Những chuyến đò không bao giờ dừng ở một bến

20/11/2014 09:26
Xuân Trung
(GDVN) - Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều giáo viên trong cả nước đã bày tỏ nỗi niềm về nghề - một nghề cao quý trong các nghề cao quý nhất.

Ra đảo gieo chữ

Thầy Đỗ Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, bản thân thầy công tác từ năm 1977 cho tới nay, suốt những năm đó gắn với với ngôi trường ngoài đảo. Đã có nhiều kỷ niệm vui buồn với học sinh, và những ngày 20/11 này thì không thể nào quên.

Thầy Sơn quê gốc ở tỉnh Hà Nam, nhưng sinh ra ở TP. Hồ Chí Minh và hiện dạy học tại huyện Côn Đảo. Thời gian đầu khi nhận công tác tại huyện đảo xa xôi, bản thân thầy không khỏi lo lắng, lo vì khi ra đảo chưa biết cuộc sống như thế nào, cơ sở vật chất như thế nào, học sinh như thế nào…?

Những chuyến đò không bao giờ dừng ở một bến ảnh 1

Thầy Đỗ Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) .

Tuy nhiên, những lo lắng đó ngay lập tức được xua tan vì con người và điều kiện làm việc ở đây tương đối tốt, đặc biệt từ những năm 1990 trở lại đây, huyện Côn Đảo được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, được phụ huynh yêu quý và được các cấp quan tâm. Hiện nay trường Tiểu học Cao Văn Ngọc đã đạt trường quốc gia mức độ 2, bản thân thầy Sơn tự hào vì điều đó.

Đã 10 năm nay học sinh được học tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD&ĐT, thầy Sơn vẫn tự hào rằng ở đất liền có gì thì ngoài Côn Đảo có thứ đó. Nói về học sinh của mình, thầy Sơn cho biết 2/3 học sinh là sinh ra ở Côn Đảo, các em rất ngoan. Nhiều học sinh theo cha mẹ ra đảo sinh sống, các em không có giấy tờ, thiếu hồ sơ cũng được nhà trường và chính quyền tạo điều kiện để được học tập đầy đủ. 

Những chuyến đò không bao giờ dừng ở một bến ảnh 2

Lời cảm ơn thầy cô giáo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và lời cảm ơn trân trọng đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công viên chức ngành giáo dục...

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Sơn kể rằng, những ngày 20/11 ở đảo các phụ huynh, chính quyền tập hợp lại để tổ chức tri ân các thầy cô, điều đó mang nhiều ý nghĩa đối với những thầy, cô bám trụ ở đảo để dạy học. Điều khó khăn nhất ở đó, theo thầy Sơn là đường đi lại khó khăn, muốn vào đất liền hay đơn giản đi tập huấn thì giáo viên phải tự túc 200 km đường biển.

Nghĩ về học sinh của mình, thầy Sơn nhắc lại rất nhiều kỷ niệm, nhưng có những điều mà đọng lại trong thầy là cả vui và buồn.Vui vì đã tạo điều kiện cho tất cả học sinh nơi đảo được học tập đầy đủ, nhưng cũng có điều buồn, buồn vì đôi khi giáo viên ốm đau, bệnh tật phải chuyển vào đất liền, khó khăn đi lại.

“Quà” của nhà giáo ngoài đảo những ngày 20/11 chỉ là một bông hoa và kèm theo một khoản tiền nhỏ để động viên công lao thầy cô. Mỗi khi học sinh ốm đau, do điều kiện kinh tế ngoài đó còn hạn chế, do đó có lẽ điều con trăn trở với thầy Sơn là kinh phí để phòng chữa bệnh cho học sinh.

Qua đây, thầy Sơn nhắn nhủ với Bộ GD&ĐT rằng: “Bộ nên quan tâm tới trường ở ngoài đảo nhiều hơn, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị để giúp cho học sinh học, không để học sinh thua thiệt, dù có đi đâu về đâu cũng làm được việc”.

Nhà trường mua xe đạp, sửa xe, vá săm cho học sinh đi học

Thầy Ksor Ber – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện IAPA, tỉnh Gia Lai chia sẻ, mặc dù là trường dân tộc những nhà trường hiện nay đã huy động được 300 học sinh tới trường. Học sinh chủ yếu là dân tộc Gia Rai, trong đó có 5 thành phần dân tộc là: Gia Rai, Ba Na, Tày, Nùng, Dao. Ở đây đa số là học sinh khó khăn, nhất là học sinh dân tộc Ba Na, điều kiện học tập gặp nhiều khó khăn.

Những chuyến đò không bao giờ dừng ở một bến ảnh 3

Thầy Ksor Ber – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện IAPA, tỉnh Gia Lai.

Các em đi học chủ yếu phải đi xe đạp cách trường ít nhất cũng 20-25 km, do điều kiện ở xa nên mỗi tuần các em chỉ về 1 lần, và phải ở nhà trọ tại trường. Những năm đầu học sinh thường xuyên bỏ học vì nhà xa, để khắc phục tình trạng này thầy Ksor Ber đã có sáng kiến thành lập Quỹ khuyến học, khuyến tài để động viên, hỗ trợ các em, có thể mua xe đạp cho học sinh khó khăn, thậm chí xe đạp hỏng, thủng săm trường cũng bỏ tiền ra sửa, vá săm cho các em được đến trường. Từ đó trở đi học sinh bỏ học đã giảm. 

Trong đời dạy học của mình, thầy Ber ấn tượng nhất với 3 học sinh mà cho đến bây giờ các em đã trưởng thành. Đó là những học sinh dân tộc Gia Rai, bố mẹ mất từ khi các em chỉ 4 tuổi, các em Cham Thét, Cham Ét là được thầy quý nhất, các em đều tốt nghiệp Đại học và trở về quê hương công tác. Những ngày 20/11 các em không về được đều gọi điện chúc mừng thầy.

Món quả ý nghĩa nhất đối với thầy Ksor Ber là được lãnh đạo ngành quan tâm, cử về Hà Nội dự Lễ tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu của đất nước. Thầy Ksor Ber mong muốn, tập thể giáo viên nhà trường IAPA nói riêng và toàn giáo viên trong nước nói chung không ngừng trau dồi kiến thức để dạy học sinh, đạt được thành tích, khỏi phụ lòng trước Đảng, Chính phủ đã giao trọng trách cho mình.

Ngày 20/11 ký ức ùa về 

Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Hoàng Thị Nga – Hiệu trưởng Trường tiểu học An Thới 1 (TP. Cần Thơ) xúc động, nhắc tới ngày Nhà giáo Việt Nam ký ức cô lại ùa về những kỷ niệm mà cách đây mấy chục năm cô cũng từng là học sinh, cũng tri ân các thầy cô giáo. Đó là niềm vui và không thể quên được. Và, điều hạnh phúc lớn nhất đối với một nhà giáo là chứng kiến học trò của mình khôn lớn và trưởng thành, các em nhớ về mình là rất vui.

Những chuyến đò không bao giờ dừng ở một bến ảnh 4

Cô giáo Hoàng Thị Nga – Hiệu trưởng Trường tiểu học An Thới 1 (TP. Cần Thơ).

“Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi cũng mong các thầy cô vui vẻ, hạnh phúc, chúc cho nền giáo dục Việt Nam ngày một hưng thịnh hơn” cô Nga tin tưởng.

Để có được ngày hôm nay, bản thân cô Nga và các đồng nghiệp cũng tự hứa cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa, để đưa sự nghiệp giáo dục của đất nước đi lên. 

Cả lớp học quỳ dưới sân trường mong cô tha lỗi

Bản thân cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Q. Đống Đa, Hà Nội), cho biết cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, bản thân cô và toàn thể giáo viên trong trường đều nhớ về những người đã xây dựng lên ngôi trường và tỏ lòng tri ân tới các thầy, các cô đi trước.

Với cô Lập, điều hạnh phúc nhất với một nhà giáo không phải chỉ là những học sinh đang học dưới mái trường do mình dạy dỗ, mà nếu được những thế hệ học trò cũ nhớ về mình thì niềm vui đó được nhân lên gấp bội.

Những chuyến đò không bao giờ dừng ở một bến ảnh 5

Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Q. Đống Đa, Hà Nội).

“Học trò hiện tại nhiều kho hoa đấy, hồ hởi đấy, cười đấy nhưng cũng có thể hình thức, nhưng các con ở thế hệ trước ra trường lâu, có thể thành đạt, chưa thành đạt nhớ về mình, đó mới là giá trị của hạnh phúc, đó là điều tri ân thực sự” cô Lập chia sẻ.

Với Trường THPT Hoàng Cầu có đặc thù được tự chủ, nên các giáo viên ở đây phải quán xuyến mọi việc. Và, mỗi một năm đi qua rất nhiều kỷ niệm đọng lại ở các thầy cô, đặc biệt là những thầy, cô chủ nhiệm, các thầy cô giống như người mẹ thứ hai của các em, đến trường sớm nhất khi học sinh chưa đến và về muộn nhất khi học sinh đã tan.

Những chuyến đò không bao giờ dừng ở một bến ảnh 6Ngày 20/11, trò rủ nhau góp gạo tặng thầy

(GDVN) - Trong ký ức của mình, những hình ảnh trò cũ chân tay lấm lem lên lớp, ê a từng câu chữ sẽ mãi là những hình ảnh đẹp nhất, dù cho đã nghỉ dạy học.

Bản thân cô Lập đã từng đứng ở bục giảng, từng chủ nhiệm nhiều lớp và những kỷ niệm về lứa “Nhất quỷ nhì ma” này sẽ không bao giờ quên. Cô kể, năm 2004 khi chủ nhiệm lớp 12A1 – đây là lớp “đặc biệt”, đặc biệt vì hầu như 100% các em đều xuất thân từ con nhà lao động, cũng 100% các em trong lớp không trọn vẹn bố mẹ, em mất bố, em mất mẹ hoặc có em phải thuê nhà ở  một mình…

Các em thiếu sự quan tâm của gia đình, nhưng bù lại các em rất ngoan, nhưng không vì thế mà thầy cô không quan tâm, thậm chí ngược lại chính cô Lập phải để ý tới từng em trong lớp. Tuổi học trò không tránh được những phút bỏ bê chuyện học hành, một lần giáo viên chủ nhiệm “xử lý” và phạt cả lớp vì lười học. Tranh thủ cô giáo xuống phòng hội đồng thì học sinh ào ào chạy ra về. Bức xúc và rất giận với lứa học sinh này, cô giáo Lập bày tỏ thái độ không hài lòng với học sinh.

“Đến 2-3 ngày sau, lớp trưởng có viết một lá thư gửi cô thể hiện sự ăn năn, hối cải và huy động các bạn quỳ dưới sân trường mong cô chủ nhiệm tha lỗi. Đó là một trong những ký ức không quên về cuộc đời dạy học của mình” cô Lưu Thị Lập chia sẻ. 

Lại đến ngày 20/11 – ngày mà toàn dân, toàn xã hội tri ân công lao trời biển của các thầy, các cô. Dù cuộc sống nghề giáo còn nhiều khó khăn, nhưng những tình cảm mà cha mẹ học sinh, những lứa học trò nghịch ngợm nhưng cũng rất đáng yêu dành cho các thầy, các cô, với niềm tin đó mong các thầy, các cô giữ nhuệ khí của những nhà giáo nhân dân.

Xuân Trung