“Cứ đến cuối tuần, các thầy cô ở đây phải đến động viên các em học sinh ở bản Pa Tết. Các em nhớ bố mẹ, nhiều lúc khóc như ri. Mình vào động viên các em còn bảo, thầy giáo đừng nói nữa, khóc luôn bây giờ ấy. Nghĩ cũng thương các em, mới học có lớp 3 mà đã phải xa bố mẹ mấy tháng liền”, thầy Vũ Quang Huy – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch (xã Huổi Lếch, Mường Nhé, Điện Biên) tâm sự về học sinh của mình.
Học sinh bản Pa Tết phải đi học cách nhà 80km nên các em không thể về nhà thường xuyên. Ảnh: LC |
“Năm học 2022-2023, học sinh bản Pa Tết về học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch với 38 học sinh thuộc khối lớp 3,4,5.
Các em đến trường nhập học từ tháng 8 và đến giờ, đã khoảng 3 tháng các em chưa về thăm nhà.
Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, các thầy cô cũng thương các em lắm nên có gì tốt nhất đều dành cho học sinh ở bản này.
Tuy nhiên, chế độ bán trú lại chỉ được hỗ trợ từ thứ 2 đến thứ 6, chính vì thế 2 ngày cuối tuần nhà trường rất vất vả nuôi các em vì thiếu kinh phí”, thầy Vũ Quang Huy cho biết.
Thư ngỏ của 2 thầy hiệu trưởng ở Huổi Lếch. Ảnh: LC |
Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Văn Quynh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Huổi Lếch chia sẻ thêm: “Năm học 2022-2023, học sinh bản Pa Tết về học về học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Huổi Lếch có 37 học sinh thuộc khối lớp 6,7,8,9.
Các em phải di chuyển quãng đường 80km đường rừng để về học tập tại hai đơn vị trường cấp tiểu học và trung học cơ sở nằm trên địa bàn xã Huổi Lếch. Các ngày hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 (đối với bậc tiểu học) và từ thứ 2 đến thứ 7 (đối với bậc trung học cơ sở) học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên do khoảng cách từ bản Pa Tết đến trường quá xa (80km) nên ngày nghỉ cuối tuần (thứ 7, chủ nhật đối với học sinh bậc tiểu học; chiều thứ 7 và sáng, trưa chủ nhật đối với học sinh bậc trung học cơ sở) nên các em không thể về nhà vào dịp cuối tuần. Các em phải ở lại trường sinh hoạt nhưng nhà trường không có kinh phí nuôi các em vào những ngày này.
Em Vàng Thị Thu và Mùa A Công đi học từ cuối tháng 8. Đến nay, đã 3 tháng, các em chưa một lần về thăm nhà. Ảnh: LC |
Nhà trường đều cố gắng dành những điều kiện tốt nhất để các em học sinh ở bản Pa Tết đỡ thiệt thòi. Thế nhưng nhà trường không có kinh phí nuôi các em nên chúng tôi quyết định gửi thư ngỏ xin cơm cho các em. Hi vọng sẽ giúp đỡ được các em phần nào.
Tâm sự với phóng viên, em Vàng Thị Thu, học sinh lớp 9B chia sẻ, em rất nhớ nhà. Em đi học ở trường từ tháng 8 đến giờ, trong bản sóng điện thoại không ổn định nên không phải lúc nào cũng gọi về nhà được.
“Em cũng nhớ bố mẹ lắm nhưng không biết phải làm sao”, Thu nói.
Còn Mùa A Công, học sinh lớp 9B bảo không biết em ở nhà nó lớn như thế nào rồi, nhớ bố mẹ nhưng không biết làm thế nào được. Trước kia Công và Thu đều học ở trường Tà Tổng nên muốn về phải xin cô về từ chiều thứ 5 rồi đi bộ gần 80km về nhà. Từ năm học này, các em đi học tại Huổi Lếch và cũng 3 tháng chưa về thăm nhà.
Bản Pa Tết thuộc xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Bản thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nằm biệt lập so với các bản liền kề. Phía Bắc giáp với bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng; phía Nam giáp bản Nậm Hính 2, xã Huổi Lếch; phía Tây giáp bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch và phía Đông giáp xã Nậm Chàm huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Đường mòn dân sinh là đường giao thông duy nhất để đi lại ở Pa Tết. Việc đi lại khó khăn, chỉ sử dụng được xe máy để di chuyển trong mùa khô đến bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch để ra trung tâm xã với quãng đường hơn 80km; bản chưa có đường giao thông liên kết với bản Nậm Hính 2 và Cây Sặt.
Chính khó khăn, bất cập này dẫn đến nhiều năm qua, Pa Tết không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không đường, không điện, không sóng điện thoại.
Bản gồm 75 hộ dân (100% dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 90%) với 436 nhân khẩu; diện tích tự nhiên gần 218 ha, trong đó có 2,4ha đất ở, còn lại đất canh tác, nơi đây gần như sống biệt lập với bên ngoài.