Ngày 12/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, Trường Trung học phổ thông Yên Lập (huyện Yên Lập) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Buổi nói chuyện có sự tham gia của hơn 800 học sinh, cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường.
Hơn 800 học sinh trường Trung học phổ thông đã được nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về thách thức, cơ hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Đỗ Thơm |
Thầy Hà Thành Hưng – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Yên Lập chia sẻ, sứ mệnh của nhà trường là tạo dựng được môi trường học tập nền nếp, kỷ cương, thân thiện, có chất lượng giáo dục cao để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tài năng và tư duy sáng tạo.
Với tầm nhìn hướng tới là một trong những trường dẫn đầu cấp Trung học phổ thông khu vực miền núi tỉnh Phú Thọ mà học sinh sẽ lựa chọn để học tập và rèn luyện, nơi cán bộ giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn lên.
Chính vì thế, buổi hội thảo được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tại trường sẽ nối dài, truyền cảm hứng để các em học sinh của trường tiếp tục nuôi dưỡng, theo đuổi và nỗ lực thực hiện ước mơ lập thân, lập nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những tỷ phú xuất thân từ hai bàn tay trắng. Bằng ý chí, nghị lực, dám nghĩ dám làm đã vươn lên làm giàu cho quê hương, là tấm gương cho nhiều bạn trẻ noi theo.
Rất nhiều tràng pháo tay không ngớt bày tỏ sự cảm phục của các em học sinh với anh Trịnh Xuân Mười, Lê Văn Xê...
Cùng với đó, những cơ hội, thách thức với bạn trẻ trong thời đại cách mạng 4.0 cũng được Giáo sư chia sẻ rất chi tiết.
Em Hảo đặt câu hỏi: "Làm thế nào để trở thành Giáo sư?". Ảnh: Đỗ Thơm |
Trong phần trao đổi với Giáo sư, các em học sinh tại trường đã đặt rất nhiều câu hỏi với Giáo sư "biết tuốt". Em Hảo – học sinh lớp 11A nói: “Thưa thầy, em muốn hỏi là làm thế nào để trở thành Giáo sư?”
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hỏi em Hảo “Em có muốn trở thành Giáo sư không?”
Nam học sinh lớp 11A1 khẳng định là “Em có”.
Giáo sư nhấn mạnh, vậy em phải thực hiện từng bước một. Đầu tiên là tốt nghiệp cấp 3, sau đó vào Đại học và tốt nghiệp Đại học.
Em phải tiếp tục theo học Thạc sĩ khoảng 2 năm, sau đó làm Tiến sĩ khoảng 3 năm, Phó Giáo sư khoảng 10 năm, sau đó mất khoảng 5 năm nữa.
Quan trọng là nếu muốn thành Giáo sư phải có đủ công trình khoa học công bố quốc tế, có nhiều thành tựu nghiên cứu. Hy vọng em sẽ theo đuổi để thực hiện thành công ước mơ thành một Giáo sư của mình.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời rất nhiều câu hỏi của học sinh trường Trung học phổ thông Yên Lập. Ảnh: Đỗ Thơm |
Rất nhiều bạn cũng đặt câu hỏi là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào Việt Nam, rô bốt sẽ thay thế nhiều công việc, vậy làm sao để người lao động có việc làm?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: "Các em phải học tập, chiếm lĩnh khoa học công nghệ để trở thành những người điều khiển rô bốt hoặc làm ra rô bốt. Thời đại này là thời đại công dân toàn cầu.
Các em có thể lao động ở tất cả các nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Vì thế, để không thất nghiệp, chính các em phải trang bị kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ làm hành trang cho mình".
Em Hòa – lớp 12C hỏi: "Thầy chia sẻ với chúng em là chúng em phải theo đuổi công việc mình yêu thích. Vậy làm sao để thuyết phục bố mẹ đồng ý cho theo đuổi công việc đó?".
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: "Các em hãy nói với bố mẹ, cuộc đời là của con, không phải của bố mẹ.
Bố mẹ yêu con nhưng con phải được quyết định cuộc đời của mình. Khổ con chịu, sướng con hưởng.
Các em phải chứng minh cho bố mẹ thấy bố mẹ hoàn toàn có thể tin tưởng vào lựa chọn của các em.
Vì thế, không có gì chứng minh rõ ràng hơn là học tập để có kiến thức, có khả năng lựa chọn đúng công việc, hướng đi mà các em muốn theo đuổi. Rất mong em sẽ theo đuổi đam mê và thành công trong tương lai".
Thầy Hà Thành Hưng - Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã mang đến cho học sinh nhà trường buổi ngoại khóa bổ ích. Ảnh: Đỗ Thơm |
Sau hơn 3 giờ đồng hồ được nghe, trao đổi trực tiếp với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhiều em học sinh trường Trung học phổ thông Yên Lập chia sẻ, các em đã hiện thực hóa ước mơ bao lâu là được gặp, nói chuyện và phỏng vấn trực tiếp Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng ngay chính tại ngôi trường cấp 3 mình đang theo học.
Kết thúc buổi hội thảo, thầy Hà Thành Hưng đã thay mặt toàn thể học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường gửi lời cảm ơn đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phối hợp tổ chức buổi hội thảo.
Đặc biệt là diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã đồng hành mang đến một buổi sinh hoạt ngoại khó thực sự bổ ích, lý thú cho hơn 800 học sinh Yên Lập.
Với kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm sống của thầy đã thắp lửa cho thầy cô, học sinh để nỗ lực phấn đấu, định hướng nghề nghiệp tương lai của chính các em.
Đặc biệt, thầy đã giúp các thầy cô hiểu rõ nét, sâu sắc hơn về cuộc cách mạng 4.0, về cơ hội, thách thức, việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng cho tương lai của các em học sinh.
Cán bộ, giáo viên nhà trường chụp ảnh kỷ niệm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Đỗ Thơm |
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường. Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |