Việt kiều nhận định: Phạm Đình Nguyên đã tìm ra một cơ hội làm ăn tốt

16/04/2012 09:44
Charles Tran/ VnExpress
Chuyện một doanh nhân người Việt mua một thị trấn đã thu hút nhiều tranh luận. Nhưng thật ra việc một người mua một tài sản ở Mỹ với giá vài triệu USD không có gì là to lớn, vậy lý do nào mà các cơ quan thông tin đại chúng ở Mỹ cũng phải lên tiếng? 
Charles Trần, một Việt kiều có kinh nghiệm kinh doanh nhà đất ở Mỹ, nổi tiếng trên VnExpress với các bài "Làm giàu ở Mỹ như thế nào", "Tôi vào ngành địa ốc", chia sẻ ý kiến về sự kiện một người Việt mua thị trấn Mỹ mới đây.

Theo tôi thì việc một người Việt dám mua một khu đất nơi đèo heo gió hút tại một khu vực không có cư dân là cả một điều khác lạ, vì vậy tại Mỹ, một số độc giả đã viết những lời bình luận, chia vui cũng có mà chia buồn cũng có. Còn như tôi từng giới thiệu về mình "là chuyên gia địa ốc, chuyên ngành Foreclosure property (tài sản đấu giá)", vì vậy tôi quyết định viết bài tham gia phân tích về việc anh Nguyên mua "thị trấn Buford tại Wyoming".

Anh Phạm Đình Nguyên, người chủ mới của thị trấn Buford, Mỹ. Ảnh: Phạm Đình Nguyên.
Anh Phạm Đình Nguyên, người chủ mới của thị trấn Buford, Mỹ. Ảnh: Phạm Đình Nguyên.

Tôi rất nhiệt tình và viết bằng chính suy nghĩ và kinh nghiệm của bản thân, nhưng mục đích của bài viết không phải để cùng tranh luận, mà chỉ hỗ trợ tinh thần anh Nguyên, một người đang đi vào con đường của tôi 27 năm trước. Có thể lời viết và văn phong hơi mạnh mẽ, nhưng tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm bất cứ ai, cũng không có ý khoe khoang rỗng tuếch cho bản thân tôi. Để dẫn giải chi tiết tôi xin được trình bày theo logic. 1. Giá cả: Theo anh Nguyên thì trong cuộc đấu giá có người trả đến 750.000 USD và anh chiến thắng khi mức Bid của anh là 900.000 USD. Vậy tại thời điểm này, nếu anh Nguyên có sai lầm thì sự cách biệt của 900.000 và 750.000 chỉ có 150.000 USD (3 tỷ đồng Việt Nam).
2. Anh Nguyên đã mua được cái gì? Nếu bạn đọc chỉ hiểu rằng anh Nguyên làm chủ một thành phố (chết?) thì quả thật con số 900.000 là đắt đỏ vì Buford chỉ là một “Trucks stop Area” (trạm dừng xe liên tỉnh), mà mô hình này có đầy rẫy trên nước Mỹ. Nhưng nếu bạn là dân kinh doanh, thì bạn sẽ không nhìn vấn đề như vậy.
Thay vì các bạn nghĩ rằng "một người Việt Nam mua được một thị trấn” thì các bạn hãy nghĩ rằng "một người Việt mua được một cơ sở thương mại tại Mỹ". Như vậy, các bạn sẽ thoải mái hơn. Và với những người cho rằng 4 mẫu đất cũng được gọi là một thị trấn hay thành phố, thì tôi nghĩ rằng cách gọi không ảnh hưởng đến nội dung của việc mua bán, mà quan trọng là thực tế trong việc mua bán có những cái gì.

3. Anh Nguyên sẽ làm gì với Buford? Như anh Nguyên đã nói, anh hiện vẫn chưa biết mình sẽ làm gì nhưng tôi tin anh Nguyên sẽ có ý tưởng rất nhanh, nhanh như khi anh quyết định đi Mỹ và tham gia auction chỉ có 10 ngày.

Với tôi, anh Nguyên là Cruseda (người viễn chinh) hay là một Pioneer (người tiên phong) với quyết định rõ rệt. Lời cũng chơi và lỗ cũng chơi. Tại sao? Anh đã nắm bắt cơ hội, mà khi đã là cơ hội thì High Risk = High Paid, (rủi ro lớn = đền đáp lớn).

Thị trấn Buford đã được mua với mức giá 900.000 USD
Thị trấn Buford đã được mua với mức giá 900.000 USD


4. Trong cái nhìn của một chuyên gia kinh tế, về quy luật của định giá thì Buford không hề có đối tượng để so sánh, vì vậy việc định giá chỉ còn căn cứ vào lợi nhuận hàng năm của cơ sở. Lợi nhuận của người chủ cũ là 150.000 USD/năm.
Tại Mỹ khi kinh doanh tùy theo mô hình lớn nhỏ thì lãi suất từ 12-15% là lãi suất an toàn. Như vậy việc bỏ ra 900.000 để thu về 150.000 hàng năm là việc không có gì nguy hiểm. Nếu một cơ sở trong 3 năm mà lợi nhuận bằng nhau ta có thể nhân lên 10 lần lợi nhuận để có trị giá về tài sản kinh doanh, nếu chấp nhận rằng thu nhập gói trọn trong 150.000/một năm và lợi nhuận này liên tục thì trị giá của nó phải là 1,5 triệu USD.

5. Lợi nhuận 150.000 USD/một năm có phải là lợi nhuận cao nhất mà tài sản có thể mang lại? Thưa không. Vì theo lời chủ nhân cũ, cơ sở này chỉ do một mình anh ta quản lý, với những thiết bị cũ kỹ, và nhân lực chỉ là một người, chúng ta sẽ hiểu là tại sao lợi nhuận không thể cao hơn. Và thị trường của người chủ cũ chỉ là khách thập phương chỉ ghé lại khi có nhu cầu.

Giả thử, nếu có thêm nhân lực với những mô hình kinh doanh mới thì lợi nhuận chắc chắn sẽ tăng, chưa kể đến việc người chủ mới với bản chất manh dạn cầu tiến, chấp nhận khó khăn của người Việt. Nơi này sẽ thay đổi.

6. Nói về địa lý thì Buford là một địa danh nằm giữa thủ phủ của Wyoming là Cheyenner và thành phố Laramie, rất gần vườn quốc gia Curt Gowdy State Park. Tại vườn quốc gia này hàng năm cũng có một lượng khách thăm viếng đáng kể.

Tại thành phố Laramie, hàng năm có lễ hội "Lara mia Jubilee". Tại lễ hội này, Rodeo (cưỡi bò rừng) là nguồn cảm hứng chính. Địa lợi có hay không thì trường hợp này chỉ có nhà đầu tư là anh Nguyên biết được, mà chưa biết thì rất sớm anh cũng phải biết.

7. Về ý tưởng kinh doanh: Mỗi nhà đầu tư đều có cái nhìn khái quát về việc mình làm, và những khái niệm đó cũng còn tùy vào sự sẵn sàng dấn thân, cũng như triết lý kinh doanh của họ. Bạn nên biết rằng: Đất chỉ là đất, nếu không biết khai thác thì muôn đời đất vẫn chỉ là đất. Việc này đã được minh chứng ở Việt Nam, trước khi khu Phú Mỹ Hưng ra đời thì đất ở quận 7 và khu vực của Phú Mỹ Hưng bây giờ chỉ là đồng không mông quạnh cũng như hàng trăm vị trí khác.

8. Trên mạng có nguồn tin nói rằng việc anh Nguyên mua Buford là chiêu PR nhưng riêng cá nhân tôi tôi xin chúc mừng anh Nguyên, anh đã tìm ra một cơ hội. Tôi có thể nói, nếu anh đầu tư đúng cách chỉ trong 5 năm, giá trị của tài sản sẽ tăng lên nhiều lần.

Tôi cũng từng mua đất bán đấu giá và trong 12 năm, tôi thu hoạch gấp trên 10 lần. Giá khi mua 800.000, giá khi bán 11,5 triệu USD. Mặc dù tôi đã nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn khẳng định: anh Nguyên đã đi đúng đường, đừng nghĩ đến 900.000 mà hãy nghĩ đến những gì mà anh có thể làm. Tôi dù không là người mua Buford, nhưng nếu tôi là người mua thì hiện tại tôi cũng có hàng trăm ý tưởng phát triển.

9. Có thể sẽ chẳng ai tin khi tôi phát biểu như vậy nhưng điều đó không quan trọng vì tôi có đủ lực và kiến thức để khẳng định và bảo đảm cho lời phát biểu của mình. Có vị phát biểu cho rằng đây là “giấc mơ Mỹ”, sang Mỹ để làm giàu. Tôi không cho là như vậy. Tôi nghĩ rằng với vị trí của anh Nguyên thì việc đi Mỹ hay kinh doanh ở Mỹ không phải là điều khó khăn, và giấc mộng Mỹ không hoàn toàn là mục đích của doanh nhân này, có chăng việc quyết định dấn thân của anh Nguyên là một yếu tố vô cùng cần thiết cho việc phát triển kinh tế.

10. Các bạn cũng đừng quan tâm đến kinh tế Mỹ lên hay xuống, hay nền kinh tế Việt Nam trồi sụt. Phải thành thật mà nói, trong vị trí của mỗi người, với khó khăn nếu mang ra để so sánh với những thay đổi hay khó khăn của một quốc gia thì chỉ là con số không.

Người đứng đầu một doanh nghiệp sẽ không nhìn vào thắng lợi của một lần là sự thành công, mà lợi nhuận liên tục của nhiều năm mới là sự an bình và họ không được phép lơ là với những diển biến của thị trường cũng như luôn phải cảnh giác và đối phó với những thay đổi hàng ngày trong thị trường mà họ có mặt.

Vì khuôn khổ bài báo rất giới hạn, tôi xin tạm ngừng phần chia sẻ ở đây. Tôi muốn nhắn với anh Nguyên một điều: Hãy làm theo cái anh nghĩ và cần quyết đoán, rất mong anh thành công.
Charles Tran/ VnExpress