Cô giáo Kiều Chinh dành hết tâm huyết chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ

07/05/2019 06:52
LÃ TIẾN
(GDVN) - Dạy trẻ tự kỷ là dạy từng kỹ năng, việc tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng phải mất thời gian dài, có khi là cả cuộc đời.

Đó là chia sẻ của cô giáo Bùi Kiều Chinh (sinh năm 1986), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sao (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh).

Năm 2008, sau tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội), cô giáo trẻ Bùi Kiều Chinh đã tự mình xoay sở, trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành và các kiến thức thực tiễn để quyết định mở cơ sở Mầm non tư thục Ánh Sao.

Cơ sở này tại Hạ Long (Quảng Ninh), hoạt động theo mô hình giáo dục hòa nhập (cho trẻ khuyết tật trong độ tuổi mầm non tham gia học một số tiết học hòa nhập cùng các trẻ mầm non bình thường).

Đến năm 2018, sau nhiều năm ấp ủ, cùng với nhu cầu của địa phương, cô giáo Chinh chính thức thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sao, nhằm tạo mọi điều kiện để tập trung hỗ trợ chăm sóc, giáo dục chuyên sâu cho trẻ tự kỷ đặc trưng.

Cô giáo Bùi Kiều Chinh cùng các em nhỏ của lớp trẻ tự kỷ đặc trưng luyện tập một số kỹ năng làm việc. (Ảnh: Nguyễn Dung)
Cô giáo Bùi Kiều Chinh cùng các em nhỏ của lớp trẻ tự kỷ đặc trưng luyện tập một số kỹ năng làm việc. (Ảnh: Nguyễn Dung)

Hiện Trung tâm có khoảng 70 học sinh thuộc nhóm khuyết tật (tự kỷ, khiếm thính, bại não, hội chứng down, chậm phát triển trí tuệ, chậm nói...).

Trong đó có khoảng 30 trẻ tự kỷ đặc trưng, được chia thành 2 lớp từ 2-10 tuổi và từ 10-18 tuổi.

Em N.T. Đ. (ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long) hiện là học sinh lớn tuổi nhất (15 tuổi) vào học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sao được hơn 1 năm.

Em Đ. mắc chứng tự kỷ đặc trưng, gia đình phát hiện và can thiệp khá muộn nên đến khi vào học tại đây, em vẫn hầu như không giao tiếp, không tương tác, chưa biết tự phục vụ cá nhân, chỉ ăn một loại thức ăn và thường có những hành vi gây ảnh hưởng tới mọi người xung quanh.

Nhưng đến nay, Đ. đã có thể nói, biết thực hiện yêu cầu của cô giáo, biết thể hiện nhu cầu của bản thân dù chỉ đơn giản ở mức độ muốn ăn món ăn nào, chơi món đồ nào bằng ngôn ngữ của chính mình.

Em tự biết phục vụ cá nhân, giúp đỡ được công việc nhà và cả biết xấu hổ, cười tủm tỉm khi có người để ý hay nhìn mình.

Đó là cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của cô và trò cùng sự động viên, đồng hành từ gia đình.

Cô giáo Kiều Chinh dành hết tâm huyết chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ ảnh 2

"Mẹ đỡ đầu" của hàng trăm trẻ em tự kỷ

Theo cô giáo Chinh, dạy trẻ tự kỷ là dạy từng kỹ năng, việc tưởng chừng như rất đơn giản, trẻ bình thường chỉ cần nhìn qua là biết cách làm theo, nhưng với trẻ tự kỷ phải mất thời gian dài, có khi là cả cuộc đời.

Từ việc học cách mặc quần áo, vệ sinh cá nhân đều phải được hướng dẫn làm liên tục, tỉ mỉ, chi tiết thì các con mới có thể ghi nhớ và thực hiện.

Cũng chẳng hề lạ lẫm khi cả tháng trời có bạn chỉ học một kỹ năng cài cúc áo hay đánh răng, để có thể tự làm một mình.

Nói cách khác, một công việc, một hành động bắt buộc mình phải chia nhỏ từng bước, hướng dẫn từng chút một để tạo cơ hội cho các con thực hiện thành công.

Nếu chính mình kiên trì, nhẫn nại thì chắc chắn các con sẽ học được và làm được.

“Giáo dục trẻ tự kỷ đòi hỏi tính kiên nhẫn như chăm sóc, giáo dục những bạn nhỏ đặc biệt này, áp lực từ nhiều phía, từ bé, từ phụ huynh là điều không thể tránh khỏi.

Nản lòng có, cảm giác bất lực có nhưng rồi sau mỗi lần như vậy, chỉ cần được nghe thấy các con gọi “cô Chinh ơi”, “cô Chinh này”, tiếng các bạn ấy cười đùa, thì niềm vui và hạnh phúc giản đơn lại nhen nhóm.

Từ đó, mọi khó khăn đều có thể được gác lại để nhường chỗ cho hành trình cố gắng, bền bỉ, tiếp tục đồng hành với các con đạt được những mục tiêu đã đặt ra”, cô giáo Chinh chia sẻ.

Cô Chinh cho biết thêm, điểm mới trong quá trình chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ mà Trung tâm muốn hướng đến là dạy cho các con một nghề, tạo cơ hội việc làm để có thể nuôi sống chính mình.

Thực tế tại Trung tâm hiện nay, không phải bạn nhỏ nào đến học tập, gia đình cũng có điều kiện chăm lo cho con đến khi con lớn lên và trưởng thành.

Nhất là khi các con lớn lên, việc chăm lo sẽ trở thành gánh nặng, sức ép khá lớn đối với mỗi gia đình.

Cô giáo Bùi Kiều Chinh không ngừng nâng cao kiến thức, cập nhật phương pháp mới, hiệu quả trong giảng dạy, chăm sóc trẻ tự kỷ. (Ảnh: Nguyễn Dung)
Cô giáo Bùi Kiều Chinh không ngừng nâng cao kiến thức, cập nhật phương pháp mới, hiệu quả trong giảng dạy, chăm sóc trẻ tự kỷ. (Ảnh: Nguyễn Dung)

Chính vì vậy, thông qua quá trình theo sát các con mỗi ngày, trung tâm tập trung phát hiện ra những sở trường, niềm yêu thích của từng bạn để làm cơ sở định hướng, đào tạo nghề phù hợp.

Theo đó, các công việc đơn giản, như: Rửa xe, gội đầu, bán hàng, may mặc, dọn dẹp, nấu ăn, pha chế, đánh máy, photo…; làm một số công việc thủ công: Xâu vòng, thêu, đan....

Sau quá trình trao đổi và nhận được sự đồng ý của phụ huynh và chính các bạn nhỏ, ngay trong mùa hè này, Trung tâm sẽ bắt đầu đưa vào thực hiện việc bán nước mía, do các bạn lớp tự kỷ đặc trưng lớn, kết hợp với các bạn học sinh tiểu học trong khu vực (từ 13-16 tuổi) tự làm dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Qua đây cho các em tập làm quen với công việc. Số tiền thu được sẽ dành vào quỹ để giúp đỡ các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn của Trung tâm.

Theo dự kiến, trong 2 năm tới, cô giáo Chinh sẽ thực hiện xây dựng mới hoàn toàn cơ sở Mầm non tư thục Ánh Sao và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sao trên diện tích gần 500 m2.

Một đích đến xa hơn mà cô Chinh đang ấp ủ, mong muốn và quyết tâm thực hiện trong tương lai là thành lập một Trung tâm Bảo trợ xã hội tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Mục đích là tạo ra nơi học tập và sinh hoạt chung, nơi đào tạo nghề, tạo việc làm cho trẻ khuyết tật từ trên 10 tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận (Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang…).

Trung tâm sẽ là nơi mà tất cả trẻ em khuyết tật được học tập, vui chơi, giao lưu bạn bè; được đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm để có thể tự nuôi sống chính mình...

LÃ TIẾN