Biển cả và học trò, những câu chuyện tình người gây xúc động

13/11/2016 06:59
Bài và ảnh: Thùy Linh
(GDVN) - Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy giáo Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990) nhiều lần “gõ cửa” Sở GD&ĐT để được dạy học ở Trường Sa.

Vinh danh 42 nhà giáo ra sức cống hiến vì sự nghiệp “trồng người” nơi đảo xa

Tối 12/11/2016, tại Hà Nội diễn ra Chương trình chia sẻ cùng thầy cô 2016 nhằm tuyên dương các giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo trên toàn quốc. 

Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. 

Biểu dương, ghi nhận những phấn đấu và những đóng góp của các thầy cô giáo công tác ở các xã đảo, tới dự và phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng: 

“Với vai trò là người dẫn dắt, truyền thụ kiến thức, định hướng cho việc hình thành nhân cách, người giáo viên luôn được Nhà nước, xã hội và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo công tác tại những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, những địa bàn có điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự hi sinh, tấm lòng và khả năng để vượt qua những vất vả, khắc nghiệt của thời tiết, rừng núi, giao thông hiểm trở.

Các thầy cô giáo thực sự là những tấm gương trong sáng, hình ảnh tươi đẹp của nền giáo dục nước nhà.

Không chỉ đảm nhận công việc của những người trên bục giảng mà còn là những người cha, người mẹ, người anh chị dìu dắt, động viên, trang bị kiến thức, rèn luyện nhân cách, đạo đức, định hướng cho thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo để mai sau là người có ích cho quê hương; duy trì và giữ gìn tình yêu biển, đảo quê hương, nâng cao nhận thức về chủ quyền linh thiêng của Tổ quốc”.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong trao bằng khen và kỉ niệm chương cho các thầy cô giáo tiêu biểu
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong trao bằng khen và kỉ niệm chương cho các thầy cô giáo tiêu biểu

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn đặt sự quan tâm cao nhất vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo.

Đồng thời luôn dành những chính sách ưu tiên cho các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới hải đảo nhằm tạo thêm cơ hội để có được sự công bằng, bình đẳng thực sự đối với người dân, cán bộ, trong đó có các thầy cô giáo đang công tác ở nơi này.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, trong thời gian tới các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ các chương trình hỗ trợ cho thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo;

Đồng thời phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực, phát huy trí tuệ, sức mạnh của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương chúc các thầy cô giáo trên cả nước sức khoẻ, hạnh phúc, tiếp tục dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà và luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò.

Được biết, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Phi Long và Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Long là những người đã đưa ra ý tưởng và tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” mong muốn động viên, khích lệ đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết đối với việc sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. 

Những người đã hy sinh tuổi trẻ, vượt qua những khó khăn về vật chất và tinh thần để đem “con chữ” đến với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Tại buổi lễ, anh Nguyễn Phi Long và Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa cũng gửi lời chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Năm 2016, Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" tuyên dương 42 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo trong cả nước.

Tại chương trình, mỗi giáo viên đã được trao tặng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Kỷ niệm chương và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. 

Chuyện đời, chuyện nghề của thầy cô nơi đảo xa

Tại buổi lễ, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện xúc động của các thầy cô đến từ nhiều miền đảo xa xôi trong cả nước.

Đó là những câu chuyện nghề, chuyện đời, về sự hi sinh cũng như nhiệt huyết của những người sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp trồng người.  

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến (sinh năm 1987) đang công tác tại trường Tiểu học và Trung học Cái Chiên, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Học trò vừa học vừa phải tranh thủ thời gian để về phụ giúp cha mẹ đi biển, hay là mò cua bắt ốc. Điện ở trên đảo cũng không đầy đủ nên học trò phải học dưới ngọn đèn leo lét.

Sống ở đảo tôi phải học đánh cá để hoà nhập vào cuộc sống của người dân nơi đây. Để cô trò thêm gần gũi, giờ ra chơi cô trò chúng tôi ngồi tết tóc cho nhau, tôi nghe các trò kể chuyện và hiểu thêm về các em
”.

Còn thầy Lê Xuân Quyết, sinh năm 1990 là một trong những thầy cô giáo xung phong ra đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa.

Biển cả và học trò, những câu chuyện tình người gây xúc động ảnh 2
Thầy giáo Lê Xuân Quyết (ngồi giữa) đã bật khóc khi nhận quyết định ra đảo dạy học

Điều khiến thầy Quyết quyết định ra công tác tại đảo là: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình rất nghèo. Từ khi còn học Tiểu học, tôi đã chứng kiến nhiều người bạn có hoàn cảnh giống mình dần dần nghỉ học.

Vì nghèo nên tôi nuôi dưỡng ước mơ trở thành một thầy giáo dạy cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Để thực hiện ước mơ, sau khi tốt nghiệp, tôi thường đến Sở GD&ĐT Khánh Hoà không biết bao nhiêu lần để hỏi khi nào có đợt tuyển giáo viên ra Trường Sa.

May mắn có dịp tuyển và tôi được chọn. Tôi đã khóc khi nhận được quyết định ra đảo dạy học, dù khi đó tôi chưa biết hoàn cảnh cụ thể trên đảo ra sao.

Lần đầu tiên tôi lên tàu ra đảo tôi say sóng vật vờ trên thuyền gần như không biết gì nhưng đến bây giờ thì đã quen. Khi đặt chân lên đảo, tôi không ngờ một ngôi trường lại thô sơ như vậy và càng thêm thương học trò.

Mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt trẻ thơ của học trò, tôi lại thấy động lòng và muốn gắn bó thật lâu với Trường Sa. Nhiều người hỏi tôi về việc làm cách nào để được ra Trường Sa công tác, tôi thấy rất ấm lòng và xúc động. Tôi hi vọng sẽ có nhiều thế hệ thanh niên, giáo viên tiếp nối chúng tôi đến với Trường Sa
”.

Bài và ảnh: Thùy Linh