Giàn khoan khổng lồ HD 981 có cả bãi đáp cho trực thăng đang mưu đồ tìm cách cắm chân tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam nhưng đang vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của các cơ quan chức năng Việt Nam. |
Tờ The Interpreter ngày 8/5 bình luận, không có gì ngạc nhiên trước phản ứng mạnh mẽ của Việt nam khi điều động các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư để ngăn chặn giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đang âm mưu cắm chân vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên ít nhất có 3 vấn đề liên quan đến vụ việc này cần được xem xét.
Thứ nhất, có khả năng bế tắc này sẽ kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc kéo dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, sự cố này nghiêm trọng hơn những gì đã xảy ra trên Biển Đông gần đây.
Không giống như tàu cá hay tàu khảo sát, sự di chuyển của giàn khoan khổng lồ thường có xu hướng cắm chân tại một địa điểm trong thời gian dài. Trên thực tế chính Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động (bất hợp pháp) của giàn khoan 981 trong vùng biển (vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) ít nhất đến 15/8.
Từ góc độ Việt Nam, trong thời gian ngắn hạn đây sẽ là một tình thế khó khăn: Hoặc tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sẽ tìm cách cắm chân tại 1 vị trí cố định trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, hoặc là không.
Việc buộc dàn khoan 981 Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển này trong tháng 8 có thể không dễ dàng với Việt Nam, và Việt Nam có thể bị Trung Quốc lôi kéo vào một trò chơi "mèo vờn chuột" trong vùng biển gần với HD 981 chống lại các tàu công vụ, tàu hải quân Trung Quốc với số lượng đông đảo hơn.
Vị trí giàn khoan HD 981 Trung Quốc đang tìm các cắm chân trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. |
Thứ hai, mặc dù động thái kéo HD 981 ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Obama công du 4 nước châu Á, nhưng 2 hoạt động này không nhất thiết có liên hệ với nhau, The Interpreter bình luận.
Chuyến công du châu Á của ông Obama không bao gồm Việt Nam. Trong khi đó Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung ở Hoa Đông có thể được xem như một phản ứng đối với chuyến thăm của Obama đến Nhật Bản.
Cuối cùng, CNOOC có "tiền sự" gắn hoạt động thăm dò tài nguyên ở Biển Đông (bất hợp pháp) với tuyên bố chủ quyền (đường lưỡi bò vô lý và phi pháp) của Trung Quốc. CNOOC có vai trò khá mạnh ở Bắc Kinh và có thể đứng đằng sau quyết định kéo dàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Năm 2012 cũng chính công ty này đã tuyên bố chào thầu 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Giàn khoan HD 981 bắt đầu hoạt động vào năm 2012 và tạo cho CNOOC khả năng khoan tới độ sâu 3000 mét, mở rộng đáng kể phạm vi nó có thể khoan trên Biển Đông (bất hợp pháp) mà không cần dựa vào các công ty nước ngoài.