Con có thể trở thành một nhà khoa học như Giáo sư hay không?

14/04/2019 06:23
Trần Phương
(GDVN) - Nhiều câu hỏi về cuộc sống, về động lực bản thân, về cách học tập đã được học sinh trường Ngọc Châu gửi đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Ngày 11/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với Phòng Giáo dục và đào tạp Thành phố Hải Dương, Trường Trung học cơ sở Ngọc Châu (Phường Ngọc Châu, Thành phố Hải Dương, Hải Dương) tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, buổi hội thảo đã trở thành buổi hoạt động ngoại khóa bổ ích, lý thú cho hơn 1300 em học sinh trường Trung học cơ sở Ngọc Châu.

Với những câu chuyện gần gũi, giản dị nhưng được truyền đạt đầy nhiệt huyết, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nêu về quá trình học tập, nghiên cứu khoa học của mình.

Tiết mục văn nghệ chào mừng do các em trường Trung học cơ sở Ngọc Châu thể hiện. (Ảnh: LC)
Tiết mục văn nghệ chào mừng do các em trường Trung học cơ sở Ngọc Châu thể hiện. (Ảnh: LC)

Trong buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã giúp các em hiểu được cơ hội và thách thức của thế hệ tương lai của đất nước trong thời kỳ cách mạng khởi nghiệp cách mạng công nghiệp 4.0.

Câu chuyện về những tấm gương vượt khó của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tạo nhiều cảm hứng cho học trò trường Ngọc Châu.

Con có thể trở thành một nhà khoa học như Giáo sư hay không? ảnh 2Khởi nghiệp thời 4.0 thành công đâu chỉ bằng con đường học đại học

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã chỉ ra rất nhiều con đường dẫn tới thành công cho các bạn học sinh – những người chủ tương lai của đất nước.

Lời khuyên của Giáo sư đến các em là các em phải có ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ mới và vượt khó không ngừng phấn đấu vươn lên.

Đặc biệt những tấm gương vận dụng kiến thức khoa học vào trong sản xuất mà thầy đã trực tiếp tư vấn giúp đỡ, tư vấn đã rất thu hút các em học sinh.

Trong buổi hội thảo các em cũng đã lĩnh hội được nhiều phương pháp tư duy, phương pháp học tập và đặc biệt nhiều kỹ năng sống từ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Hơn 1300 học sinh trường Trung học cơ sở Ngọc Châu đã được tham gia giờ ngọc ngoại khóa rất thú vị. (Ảnh: LC)
Hơn 1300 học sinh trường Trung học cơ sở Ngọc Châu đã được tham gia giờ ngọc ngoại khóa rất thú vị. (Ảnh: LC)

Trong buổi hội thảo, trước sự gần gũi của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các em học sinh của trường đã rất cởi mở và chia sẻ nhiều tâm tư với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Có em đã mạnh rạn đặt câu hỏi, con có thể trở thành một nhà khoa học như Giáo sư hay không.

Theo Giáo sư, để trở thành một nhà khoa học không khó, quan trọng là các em phải xác định được bản thân mình nằm trong điều nào trong 8 trí thông minh mà tiến sĩ Howard Gardner đã đưa ra.

Con có thể trở thành một nhà khoa học như Giáo sư hay không? ảnh 4Để trở thành công dân toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, mỗi em học sinh đều có một điều hoặc vài điều nổi trội so với các trí thông mình khác. Do đó, nếu các em sớm xác định được mình nổi trội trí thông mình hơn sẽ là một trong những nền tảng quan trọng giúp các em định hướng ước mơ, nghề nghiệp cũng như tập trung vào việc rèn luyện những năng khiếu vốn có tự nhiên của các em.

Bên cạnh, đó, nhiều em học sinh lớp 6 cũng đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về việc làm sao mình có thể tự tin vào bản thân mình, làm thế nào để không ảo tưởng về bản thân…

Những câu hỏi này đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp từng câu hỏi cụ thể, rất cặn kẽ, đồng thời cũng đã tạo ra động lực cho học sinh.

Sôi nổi nhất trong buổi hội thảo là các em học sinh khối 7 – 8, các em đặt ra rất nhiều câu hỏi về cuộc đời làm khoa học cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Những thành công, thất bại và những lần đối mặt với thất bại của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là gì cũng được các em rất quan tâm.

Câu chuyện về cuộc đời làm khoa học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã thu hút sự chú ý rất lớn của các em. (Ảnh: LC)
Câu chuyện về cuộc đời làm khoa học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã thu hút sự chú ý rất lớn của các em. (Ảnh: LC)

Trước những câu hỏi ngộ nghĩnh những không kém phần thông minh của các em khối 7 – 8 trường Ngọc Châu, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đều có những giải đáp rất cặn kẽ.

Câu hỏi của một học sinh lớp 8 đã khiến các em ồ lên khi biết điều ân hận lớn nhất của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là gì.

Câu hỏi rất thẳng thắn đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp. Theo đó, điều ân hận lớn nhất của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chính là việc thầy không có thời gian để học đàn ghi ta.

Cuộc đời nghiên cứu khoa học của thầy quá bận rộn khiến thầy không có thời gian học đàn mặc dù thầy thấy học đàn ghi ta rất thú vị.

Giáo sư cũng khuyên các em hãy tìm đến âm nhạc để giải tỏa và làm cân bằng cuộc sống.

Trước những cô cậu học trò nhí, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng như trẻ lại. Câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng không chỉ là câu chuyện của một nhà khoa học, một nhà giáo dành cho các em học sinh mà đó là những câu chuyện thân mật của người ông dành cho các cháu mình.

Các thầy cô giáo, các em học sinh trường Ngọc Châu cảm thấy vô cùng bất ngờ khi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã bước sang tuổi 82.

Nhiều thắc mắc của các em học sinh độ tuổi Trung học cơ sở đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp cặn kẽ. (Ảnh: LC)
Nhiều thắc mắc của các em học sinh độ tuổi Trung học cơ sở đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp cặn kẽ. (Ảnh: LC)

Thế nhưng, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn dành rất nhiều nhiệt huyết và tình cảm đối với giáo dục, đối với thế hệ trẻ, thế tương lai của đất nước.

Cũng trong buổi Hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã có những món quà hết sức ý nghĩa dành cho các thầy cô giáo.

Những món quà là những công trình khoa học gắn liền với thực tiễn đời sống mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm.

Cuối buổi hội thảo, hiệu trưởng Trung học cơ sở Ngọc Châu cô giáo Phạm Thanh Nga, Hiệu trưởng nhà trường đã bày tỏ xúc động trước tấm lòng của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đồng thời cô Nga cũng đã cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo đầy bổ ích dành cho thầy và trò nhà trường.

Hiệu trưởng Phạm Thanh Nga đã tặng hoa và gửi lời cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: LC)
Hiệu trưởng Phạm Thanh Nga đã tặng hoa và gửi lời cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: LC)

Thay mặt cán bộ, giáo viên nhà trường, hứa với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cô giáo Phạm Thanh Nga cũng cho biết tập thể giáo viên nhà trường sẽ quyết tâm vượt qua những khó khăn, nâng cao chất lượng học sinh của trường, xứng đáng với niềm tin mà nhân dân giao phó.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trần Phương