8 cây muỗm di sản chết khô: Cây chết, thành phố mới cho tiền ...đào nốt gốc

17/03/2015 07:47
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Hiện tại người ta đang trồng muỗm mới, riêng với muỗm đã chết, vẫn chưa ai làm rõ, thành phố thì chỉ hỗ trợ tiền đào nốt gốc, chứ không có tiền cho bảo tồn.

Để làm rõ phản ánh của một cựu quan chức liên quan tới việc 8 cây muỗm có tuổi thọ gần 1.000 năm ở đền Voi Phục (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) bị bức tử, chết vì đói, khát và bị nhiễm độc thuốc mối, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Ban quản lý di tích đền Voi Phục - Thụy Khuê, người đã có hơn 20 năm gắn bó với những cây muỗm này.

Ông Tùng chua xót kể lại: “Người ta nói chúng bị chết do thiếu sự chăm sóc là đúng. Những cây trên mắc bệnh từ hàng chục năm nay rồi, nhưng không được phát hiện dù bệnh rất dễ nhận biết: con xén tóc đục thân cây làm mùn rơi ra quanh gốc, thân cây. 

Năm 2010, khi cây được công nhận là di sản, chúng đã nảy nấm ra. Đến 2011 khi có dự án tu bổ đền chúng tôi mới phát hiện ra. Năm 2012 chúng tôi thuê chuyên gia chữa. Đến 2013 chúng chết hết…”.

Trưởng Ban quản lý di tích đền Voi Phục dẫn chứng: “Ngay đến cụ Từ - một trong số những người trông coi đền, nay đã 95 tuổi biết về cây muỗm, nhưng cũng không biết chăm sóc chúng như thế nào”.

Gốc 1 cây muỗm đã chết (Ảnh: Phong Nguyên)
Gốc 1 cây muỗm đã chết (Ảnh: Phong Nguyên)

Theo thông tin từ Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ngày 1/7/2011, sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ, đoàn khảo sát của Hội do ông Vũ Văn Dũng – thành viên Hội đồng Cây di sản Việt Nam dẫn đầu đã đến làm việc và khảo sát tình hình nhằm chữa trị cho một số cây muỗm trong khuôn viên đền Voi Phục.

8 cây muỗm di sản chết khô: Cây chết, thành phố mới cho tiền ...đào nốt gốc ảnh 28 cây muỗm nghìn tuổi ở Thủ đô chết vì đói, khát và thuốc...mối?

(GDVN) - Dù Phó Chủ tịch Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn đã có chỉ đạo làm rõ có hay không việc 8 cây muỗm gần nghìn tuổi chết đói, chết khát, chết vì nhiễm độc, nhưng...

Qua khảo sát, đoàn kết luận một số cây trong khuôn viên đền bị mối mọt và nấm ký sinh xâm hại cần cắt tỉa cành, cân tán tránh tình trạng gió bão làm gãy cây và cành.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch Hội – TS Nguyễn Ngọc Sinh đề nghị cần khẩn trương thu dọn vệ sinh xung quanh các gốc cây muỗm đặc biệt các cành cây, gỗ mục, mùn cưa, tránh cung cấp thức ăn cho mối mọt.

“Đối với cây bị mối, cần liên hệ ngay với các đơn vị chuyên về mối để có biện pháp chữa trị cho cây. Về vấn đề nấm, chúng tôi sẽ giới thiệu chuyên gia đến khảo sát và làm việc cụ thể với Ban Quản lý, đưa ra các phương án điều trị để Ban Quản lý lựa chọn và tổ chức thực hiện.

Đề nghị sớm triển khai các phương án cứu chữa kịp thời cho các cây có vấn đề. Hội sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn nếu được yêu cầu”, ông Nguyễn Ngọc Sinh cho ý kiến trong văn bản gửi UBND quận Tây Hồ, Ban quản lý di tích đền Voi Phục ngày 4/7/2011.

Chết vì những cái lắc đầu lạnh lùng của lãnh đạo quận?

Ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Ban quản lý di tích đền Voi Phục (Ảnh: Phong Nguyên)
Ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Ban quản lý di tích đền Voi Phục (Ảnh: Phong Nguyên)

Trao đổi với phóng viên, ông Tùng cho biết: “Khi chúng tôi đề cập đến việc chữa bệnh cho các cây này, họ nói: Nhà nước có cho tiền đâu. 17 tỷ đồng được sử dụng để tu bổ toàn bộ đền và khu vực xung quanh đền, chủ yếu dùng để thay thế toàn bộ gỗ chứ không có kinh phí chăm sóc, chữa bệnh cho cây”. Đáp lại lời thỉnh cầu khẩn thiết trên của Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường về chăm sóc cây là những cái lắc đầu đầy lạnh lùng của UBND quận Tây Hồ.

Không chỉ vậy, ông Tùng nói thêm: “Tại nhiều hội nghị do UBND quận Tây Hồ tổ chức, tôi đã đề nghị các cơ quan Nhà nước đầu tư về kỹ thuật để giúp cộng đồng chăm sóc cây, nhưng có ai quan tâm đến đâu?! Trước đề xuất của tôi, lãnh đạo quận đều bảo không biết”.

Vậy là tính mạng, sức khỏe của các “cụ muỗm” vừa được công nhận là cây di sản đầu tiên Việt Nam đành phó mặc cho số phận và những người dân không hiểu nhiều về cách chăm sóc muỗm.

“Chúng tôi là nông dân cày đường nhựa nên không biết cách chăm sóc loại cây này. Viện Lâm Nghiệp, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam từng xuống đền đặt vấn đề phải cứu chữa cho các cây này. Nhưng khi họ đề xuất như thế chẳng ai quan tâm cả. Những nhà chức trách có liên quan thì cho rằng những cây đó thuộc Nhà nước quản lý trong khi họ là đại diện cho Nhà nước ở địa bàn.

Đến khi cây chết, tháng 10/2014 vừa qua, có đại biểu quốc hội còn phải lên tiếng đặt câu hỏi. Vậy nhưng các vị lãnh đạo có trách nhiệm ở Hà Nội có nói được gì đâu?!”, ông Tùng nêu quan điểm.

Gần 100 triệu đồng công đức vẫn không cứu được 

Cây muỗm duy nhất còn sống sót (Ảnh: Phong Nguyên)
Cây muỗm duy nhất còn sống sót (Ảnh: Phong Nguyên)

Trước sự vô tâm của một số nhà chức trách với lý do …không có kinh phí, Ban quản lý di tích đã chủ động dùng tiền công đức để khám chữa bệnh cho các cụ muỗm.

“Chúng tôi đã bỏ ra gần 100 triệu đồng – tiền xã hội hóa - mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến cứu chữa, nhưng sau vài tháng, rút cục cây chết vẫn chết…”, ông Tùng cho hay.

Tuy nhiên, Trưởng Ban quản lý di tích đền Voi Phục khẳng định, nếu nói là do thuốc mối thì không đúng bởi tại sao mối ở dưới vẫn sống mà cây lại chết? Hơn nữa thuốc mối được đổ vào các khe tường chứ không phải vào cây.

“Tuổi thọ của các cây muỗm đó đã cao, chúng lại bị mối mọt và nấm ký sinh xâm hại, chính xác là bị xén tóc đục thân nên dù chúng tôi đã cố gắng cứu chữa, chúng vẫn không sống được. Bệnh này lây lan từ cây này sang cây khác. Duy chỉ có một cây còn sống là bởi nó nằm ngoài đền”, ông Tùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trước câu hỏi của phóng viên về khả năng: khi sử dụng thuốc mối, mối chưa chết, cây đã chết vì ngộ độc, ông Tùng không thể đưa ra lời lý giải thuyết phục. Vị trưởng ban quản lý di tích này chỉ khăng khăng khẳng định không có chuyện đó.

Trước sự vào cuộc quyết liệt của một số cơ quan thông tấn, báo chí và trước những phản ánh đầy bức xúc của người dân, vào cuối năm ngoái, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải lệnh tạm ngừng đánh gốc các cây đã chết còn lại. Có vẻ như họ muốn lưu lại bằng chứng để chứng minh việc các cụ muỗm chết là do “bệnh tật không thể cứu chữa, tuổi cao sức yếu”.

“Sau 4 tháng, mới đây họ mới lại có văn bản trả lời đồng ý cho đào nốt gốc các cây muỗm đã chết còn lại. Nhà nước không có kinh phí để chăm sóc cây mà chỉ chịu kinh phí đào gốc cây đã chết”, ông Tùng cho biết.

Phải chờ 1000 năm nữa cho 1 sự hồi sinh

Cây muỗm mới được trồng ở đền Voi Phục (Ảnh: Phong Nguyên)
Cây muỗm mới được trồng ở đền Voi Phục (Ảnh: Phong Nguyên)

Theo trí nhớ của những người trông đền lâu năm, những cây muỗm ở đền Voi Phục này đều có vóc dáng to cao đồ sộ, đường kính khoảng 2 – 4m, chiều cao 25 đến 30m, thân gốc xù xì, nứt nẻ, cành lá xum xuê tỏa bóng rộng khắp sân đền, nên vào mùa hè rất mát.

Hiện tại những hình ảnh đó chỉ còn trong ký ức.

Ông Tùng chia sẻ: “Chủ trương của chúng tôi là tiếp tục trồng cây muỗm thay thế bởi tuổi thọ của nó cao, mà trồng được 1 cây mới cũng phải mất tới vài chục triệu đồng. Quận đã nhất trí với chủ trương đó, nhưng về kinh phí cải tạo đất, mua cây muỗm mới, chúng tôi phải tự túc vận động nguồn tiền xã hội hóa, tiền công đức.

Giờ chúng tôi chỉ biết đào hết đất cũ đi, thay thế bằng đất mới và rải vôi bột “khử trùng” trước khi trồng cây muỗm mới còn chuyện về lâu dài, ai quan tâm?!”. 

Dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân có liên quan tới sự ra đi của 8 cụ muỗm này. Không thể để mọi việc chìm vào quên lãng nhất là khi chúng ta không còn nhiều cây di sản gần nghìn tuổi như vậy.

PHONG NGUYÊN