Huyện Sóc Sơn giấu kín việc kỷ luật Hiệu trưởng trường Liên Cơ

21/12/2017 08:43
TRỰC NGÔN
(GDVN) - Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Cơ bị tố cáo đã vi phạm trong công tác quản lý, lập khống hóa đơn chi tiêu, nhằm trục lợi.

Ngày 19/12/2017, nhiều giáo viên đang giảng dạy tại Trường mầm non Liên Cơ cho biết, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân đã vắng mặt trong buổi lãnh đạo huyện Sóc Sơn đọc quyết định kỷ luật cách chức, đồng thời bà Xuân cũng đã xin nghỉ dài hạn việc giảng dạy. 

Trong thời gian công tác, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Cơ (Thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn - Hà Nội) bị tố cáo đã vi phạm trong công tác quản lý, thiếu minh bạch trong các khoản thu chi, lạm dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cá nhân, biến của công thành của riêng, có những lời lẽ thiếu chuẩn mực khi các giáo viên không làm theo yêu cầu. 

Cụ thể, đơn thư phản ánh, năm 2010, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân được Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Cơ, trước khi về trường mầm non Liên Cơ công tác, bà Xuân đã từng bị điều chuyển công tác nhiều lần do mắc phải sai phạm trong công tác quản lý vì cắt xén khẩu phần ăn của học sinh.

Khi về Trường mầm non Liên Cơ, bà Xuân lại tái diễn, vi phạm nghiêm trọng, trong đó có việc giả mạo tạo lập chứng từ khống về chi trả tiền xã hội hóa năm học 2016 – 2017.

Trường mầm non Liên Cơ, nơi bà Nguyên Thị Thanh Xuân công tác. Ảnh: Nhân Minh
Trường mầm non Liên Cơ, nơi bà Nguyên Thị Thanh Xuân công tác. Ảnh: Nhân Minh

Theo đó, năm học 2016 – 2017 khi thu tiền xã hội hóa của học sinh bà Xuân không báo cáo cấp trên mà tự ý chỉ đạo các giáo viên họp phụ huynh đầu năm, và thu tiền mỗi học sinh 250.000 đồng.

Khi bị tố cáo, bà Xuân đã vội vàng chỉ đạo ép giáo viên 10 lớp lập khống danh sách trả lại tiền xã hội hóa cho phụ huynh để xin chữ ký bằng mọi cách với số tiền hơn 100 triệu đồng. Sau đó cho các giáo viên ký khống vào danh sách trả lại tiền nhằm “che mắt” cơ quan chức năng.

“Thực chất số tiền hơn 100 triệu đồng đó không hề được trả lại cho các cháu  và bà Xuân cũng không hề nhắc đến số tiền này, số tiền này đã không cánh mà bay.

Số tiền không được trả cho các cháu học sinh, không được nhập vào quỹ nhà trường thì đã đi đâu, ai đã hưởng lợi từ số tiền này?

Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền vào cuộc điều tra, làm rõ, sai phạm này của bà Xuân”, một giáo viên thắc mắc.

Đơn thư cũng đề cập về việc bà Xuân chỉ đạo lập khống chứng từ thu tiền quỹ lớp, tạo lập khống các hóa đơn chi tiêu mua bán để trục lợi.

Cụ thể trong năm học 2017 – 2018, bà Xuân lại cho họp đại diện giáo viên của 10 lớp để chỉ đạo việc họp phụ huynh đầu năm, thay vì thu tiền xã hội hóa, bà Xuân đã chỉ đạo ép các giáo viên thu tiền quỹ lớp tăng gấp 2 đến 3 lần so với mức thu các năm trước, từ 200.000 đồng/cháu/học kỳ lên đến 500.000 đồng/cháu/học kỳ để che mắt cơ quan chức năng.

Huyện Sóc Sơn giấu kín việc kỷ luật Hiệu trưởng trường Liên Cơ ảnh 2Khởi tố, bắt giam một Hiệu trưởng lạm thu

Sau đó, mỗi lớp phải trích lại 200.000 đồng giao nộp lại cho bà Xuân, số tiền này được một người thủ quỹ thu nhưng không lập phiếu thu mà chỉ ghi vào sổ tay với lý do để bà Xuân trả nợ tiền đã mua sắm đồ dùng, đồ chơi ở các lớp ở năm học 2016 – 2017.

Tuy nhiên trên thực tế bà Xuân không mua sắm gì nhiều ngoài mỗi lớp vài con búp bê, khay nhựa. Các giáo viên, phụ huynh thắc mắc vậy với số tiền khoảng 100 triệu đồng thì bà Xuân đã trả nợ cho ai? Trong khi đó đầu năm học 2016 – 2017 bà Xuân đã chỉ đạo thu mỗi cháu 150.000 đồng.

Bên cạnh đó, gian xảo, tinh vi hơn bà Xuân còn chỉ đạo các giáo viên các lớp viên biên bản họp phụ huynh theo nội dung chỉ đạo của bà Xuân, nội dung cuộc họp cả 10 lớp đều tương tự như nhau, biên bản ghi 100% phụ huynh nhất trí với nội dung của cuộc họp nhưng không có chữ ký của phụ huynh.

"Ngày 25/09/2017 khi nhận được thông tin sắp có đợt thanh tra tài chính về trường, bà Xuân đã họp gọi giáo viên của 10 lớp để hỏi về biên bản thu tiền quỹ lớp có ghi số tiền cụ thể hay không, thì được các giáo viên trả lời là có ghi số tiền 500 nghìn đồng và cho phụ huynh ký tên vào. Khi giáo viên trả lời như vậy thì liền bị bà Xuân quát:

“Sao chúng mày ngu thế, chúng mày ghi số tiền ra để thanh tra tài chính về chết cả nút à! Năm ngoái tao đã bảo chúng mày như thế nào? Phải ghi khống người thấp, người cao  rồi cho phụ huynh ký vào chứ!”.

Ngay sau đó, bà Xuân đã chỉ đạo, bắt giáo viên về lập khống danh sách thu tiền quỹ lớp để nhờ phụ huynh ký lại (danh sách này bà Xuân sẽ sử dụng để báo cáo các cơ quan khi bị thanh tra)", đơn thư nêu. 

Không chỉ vậy, bà Xuân còn bắt giáo viên các lớp mua sổ hóa đơn bán hàng thông thường, sau đó yêu cầu các giáo viên phải nghĩ ra các khoản chi tiêu để hợp thức hóa số tiền quỹ lớp từ năm 2016 – 2017.

Đơn thư còn phản ánh thêm, bà Xuân đã chỉ đạo giả mạo, lập chứng từ khống để cắt giảm tiền hè, tiền bán trú của giáo viên.

Cụ thể, bà Xuân đã tự ý thu tiền học phí 03 tháng hè của phụ huynh, học sinh là 150.000 đồng/tháng/cháu, vượt quá 50.000 đồng/cháu/tháng, ngay sau khi bị thanh tra, bà Xuân đã bị yêu cầu trả lại số tiền thu thừa của học sinh.

Tuy nhiên bà Xuân lại chỉ báo cáo lên phòng giáo dục có 150 học sinh đi học, trong khi đó đã có hơn 300 học sinh đi học thêm trong tháng 6, 7.

Huyện Sóc Sơn giấu kín việc kỷ luật Hiệu trưởng trường Liên Cơ ảnh 3"Ăn cả tấn gạo" của học sinh ở Yên Bái, lãnh đạo trường bị bắt

Không chỉ vậy, sau khi Thanh tra Tài chính huyện Sóc Sơn về thanh tra, các giáo viên mới ngã ngửa với chứng từ chi trả tiền hè cho giáo viên với số tiền 2.500.000 đồng/tháng/giáo viên.  Tuy nhiên trên thực tế, các giáo viên đi dạy chỉ nhận được số tiền ít ỏi khoảng vài trăm nghìn.

Giáo viên còn phản ánh, khi các giáo viên lĩnh tiền bán trú hàng tháng trên các hóa đơn chứng từ đều không ghi rõ nội dung và số tiền.  Nhiều giáo viên nhận thức được việc này nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ bị trù dập.

“Chúng tôi không biết được là bà Xuân đã lập khống số tiền bán trú này trên chứng từ ký khống kia là bao nhiêu trong hệ thống sổ sách kế toán, mà chỉ biết thực tế tiền bán trú hàng tháng mà chúng tôi chỉ nhận được cao nhất là 1.100.000 đồng/người/tháng, sau khi có phản ánh thì tháng 8/2017 chúng tôi lại nhận được 1.400.000 đồng, cao hơn các tháng trước 300.000 đồng", một giáo viên bức xúc cho biết.

Ngoài những nội dung tố cáo trên, đơn thư còn phản ánh bà Xuân đã chỉ đạo giáo viên làm giả, báo cáo sai lệch về sĩ số các cháu trên lớp, số lượng các cháu ghi trên sổ sách để báo cáo lên cấp trên thấp hơn nhiều so với số cháu đi học thực tế nhằm trục lợi cá nhân.

Tự lập các chứng từ giả với nội dung là chi tiền phúc lợi cho cán bộ, giáo viên hàng năm đi nghỉ mát, đi chùa,… nhưng thực tế lại không chi mà bắt các giáo viên phải nộp tiền  và ký khống vào chứng từ chi tiền hỗ trợ của nhà trường 100%  cho giáo viên. 

Ngoài ra một số đồ dùng cá nhân của bà Xuân đã qua sử dụng cũng được đưa vào nhà trường bán với giá cao. Theo các giáo viên nhà trường, vào chiều ngày 18/12, một số đồ dùng của bà Xuân đã được người của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đến thu hồi.  

Trước những nội dung phản ánh trên, phóng viên đã liên lạc với bà Xuân qua số điện thoại mà các giáo viên đã cung cấp để có thông tin khách quan, đa chiều. Tuy nhiên bà Xuân đã từ chối. 

Cũng liên quan đến nội dung phản ánh trên, ngày 14/12 trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết đã thanh tra, kiểm tra tại Trường mầm non Liên Cơ và đã phát hiện ra sai phạm. 

"Chúng tôi đã thanh tra và có kết luận về sai phạm tại Trường mầm non Liên Cơ, và đã có hình thức kỷ luật đối với bà Xuân", ông Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn cho biết. 

Tuy nhiên, trải qua nhiều ngày sau khi phóng viên đặt lịch làm việc nhưng đến nay Ủy ban nhân huyện Sóc Sơn vẫn chưa công bố kết luận, hình thức xử lý kỷ luật đối với bà Xuân trước cơ quan báo chí. 

Điều này đang khiến dư luận, các giáo viên, phụ huynh thắc mắc liệu kết luận thanh tra, hình thức xử lý kỷ luật đối với bà Xuân có được đảm bảo khách quan?

TRỰC NGÔN