Không học đại học con đi du học hoặc xuất khẩu lao động có được không thầy?

19/04/2019 06:59
Tiến Đỗ
(GDVN) - Gần 1.000 thầy cô và học sinh Trường trung học phổ thông Mỹ Văn chăm chú lắng nghe và hỏi đáp Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày 13/4/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp với Trường trung học phổ thông Mỹ Văn (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với lợi thế tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông vận tải quan trọng của tỉnh Phú Thọ có các tuyến đường huyết mạch chạy qua huyện, có các con sông lớn bao bọc là sông Đà, sông Hồng và sông Bứa…

Từ những thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên, huyện Tam Nông được xác định là vùng kinh tế trọng điểm về công nghiệp của tỉnh Phú Thọ.

Trong không khí trang trọng, buổi hội thảo đã thu hút sự chú ý rất lớn của thầy cô giáo và học sinh Trường Trung học phổ thông Mỹ Văn trước sự phân tích khoa học, ví dụ sinh động về những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 từ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Hội thảo thu hút gần 1.000 thầy cô, học sinh với những hỏi đáp tới Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng về khởi nghiệp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Công Tiến
Hội thảo thu hút gần 1.000 thầy cô, học sinh với những hỏi đáp tới Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng về khởi nghiệp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Công Tiến

Bằng giọng nói to, rõ ràng và tràn đầy sự nhiệt huyết, Giáo sư nói: “Tôi xin phép được đứng gần các em hơn, trông thấy các em tôi như nhớ lại hồi tôi còn trẻ”- qua đó cho thấy Giáo sư như truyền một thông điệp rằng ở đây không có khoảng cách.

Cuộc đời mỗi con người thường có rất nhiều bước ngoặt với hàng nghìn câu hỏi vì sao. Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để hiện thực ước mơ những điều bạn muốn.

Theo nhận định của Giáo sư, có thể học sinh Việt Nam sẽ trả lời là học để sau này đỡ khổ, học vì bố mẹ, học để không phụ lòng thầy cô, học để vào đại học…Nhưng thế giới người ta học để trả lời câu hỏi đó là “Học để thành con người tự do”.

Thế nào là tự do? Đó là tự do để lựa chọn công việc mà mình yêu thích.

Giáo sư chia sẻ câu chuyện của tác giả cuốn sách “Giá như tôi biết điều đó trước khi học đại học” - anh Đinh Tuấn Ân.

Theo câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì người viết cuốn sách này đã học đại học ngân hàng theo định hướng của bố mẹ đến năm thứ 4 thì bỏ học. Lý do, là không thích nghề ngân hàng.

Một lần đi qua cửa hàng KFC và suy nghĩ, chủ nhân của thương hiệu này chỉ có cái đùi gà mà bán khắp thế giới. Trong khi quê mình có món tào phớ, rất ngon nhưng ít người biết đến.

Thế rồi, anh Đinh Tuấn Ân đã khởi nghiệp bằng việc kinh doanh tào phớ. Đến nay anh đã mở được hệ thống cửa hàng tào phớ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Không những vậy cơ sở của anh Ân đã sáng tạo ra 30 món tào phớ, trong đó có món nổi tiếng là tào phớ hương sầu riêng.

Buổi hội thảo diễn ra trong không khí trang nghiêm và đã mang tới cho thầy cô, học sinh những thông tin bổ ích về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Công Tiến
Buổi hội thảo diễn ra trong không khí trang nghiêm và đã mang tới cho thầy cô, học sinh những thông tin bổ ích về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Công Tiến

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên các em cần tìm xem bản thân mình có lợi thế, khả năng gì.

Không nhất thiết 800 em học sinh Trường trung học Phổ thông Mỹ Văn ngồi đây đều phải vào đại học mới có thể thành công, quan trọng là các em phát huy được sở trường của bản thân và sự yêu thích trong công việc.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phân tích: “Vào đại học có tốt không, rất tốt nhưng nếu tất cả học sinh tốt nghiệp lớp 12 đều vào đại học thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi thất nghiệp.

Tôi mong các em hãy sống biết đam mê, biết cố gắng, dám ước mơ và tìm cách hiện thực hóa đam mê, ước mơ đó để giúp gia đình và huyện Tam Nông ngày càng phát triển, giàu mạnh”.

Có một sự thực là đa số học sinh lớp 12 còn thiếu sự hiểu biết đầy đủ về nghề nghiệp cũng như về đặc điểm bản thân, từ đó dẫn đến việc các em có suy nghĩ sai lệch trong việc định hướng nghề nghiệp.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Để thành công trong cuộc sống, các em học sinh phải biết lựa chọn nghề nghiệp phù hợp giữa nguyện vọng, khả năng của bản thân với nhu cầu của xã hội”.

Hiện nay, rất nhiều bạn sinh viên học tới năm thứ 3 rồi vẫn nhảy trường và đến khi tốt nghiệp thì nhảy việc…

Không học đại học con đi du học hoặc xuất khẩu lao động có được không thầy? ảnh 3Học sinh cấp 3 hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng làm sao để nhận ra cơ hội?

Xác định được điều kiện kinh tế gia đình, đây cũng chính là lý do khiến các em học sinh, sinh viên yên tâm về ngành - nghề mình lựa chọn để từ đó có phương hướng phát triển sự nghiệp cho tương lai.

Tại buổi hội thảo các em học sinh đã đặt rất nhiều câu hỏi về kỹ năng sống, chọn nghề sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các biện pháp giải tỏa tâm lý khi đứng trước những khó khăn…

Câu hỏi về lựa chọn nghề sau khi ra trường đến từ em Lê Anh Tuấn lớp 12D tạo ấn tượng mạnh với các bạn học sinh toàn trường.

Em Lê Anh Tuấn: “Thầy cho con hỏi, con chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông, con định chọn đi du học hoặc đi xuất khẩu lao động có được không? Đó có phải là lựa chọn hợp lý không ạ?”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vui vẻ tư vấn: “Cuộc sống luôn có rất nhiều lựa chọn để đi tới thành công và không nhất thiết là phải học đại học.

Đi du học hay xuất khẩu lao động cũng là một cách làm hay nếu các em đáp ứng đủ yêu cầu về sức khỏe, ngoại ngữ… và các em hãy cứ làm những việc gì các em cảm thấy hạnh phúc.

Hiện nay, các em có thể tham khảo thị trường xuất khẩu lao động hoặc du học ở một số quốc gia như Hàn Quốc hay Nhật Bản… hay bất kỳ quốc gia nào em muốn tới, quan trọng là các em phải có nghị lực và ý chí.

Nếu các em đi xuất khẩu lao động hay đi học các em hãy tranh thủ thời gian bên nước ngoài để học tập ngoại ngữ vì ngoại ngữ là rất cần thiết”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng khuyên các em: Nếu các em đi du học hay xuất khẩu lao động thì các em cần phải luôn tôn trọng luật pháp nơi bạn sinh sống, học tập”.

Các em học sinh đã đặt rất nhiều câu hỏi về kỹ năng sống, chọn nghề khi tốt nghiệp trung học phổ thông, biện pháp giải tỏa tâm lý khi đứng trước những khó khăn. Ảnh: Công Tiến
Các em học sinh đã đặt rất nhiều câu hỏi về kỹ năng sống, chọn nghề khi tốt nghiệp trung học phổ thông, biện pháp giải tỏa tâm lý khi đứng trước những khó khăn. Ảnh: Công Tiến

Chọn trường, chọn nghề đặc biệt quan trọng đối với các em học sinh lớp 12 bởi vì đó cũng chính là sự lựa chọn ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của các em.

Nếu chọn cho mình một nghề phù hợp, ngoài việc giúp cho mỗi cá nhân đảm bảo cuộc sống vật chất, mà còn giúp họ có được niềm vui, hạnh phúc và dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống.

Thế nhưng hiện nay, hầu hết học sinh lớp 12 còn rất lúng túng và mơ hồ trước quyết định của mình, không dám chắc nghề mình định chọn có phải là nghề phù hợp hay không, các em thiếu thông tin cần thiết để làm cơ sở trước khi ra quyết định. 

Sau hơn 3 giờ đồng hồ được nghe, trao đổi trực tiếp với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhiều em học sinh Trường trung học phổ thông Mỹ Văn không giấu được cảm xúc vui mừng vì các em đã hiện thực hóa ước mơ bao lâu là được gặp, nói chuyện và phỏng vấn trực tiếp Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng ngay chính tại ngôi trường cấp 3 mình đang theo học.

Thầy cô Trường trung học phổ thông Mỹ Văn vui vẻ cảm ơn và chụp ảnh lưu niệm cùng thầy Nguyễn Lân Dũng vì đã mang tới nhiều thông tin bổ ích. Ảnh: Công Tiến
Thầy cô Trường trung học phổ thông Mỹ Văn vui vẻ cảm ơn và chụp ảnh lưu niệm cùng thầy Nguyễn Lân Dũng vì đã mang tới nhiều thông tin bổ ích. Ảnh: Công Tiến

Kết thúc buổi hội thảo, thầy Tạ Duy Kiên Bí - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Mỹ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã thay mặt toàn thể học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường nói:

“Thay mặt cho thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên và học sinh toàn trường tôi gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phối hợp tổ chức buổi hội thảo rất bổ ích và ý nghĩa này.

Cảm ơn Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã đồng hành và mang đến cho trường một buổi sinh hoạt ngoại khóa thực sự bổ ích, thực tế cho gần 1.000 thầy cô giáo và học sinh Trường trung học phổ thông Mỹ Văn.

Với kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm sống của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tiếp thêm ngọn lửa cho thầy cô, học sinh để nỗ lực phấn đấu, định hướng nghề nghiệp tương lai mình.

Đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã giúp các thầy cô hiểu sâu sắc hơn về cuộc cách mạng 4.0, về những cơ hội, thách thức, việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng cho tương lai của các em học sinh”.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng có những cái bắt tay đầy yêu quý, những chữ ký vào các cuốn sách do chính Giáo sư viết để tặng thầy cô như một lời cảm ơn đầy ý nghĩa gửi tới thầy cô cùng các em học sinh Trường trung học phổ thông Mỹ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Tiến Đỗ