Ngày 2/3, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có thông báo chính thức đến người dân, đại diện doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan đến tình hình hoạt động của hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc.
Đà Nẵng đã chọn phương án di dời hai nhà máy thép gây ô nhiễm để bảo vệ người dân. Ảnh: TT |
Theo đó, thời gian qua, hoạt động của hai nhà máy thép tại xã Hòa Liên đã có nhiều ý kiến của dư luận, ảnh hưởng đến cảnh quan, đời sống của nhân dân, không phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển tại khu vực.
Với quan điểm, thành phố tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương, không để nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động tại thôn Vân Dương (Hòa Liên).
Đồng thời, thống nhất hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận hai nhà máy.
Về triển khai thực hiện, thành phố yêu cầu Công ty cổ phần thép Dana Ý và Dana Úc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường kể từ ngày 2/3/2018.
Đối thoại “một là dân đi hoặc là nhà máy thép phải đi” rơi vào bế tắc |
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang tổ chức giám sát việc ngừng hoạt động nêu trên.
Các hoạt động vận chuyển; bốc, dỡ; xuất, nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác của doanh nghiệp vẫn được thực hiện bình thường.
Khi thực hiện việc vận chuyển, xuất, nhập hàng hóa; yêu cầu các doanh nghiệp thông báo cụ thể thời gian, loại phương tiện, số lượng người tham gia cho Ủy ban nhân dân xã Hòa Liên biết để thực hiện việc giám sát.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương ban hành thông cáo báo chí để người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, ủng hộ chủ trương của thành phố.
Thành phố cũng giao cơ quan Thanh tra chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Hòa Vang, nhất là tại khu vực lân cận 2 nhà máy thép thuộc xã Hòa Liên, hoàn thành trong tháng 3/2018.
Giao sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở gồm: Xây dựng, Công Thương, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty cổ phần thép Dana Ý và Dana Úc.
Mục đích là để thống nhất các vấn đề phát sinh liên quan đến việc ngừng hoạt động của hai nhà máy nêu trên, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 3/2018.
Giao Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân xã Hòa Liên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân và doanh nghiệp được rõ, ủng hộ chủ trương của thành phố và chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và địa phương triển khai công tác rà soát, nắm chắc địa bàn, có phương án xử lý kiên quyết các đối tượng có biểu hiện lôi kéo, kích động, gây rối an ninh trật tự tại khu vực.
Giao sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, đề xuất phương án xử lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trình xin ý kiến Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 3/2018.
Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, bức xúc vì hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc liên tục gây ô nhiễm môi trường, nhiều người dân hai thôn Vân Dương 1 và 2 (xã Hòa Liên, Hòa Vang) đã bao vây nhà máy.
Người dân đề nghị thành phố phải đóng cửa nhà máy hoặc di dời dân ra khỏi khu vực ô nhiễm. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhiều lần xuống hiện trường, đối thoại trực tiếp với người dân.
Tuy nhiên, đến nay mới chốt được phương án là di dời hai nhà máy thép ra khỏi khu vực dân cư.