Những đổi mới căn bản của dự thảo Hiến pháp
Theo GS Trần Ngọc Đường, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tiến hành sửa đổi theo 9 định hướng cơ bản:
Thứ nhất, sửa đổi để tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn, chủ trương phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Thứ hai, để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Thứ ba, để tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn bản chất, vị trí, vai trò trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội.
Thứ tư, để phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Thứ sáu, để bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thứ bảy, để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do dân và vì dân.
Thứ tám, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Thứ chín, coi trọng kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để đảm bảo hiệulực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.
"Theo 9 định hướng nói trên, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều, bổ sung mới 11 điều. Có thể nói bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những nhận thức mới về nội dung cũng như cách thức thể hiện", GS Đường nói.
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lập pháp. |
Ba nội dung nổi bật của dự thảo
Bên cạnh đó, GS Trần Ngọc Đường cũng chỉ rõ những điểm nội dung nổi bật của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Thứ nhất, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân được quy định đầy đủ, sâu sắc và nhất quán hơn, thể hiện một bước tiến mới về nhận thức lý luận. “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” đã được trang trọng ghi nhận trong các bản Hiến pháp nước ta.
Tuy nhiên, việc thể hiện nguyên tắc này trong các bản Hiến pháp, nhất là trong bản Hiến pháp hiện hành còn thiếu nhất quán và chưa phù hợp với điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Dưới ánh sáng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (sửa đổi, bổ sung năm 2011), dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã có các quy định mới sau đây:
Trước hết, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” quy định ở điều 2 Hiến pháp hiện hành là một quy định nền tảng chỉ rõ nguồn gốc, bản chất và mục đích của quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân. Nguyên lý đó không những được quy định trong Hiến pháp nước ta mà hầu hết các nước có chế độ chính trị dân chủ và pháp quyền trên thế giới.
Quy định này được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ các điều khoản của Hiến pháp, bởi so với các văn bản quy phạm pháp luật, Hiến pháp thể hiện đầy đủ nhất chủ quyền nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao, của quyền lập hiến. Do đó, thông qua Hiến pháp nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho nhà nước. Điều 2 quy định nội dung nói trên là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp.
Tuy nhiên, tại điều 6 Hiến pháp năm 1992 hiện hành lại quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Nội dung của điều khoản này lại thiếu nhất quán với điều 2 nói trên.
Bởi nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua các cơ quan đại diện mà còn thông qua các cơ quan nhà nước khác như hành pháp, tư pháp và các hình thức thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp như phúc quyết Hiến pháp. Khắc phục sự thiếu nhất quán này, dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Điều 6 đã quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan nhà nước khác”.
Hai là, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nên nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước là một tất yếu, một đòi hỏi chính đáng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở nước ta (sửa đổi bổ sung năm 2011) đã xác định kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta.
Kiểm soát quyền lực nhà nước đòi hỏi phải hình thành cơ cấu bao gồm kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên trong bộ máy nhà nước giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp và trong nội bộ mỗi quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên ngoài bao gồm kiểm soát của nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo đó, kiểm soát quyền lực nhà nước đã được thể hiện trong Hiến pháp không những thừa nhận thành một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước (điều 2) mà còn quy định ở các điều khoản về sự lãnh đạo của Đảng (điều 4), về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (điều 9), về Công đoàn (điều 10) và các điều trong các chương về tổ chức bộ máy nhà nước.
Đặc biệt hơn là trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có một chương mới (chương X) với tư cách là các thiết chế độc lập mang tính chất là cơ quan chuyên môn góp phần thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực nhà nước như Hội đồng Hiến pháp, Kiểm toán nhà nước…
Ba là, chủ thể phân công quyền lực nhà nước quy định trong Hiến pháp năm 1992 hiện hành chưa phù hợp. Như phần trên đã viết nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân ủy quyền quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước.
Điều đó có nghĩa là nhân dân không trao toàn bộ quyền lực nhà nước của mình cho một cơ quan mà trao cho ba cơ quan khác nhau. Như vậy, nhân dân là chủ thể phân công quyền lực nhà nước. Công cụ để nhân dân giao quyền, ủy quyền, đó là thực hành quyền lập hiến. Bằng việc thực thi quyền lập hiến, nhân dân ủy thác quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ và quyền tư pháp cho Tòa án.
Theo đó, có thể thấy rằng quyền lập hiến là quyền lực tối cao so với quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều khởi xướng từ quyền lập hiến. Trong lúc đó, Hiến pháp năm 1992 hiện hành lại quy định: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (điều 83).
Quy định này không thống nhất với điều 2 của Hiến pháp: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lập hiến là quyền thể hiện một cách trọn vẹn nhất quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bởi Hiến pháp là bản văn thể hiện quyền lực nhà nước cao nhất. Vì thế, trong nhà nước dân chủ và pháp quyền thì quyền lực nhà nước thuộc về ai, chủ thể đó có quyền lập hiến và khi nhân dân có quyền lập hiến thì nhân dân trở thành chủ thể phân công quyền lực nhà nước.
Nhận thức sâu sắc điều đó dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến…” (điều 74) bỏ quy định: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến”. Quốc hội được Hiến pháp (tức là nhân dân) giao cho một số quyền của quyền lập hiến như đề xuất sửa đổi Hiến pháp, thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thảo luận và biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi… (điều 124).