Đất và Người

12/05/2018 08:27
Trương Nam Tiến
(GDVN) - Than ôi, xin chớ quên, tiền nhân từng đổ máu để giành lấy ruộng đất cho dân cày!

Nhiều lần tôi làm thư ký cho một dạng diễn dàn tiếp xúc – nơi tâm tư, nguyện vọng của người dân có cơ hội giải bày.

Nơi đó có một phụ nữ tên là Tuyết luôn luôn có mặt từ rất sớm, trong túi xách là đơn thư, văn bản luật, việc của bà là kêu cứu mấy sào đất nhiều năm không làm được sổ đỏ.

Ông Lê Thanh Hải ở đâu khi Khu đô thị Thủ Thiêm… dậy sóng?

Có lần bà chiếm diễn đàn thao thao bất tuyệt về lịch sử mảnh đất nhà bà, trích ra đủ thứ ký hiệu văn bản từ Trung ương tới địa phương, cốt chỉ để minh chứng đất nhà bà hoàn toàn hợp lệ.

Bẵng đi một thời gian không thấy bà xuất hiện ở diễn đàn này nữa, cũng không ai quan tâm sự vắng mặt của bà.

Có lẽ người ta còn bận bịu với vô số các vấn đề “nóng” hơn!

Không hiếm trường hợp tranh chấp đất đai đi vào ngõ cụt, nhiều lời hứa được phát ra nhưng cũng không ai hay biết có bao nhiêu phần trăm trong số ấy trở thành hiện thực.

Vì thế, chuyện đất, chuyện người chưa khi nào bớt phức tạp.

Người yêu điện ảnh Việt chắc biết “gu” của đạo diễn “nông dân” Nguyễn Hữu Phần, tác phẩm của ông xoáy vào chủ đề “đất” và “người”.

Hình ảnh trong bộ phim "Đất và người" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần
Hình ảnh trong bộ phim "Đất và người" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Xem phim của ông xong không thể không nhớ, nhớ rồi ngẫm nghĩ mà không khỏi giật mình thon thót.

Hóa ra, gốc gác mọi biến cố không nằm ở “thế lực thù địch” mà phần lớn nảy sinh khi người nông dân không còn “an cư”.

Mấy chục năm giảng dạy môn khoa học Mác-Lênin – thầy tôi rút ra bài học “mọi cuộc cách mạng trong lịch sử nhân loại đều có nguồn gốc từ ruộng đất”.

Thời bộ lạc nguyên thủy, tuy chưa có nhà nước nhưng giữa các tộc người đánh giết nhau để tranh giành địa bàn, những trận chiến đó nảy sinh ý tưởng liên kết để mở rộng lãnh thổ, trấn áp kẻ thù.

Khi lãnh thổ đủ lớn, con người bắt đầu tìm cách quản lý, yêu cầu bức bách đó buộc phải có một bộ máy ban hành cơ sở pháp lý, cái mà người ta gọi là quy ước nhà nước, đó chính là luật pháp ngày nay.

Giàu lên nhờ chui cửa trước, luồn cửa sau là thảm họa của dân tộc

Lĩnh vực quản lý đất đai có tầm quan trọng ngang bằng với sự tồn vong, nên không thể xem thường.

Nhưng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đến nay là bài toán chưa có lời giải cuối cùng.

“Việc thực hiện giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch mà chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư; lợi dụng thẩm quyền để lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng nhằm trục lợi” đó là khẳng định của ông Lê Quốc Trung, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường. (1)

Cơn “sốt” giá đất ở các đặc khu hành chính – kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn, bắc Vân Phong có nguồn gốc từ đâu?

Đó có phải là “quả ngọt” từ phát triển kinh tế hay là hệ quả của tình trạng “đón đầu” dự án đầu cơ bất động sản?

Người dân lơ mơ với hệ quả “sốt” đất, bán được đất với giá cao bất thường, tự nhiên cả đống tiền từ đâu rơi xuống!

Song, tai hại thoạt đầu xuất hiện ở tầm vĩ mô. Mọi cơn “sốt” đất đều đi kèm với “bong bóng” bất động sản, các nhà đầu cơ “rút ruột” ngân hàng để gom đất giá bèo rồi buôn đi bán lại kiếm lời.

Nếu một khi “bong bóng” vỡ, ngân hàng có thể phá sản dây chuyền, tiền gửi tín dụng có thể một đi không trở lại, người dân đã bán đất mất kế sinh nhai.

Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân” (1)

Bất ổn bắt đầu phả xuống từng gia đình, từng con người.

Vấn đề ở đây là, tại sao nơi nào có dự án là nơi đó “sốt” đất?

Chẳng nhẽ thị trường bất động sản trôi nổi như bèo trên nước?

Dự án mới nằm trên giấy nhưng nhân viên môi giới nhà đất đã thuyết trình làu làu về nơi bố trí các công trình! Cái này không thể cho rằng khó quản lý.

Mấy hôm nay xôn xao chuyện đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh...

Vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng và rối ren ở Đồng Tâm, Hà Nội cho thấy đùa với đất không đơn giản chút nào.

Xin hỏi, nay còn đồng chí nào chưa bị lộ?

Người dân lành không gan to đến mức kiên quyết đi ngược lại chủ trương chính sách.

Rất nhiều tấm gương tình nguyện hiến cả ngàn mét vuông đất cho nhà nước, điều đó cho thấy lòng thành của dân.

Dân chỉ “nóng” lên khi họ thấy mình không được tôn trọng. Làm hợp lòng dân khó đên vậy chăng? Hay là kiểu “làm trái” mới có cái vào cái ra?

Thật tiếc nếu lòng dân bệ rạc vì miếng đất cắm sào, với đất – là sinh kế, là hơi thở nên họ không còn lựa chọn nào khác.

Không tự nhiên mà người dân vác đơn đi kiện, không tự nhiên mà khối chuyện tréo ngoe trong quản lý đất đai bị người dân chỉ ra...

Đất với người tuy hai mà một, sống nhờ đất chết cũng về với đất.

Than ôi, xin chớ quên, tiền nhân từng đổ máu để giành lấy ruộng đất cho dân cày!

Tài liệu tham khảo

(1) http://quantracmoitruong.gov.vn/VN/TINTRANGCHU_Content/tabid/330/cat/115/nfriend/3748658/language/vi-VN/Default.aspx

Trương Nam Tiến