo được yêu cầu chính đáng từ dư luận xã hội, tức là buộc các cơ sở giáo dục phải công khai minh bạch, khách quan và trung thực, thì mới tạo dựng được niềm tin. Không chỉ trông chờ vào chức năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, mà chính người học, xã hội trở thành đối tượng giám sát chất lượng các nhà trường. Đặc biệt, phải trao quyền cho cộng đồng sinh viên, cựu sinh viên được chia sẻ về những điều “mắt thấy tai nghe”, phản ánh đúng điều kiện, chất lượng thực tế trong tuyển sinh và đào tạo của nhà trường, góp phần tạo dựng uy tín một cách khách quan.

Khi nhà trường công khai không đúng thực tế, cộng đồng và xã hội đều có quyền lên tiếng, chỉ ra những điểm chưa đúng, sẽ làm mất niềm tin của người học, ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng tuyển sinh, đào tạo sau này. Nói cách khác, chính là phải nâng cao trách nhiệm giám sát xã hội, nếu làm được như vậy, tin chắc sẽ không còn chuyện báo cáo 3 công khai sai sót, nhầm lẫn.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu 3 công khai còn sai sót

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: "Khi các cơ quan báo chí đã chỉ ra những sai sót trong báo cáo 3 công khai, tôi đề nghị các cơ sở giáo dục đại học phải khắc phục ở báo cáo từ năm 2024 trở đi".

bui-thi-an-7630.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

“Còn nếu sau khi đã được chỉ ra những thiếu sót, các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục thực hiện báo cáo 3 công khai không thực sự chỉn chu, chuẩn chỉnh, có những lỗi sai trong thống kê, tập hợp dữ liệu, xử lý số liệu,... không chỉ cán bộ kê khai, mà Hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm.

Đây là vấn đề trách nhiệm giáo dục với xã hội, để tạo được niềm tin cho nhân dân, để người học lựa chọn môi trường học tập, nghiên cứu” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An bày tỏ.

Ngân Chi