Chiều 09/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2025-2026.
Theo tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thực hiện ý kiến gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 17/4/2025 và tiếp tục quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục, chính sách học đường, bảo đảm chất lượng dạy và học, tạo mọi điều kiện học tập tốt nhất cho trẻ em Thủ đô.
Chủ trương nhân văn, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, phụ huynh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Thế Thắng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Hòa A (xã Phú Cát, Hà Nội) chia sẻ, việc Hà Nội thông qua nghị quyết hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học từ năm học 2025-2026 là một chủ trương rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực của Nhà nước đối với sự phát triển toàn diện của học sinh. Đây không chỉ là chính sách hỗ trợ về mặt vật chất mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện trách nhiệm của chính quyền trong việc đầu tư cho thế hệ tương lai.
Đối với phụ huynh, chính sách này mang lại nhiều thuận lợi rõ rệt, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, nhất là với các gia đình có thu nhập thấp. Ngoài ra, phụ huynh sẽ không phải đưa đón con giữa buổi, từ đó giảm bớt áp lực thời gian, công việc và chi phí di chuyển hàng ngày, nhất là với những gia đình ở xa trường hoặc có điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời giúp phụ huynh yên tâm gửi gắm con em ở trường, tin tưởng các em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục an toàn.
Về phía học sinh, bữa ăn bán trú mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trước hết là về sức khỏe, giúp các em được đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí tuệ để học tập hiệu quả hơn. Các em có thể yên tâm học tập tại trường trong cả ngày mà không bị gián đoạn, đồng thời rèn luyện tính tự lập, kỹ năng tự phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày.
Đặc biệt, với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, việc được hỗ trợ bữa ăn sẽ là nguồn động viên, khích lệ tinh thần lớn, giúp các em cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của xã hội để nỗ lực học tập, rèn luyện.
Cũng theo thầy Thắng, hiện tại, cơ sở vật chất đều cơ bản đã đảm bảo cũng như các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm sẵn sàng phục vụ bữa ăn cho học sinh. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của trường hiện nay chính là đội ngũ nhân sự, con người để phục vụ bữa ăn bán trú. Đây là thách thức trường cần tháo gỡ để đảm bảo học sinh được hưởng môi trường tốt, nhận được đầy đủ sự quan tâm của nhà trường, phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm trẻ.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thuý Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, chủ trương hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học từ năm học 2025-2026 là một quyết định rất đúng đắn, thiết thực và nhân văn, mang lại thuận lợi cho học sinh cũng như phụ huynh.
Theo đó, Nghị quyết quy định mức hỗ trợ gồm: Đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi và các xã thuộc bãi giữa sông Hồng, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).
Đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn còn lại của thành phố Hà Nội, mức hỗ trợ là 20.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).
Trường hợp phụ huynh học sinh và nhà trường thống nhất mức tiền ăn cao hơn so với mức Nhà nước hỗ trợ thì phần chênh lệch sẽ thu của người học (đảm bảo mức ăn tối thiểu là 30.000 đồng/học sinh/ngày).
Đối với nhà trường, khi được hỗ trợ 20.00 đồng/học sinh/ngày, nhà trường vẫn cần triển khai thu thêm phần chênh lệch để đảm bảo khẩu phần ăn đúng, đủ dinh dưỡng, chất lượng cho các con theo thống nhất trước đó.
Cũng theo cô Minh, phụ huynh chắc chắn sẽ rất phấn khởi đón nhận chính sách này, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nhà nước đối với thế hệ tương lai.
Đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là bước đi cụ thể trong việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ em Thủ đô. Học sinh tiểu học là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển nhanh về thể chất và trí tuệ, bữa ăn trưa đủ dinh dưỡng tại trường sẽ giúp các em đảm bảo sức khỏe, tăng cường thể lực.
Theo cô Minh, việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú đã được thực hiện từ nhiều năm nên nhà trường không gặp khó khăn. Cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên phục vụ đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như thực đơn đủ dinh dưỡng cũng là vấn đề luôn được nhà trường quan tâm sát sao.
Thực đơn của học sinh đã được nhà trường xây dựng và triển khai từ nhiều năm nay, đảm bảo cân đối dinh dưỡng, phù hợp với độ tuổi phát triển của học sinh. Các món ăn được thiết kế đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu năng lượng và vi chất cần thiết, giúp học sinh phát triển thể chất, trí tuệ và duy trì sức khỏe tốt để học tập hiệu quả.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn bán trú cũng luôn được các nhà trường đặt lên hàng đầu. Nhà trường đều phối hợp với những công ty cung cấp có uy tín, được cấp phép đầy đủ, đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, nguồn thực phẩm sử dụng trong các bữa ăn đều có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi các đơn vị uy tín, có kiểm định chất lượng và được kiểm tra định kỳ.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên (phường Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, việc tổ chức ăn bán trú đã được thực hiện từ lâu và trở thành nền nếp, vì vậy việc tổ chức lâu nay vẫn rất thuận lợi bởi nhà trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoạt động bán trú ngoài giúp các em học sinh có những bữa ăn ngon, vui chơi giải trí và nghỉ ngơi để tiếp tục học tập buổi chiều thì thông qua đó còn giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và khả năng tự phục vụ trong việc ăn và ngủ bán trú tại trường.
Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ huynh, bữa ăn bán trú của trẻ ở trường học phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh trong quá trình tổ chức cho các em ăn uống.
Vì vậy, nhà trường đã trang bị hệ thống thiết bị trong nhà bếp được trang bị đồng bộ và đầy đủ với tủ và kho bảo quản thực phẩm, bồn rửa thực phẩm rau củ quả, thịt sống, dụng cụ chế biến, nấu ăn… đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, đảm bảo các bữa ăn của học sinh luôn an toàn, hợp vệ sinh.
Về thực đơn, nhà trường đã xây dựng và thực hiện từ nhiều năm nay, đảm bảo tiêu chí đa dạng, phong phú, phù hợp theo mùa và lứa tuổi phát triển của học sinh tiểu học. Thực đơn được cân đối giữa các nhóm chất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết để học sinh phát triển thể lực, trí tuệ.
Cũng theo cô Hà, chủ trương hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học của Hà Nội từ năm học 2025-2026 thực sự là một quyết sách rất nhân văn, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận và phấn khởi từ phụ huynh, giáo viên cũng như toàn xã hội.
Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện hỗ trợ một bữa ăn trưa cho học sinh, mà sâu xa hơn, chính là sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước dành cho thế hệ tương lai của đất nước.
“Đối với một trường tiểu học nằm ở trung tâm Thành phố Hà Nội, tuy phụ huynh không quá gặp khó khăn về điều kiện nhưng chủ trương này đã giúp họ cảm nhận rõ sự quan tâm, đồng hành của chính quyền với con em mình, thể hiện sự ưu tiên, chăm lo của Nhà nước đối với trẻ em ngay từ những điều nhỏ nhất, thiết thực nhất.
Tương lai của học sinh không chỉ là trách nhiệm của gia đình, mà còn là sự quan tâm chung của toàn xã hội. Chính vì vậy, điều quý giá mà chủ trương này mang lại không chỉ nằm ở giá trị vật chất của một bữa ăn, mà là giá trị tinh thần, là niềm tin yêu, sự gắn bó của người dân đối với chính quyền, với các chính sách vì dân, vì trẻ em”, cô Hà bày tỏ.
Nhà trường tiếp tục đầu tư, đồng bộ hơn nữa về cơ sở vật chất
Để tiếp tục quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục, tạo mọi điều kiện học tập tốt nhất cho trẻ em, cô Hà mong muốn thời gian tới cần tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa cho khối trường học, điều này sẽ càng tạo dựng niềm tin vững chắc trong nhân dân, phụ huynh và toàn xã hội, tạo điều kiện để các trường tiểu học thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ tương lai một cách toàn diện.
Đồng thời, cần quan tâm đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sân chơi, bếp ăn bán trú Khi trường học trở thành nơi an toàn, thân thiện, khang trang, đủ điều kiện dạy và học, phụ huynh sẽ yên tâm gửi gắm con em, trẻ em được phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, kỹ năng và nhân cách, từ đó góp phần hình thành những công dân có trách nhiệm, có tri thức, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng quan điểm, theo thầy Nguyễn Thế Thắng, việc đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất đồng bộ, đảm bảo cho các trường là yếu tố hết sức quan trọng như có bếp ăn hiện đại được bố trí theo nguyên tắc 1 chiều, giảm thiểu nhiễm chéo giữa thực phẩm chín và sống; khu thay đồ bảo hộ lao động và các khu vực phụ trợ liên quan được thiết kế xây dựng tách biệt.
Khi các trường quan tâm đầu tư đầy đủ bếp ăn bán trú đạt chuẩn, hệ thống phòng học, sân chơi, nhà vệ sinh đồng bộ, chất lượng... sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường tổ chức bán trú cho học sinh một cách nền nếp, quy củ, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng.