Trách nhiệm của phụ huynh học sinh đang ở đâu?

06/03/2016 05:11
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Diễn biến đạo đức, hành vi của học sinh phổ thông ngày càng phức tạp nên nếu chỉ dựa vào nhà trường thì e rằng khó quản lý các em.

LTS: Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.

Nhưng thực tế, phụ huynh đã làm tròn trách nhiệm của mình hay chưa? Hay đang dồn tất cả sự dạy dỗ con cái mình cho nhà trường. 

Câu trả lời ấy sẽ được thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đề cập trong bài viết này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Học trò T.V.N (học sinh lớp 8) ở một trường Trung học phổ thông thuộc tỉnh Quảng Ngãi tâm sự: 

Từ ngày cháu đi học đến giờ, chưa bao giờ cha mẹ hỏi han chuyện học hành của cháu, mỗi lần cô giáo gửi giấy mời họp phụ huynh thì bố mẹ cháu chẳng khi nào đi, cứ bảo bận việc này việc khác. 

Bố mẹ không quan tâm như thế khiến cháu buồn lắm, và thấy xấu hổ với bạn bè, thầy cô nữa
”. 

Trách nhiệm của phụ huynh học sinh đang ở đâu? (Ảnh: thanhnien.vn)
Trách nhiệm của phụ huynh học sinh đang ở đâu? (Ảnh: thanhnien.vn)

Ngỡ rằng chỉ có phụ huynh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp, cuộc sống đặc biệt khó khăn mà không quan tâm đến chuyện học hành của con cái thì còn có thể cảm thông được phần nào. 

Đằng này, gia đình sống ở thành phố, môi trường thuận lợi, cuộc sống gia đình không quá khó khăn mà phụ huynh lại hững hờ với chuyện học hành của con cái như vậy thì thật đáng chê trách. 

Chẳng phải nói đâu xa, lớp 12 (trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Quảng Ngãi) do tôi chủ nhiệm cách đây mấy năm, chuyện phụ huynh vô trách nhiệm, thiếu quan tâm đến việc học của con cái chiếm tới 1/3 tổng số học sinh. 

Trong lớp có một số học sinh cá biệt, thường xuyên vi phạm, khi tôi nhắc nhở mà vẫn không tiến triển gì thì tôi liên hệ mời phụ huynh đến trường để trao đổi để cùng nhà trường giáo dục các em. 

Tuy nhiên, khi gặp mặt phụ huynh, thay vì hứa hẹn để cùng nhà trường cách giáo dục, chấn chỉnh con em mình thì đa phần trong số họ lại kêu ca, kể lể.

Nào là do gia đình đi làm ăn xa không có thời gian dạy dỗ con cái, nào là gia đình đã bất lực…và có ý gửi gắm, phó thác trách nhiệm hoàn toàn cho giáo viên, cho nhà trường. 

Rõ ràng, nhà trường hay thầy cô thì cũng chỉ quản lý, giáo dục được học trò trong thời gian các em học tại trường. Còn khi học sinh ra đường, về nhà thì thầy cô lo thế nào cho hết. 

Đó là còn chưa nói đến nhiều trường hợp, khi ở trường thì “hiền như cục đất” thế mà bước ra đường quậy phá thậm chí còn dám làm nhiều việc tày trời như hiếp dâm, đâm chém, trấn lột…

Ví như trường hợp T. (học sinh lớp 10) tại một trường cấp 3 nọ vừa mới bị công an đọc lệnh bắt vì tội hiếp dâm một bé gái 2 tuổi ở cạnh nhà. 

Trách nhiệm của phụ huynh học sinh đang ở đâu? ảnh 2

Người lớn thấy gì khi học sinh bị đánh hội đồng và tung clip lên mạng xã hội ?

(GDVN) - Nếu gia đình và Nhà trường kết hợp một cách thường xuyên, liên tục, chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra như hiện nay.

Tội lỗi của T. khiến gia đình, bạn bè, thầy cô sửng sốt bởi ở trường T. luôn là học sinh ngoan ngoãn, học giỏi, được thầy yêu bạn mến. 

Nhưng đau lòng thay, khi thầy cô hoặc công an báo cáo về hành vi sai trái của con cái mình, nhiều phụ huynh tỏ ra bảo thủ: “Các thầy, các chú nói thế nào ấy chứ, con tôi nó ngoan lắm, sao mà nó có thể mắc sai lầm như thế được”. 

Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cưng chiều, bao che những sai phạm của con cái mình nên đã chạy chọt, đùn đẩy trách nhiệm, đổi lỗi cho người khác.

Cứ như vậy, sau nhiều lần được gia đình bao bọc nên các em trở nên vô cảm, ích kỉ, coi thường người khác, coi thường kỷ cương pháp luật. 

Khi đến trường, thầy cô dùng nhiều biện pháp để giáo dục các em nhưng không có sự thay đổi, chuyển biến nên không ít giáo viên thấy chán nản, bỏ mặc học sinh muốn làm gì thì làm…

Bởi chỉ cần thầy cô không kiềm chế được mà nổi nóng, dùng roi vọt thì bị xem là vi phạm đạo đức nghề giáo, bị phụ huynh và dư luận lên án. 

Diễn biến đạo đức, hành vi của học sinh phổ thông ngày càng có nhiều dấu hiệu phức tạp, ngày càng xấu đi, khó có thể lường hết được những tiêu cực nên chỉ dựa vào nhà trường thì e rằng sẽ không quản lý được các em. 

Khi tuổi các em còn nhỏ, nhận thức, hiểu biết chưa đủ, dễ bị cái xấu lôi kéo làm cho sa ngã nên cần nhất là sự quan tâm của gia đình kết hợp với nhà trường để uốn nắn. 

Đừng tỏ ra bất lực và càng không thể bỏ rơi nhất là đối với học sinh cá biệt, chỉ có như vậy mới giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ việc. 

Trách nhiệm của phụ huynh học sinh đang ở đâu? ảnh 3

Báo động chuyện học sinh nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô

Đừng để đến khi các em đã gây án thì gia đình mới tá hỏa, khi đó lực lượng công an mới vào cuộc. 

Nếu nhà trường – gia đình – xã hội kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện vi phạm khi học trò mới manh nha thì chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều vụ việc đau lòng. 

Đáng tiếc rằng sự kết hợp ấy hiện nay vẫn chỉ là lời nói suông khi mà trách nhiệm chính thuộc về các bậc phụ huynh mà họ không hiểu, không quan tâm, không chủ động phối hợp với nhà trường, các tổ chức xã hội để quản lý, giáo dục thì ai có thể làm thay họ?

Đỗ Tấn Ngọc