“Ba con mới đi biển vào, cá phơi ngoài khơi ngon lắm cô ạ”

17/11/2016 14:03
Phan Tuyết
(GDVN) - Hơn 20 năm trôi qua nhưng đến tháng 11 hàng năm tôi vẫn bồi hồi nhớ lại ngày 20/11 của những năm tháng ấy với những cảm xúc đầy nuối tiếc, ước ao thật khó tả.

LTS: Ngày Nhà giáo Việt Nam đang tới gần, hôm nay, cô giáo Phan Tuyết gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đôi điều so sánh giữa ngày 20/11 xưa và nay. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thời ấy, vào ngày kỉ niệm 20/11, trường thường cho học sinh nghỉ học để đến thăm các thầy cô giáo. 

Khu tập thể giáo viên của trường chúng tôi bỗng nhộn nhịp khác thường. Thầy cô dậy sớm để trang hoàng lại nhà cửa, nấu chè, làm bánh để đợi học trò đến thăm. 

Khoảng 8 giờ sáng, trên các ngã đường, từng tốp học sinh tay cầm hoa, cầm quà ríu rít đến thăm thầy cô. 

Chẳng mấy chốc khu tập thể giáo viên vui như mở hội bởi tiếng cười, tiếng nói, của đám trẻ vang lên náo nhiệt. 

“Ba con mới đi biển vào, cá phơi ngoài khơi ngon lắm cô ạ” ảnh 1
Hồi ức đẹp về ngày 20/11 (Ảnh: Báo Lao động)

Học sinh quây thành vòng bên thầy cô giáo của mình, cùng nhau hò reo xem thầy cô mở quà. Thôi thì đủ thứ quà thập cẩm kiểu cây nhà lá vườn. 

Nào là bó hoa dại ngắt vội sau vườn, bị khoai lang, vài trái đu đủ, mấy trái dừa, có em biếu cô thầy cá khô và nói: “Ba con mới đi biển vào, cá phơi ngoài khơi ngon lắm cô ạ”. 

Em tặng chai nước mắm thì nói: “Mẹ con nói nước rút lần đầu biếu cô ăn lấy thảo”… 

Thế rồi bánh trái được dọn lên, thầy trò vừa ăn vừa kể chuyện thật rôm rả. Những câu chuyện thường xoay quanh các em, chuyện về trường lớp…

Thông qua những câu chuyện kể, cô thầy lại nhắc nhở, khuyến khích động viên các em biết phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điều mình còn mắc phải.

Chuyện trò vui vẻ nên chẳng đứa nào muốn về. Rồi cô giáo lại chuẩn bị nấu cơm cho những trò ở lại.

Đứa nhặt rau, vo gạo, rửa nồi, nhóm lửa và bữa ăn dọn lên chẳng phải sơn hào hải vị, chỉ là món cá khô rim ngọt, rau luộc chấm nước mắm nhưng đứa nào đứa nấy cứ xuýt xoa “Cơm nhà cô ngon lắm”…

Cũng phải xế chiều các em mới chịu ra về. Dù mệt nhưng ai cũng thấy rất vui. Vui nhất vẫn là các thầy cô giáo. 

Bởi họ thấy được tình cảm thân thương trong sáng của trò và tình cảm của phụ huynh với giáo viên cũng gần gũi, thân thiết nhưng vô cùng trân trọng.

“Ba con mới đi biển vào, cá phơi ngoài khơi ngon lắm cô ạ” ảnh 2

Biển cả và học trò, những câu chuyện tình người gây xúc động

(GDVN) - Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy giáo Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990) nhiều lần “gõ cửa” Sở GD&ĐT để được dạy học ở Trường Sa.

Ngày nay, những món quà ngày 20/11 đã nhuốm màu vật chất nó hàm chứa biết bao những tâm tư, những gửi gắm của phụ huynh. 

Bởi thế, tặng quà không còn sự vô tư, hàm ơn mà là cả một bài toán của sự toan tính. Người tặng quà nói kiểu: “Chẳng đáng là bao, đây là tấm lòng thành mong thầy cô nhận cho gia đình em vui”.  

Không ít thầy cô giáo đã tìm mọi cách trả lại nhưng không phải lúc nào việc trả lại cũng thành công.

Thế rồi, chỉ vài ngày sau đó cũng chính những phụ huynh này lại đi rêu rao theo kiểu “Vừa tốn mấy trăm ngàn cho con bỏ phong bì”.

Vì lẽ đó, không ít nhà giáo chân chính ngày nay đã rất sợ ngày 20/11.

Họ sợ học sinh đến tặng quà, sợ không thể từ chối trước những “lời đưa đẩy”, trước sự “nhiệt tình” thái quá của một số phụ huynh. 

Thế nên, đã có không ít thầy cô buộc phải nói dối mình không có nhà hay phải cửa đóng then cài để không muốn nhìn thấy cảnh cha mẹ chở học sinh mang quà, mang phong bì đến tặng thầy cô. 

Phan Tuyết