Putin có thể đưa nước Nga thoát khó khăn theo 3 dòng chảy

18/06/2016 07:44
Ngọc Việt
(GDVN) - Những quân cờ mới của Tổng thống Putin, trong đó đặc biệt là nhà kinh tế tài năng Kudrin hoàn toàn có thể giúp Putin đưa nước Nga khơi thông bế tắc.

Bloomberg ngày 16/6 nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế với EU và ông sẽ sử dụng Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg để kêu gọi bình thường hóa quan hệ giữa Liên bang Nga - nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và Liên minh Châu Âu - khối liên minh thương mại lớn nhất thế giới. 

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov xác nhận rằng chính quyền Putin đã và đang có kế hoạch để bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và EU: "Đây là thông điệp liên tục của chúng tôi. Tuy nhiên nó luôn bị người ta bỏ ngoài tai".

Vì vậy, Bloomberg cho rằng tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Kremlin tiếp tục gởi thông điệp: Hãy đặt xung đột Ukraina lại phía sau, để khai thác những lợi ích kinh tế to lớn mà các bên đang lãng phí.

Trong khi đó Joerg Forbrig, Giám đốc cấp cao Quỹ Marshall của Mỹ tại Berlin cho hay: "Có nhiều nhà tư bản ở châu Âu đang nóng lòng muốn trở lại kinh doanh tại Nga. Phía Moscow đã phát hiện ra cơ hội rất tốt này nên đang tung ra một chính sách ngoại giao rất thông minh có thể phá vỡ sự thống nhất của EU trong việc cấm vận Nga". 

Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: CBS News.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: CBS News.

Đặc biệt, trong số những người tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016 có Thủ tướng Italy Matteo Renzi – một thành viên G-7 và Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Jean-Claude Juncker.

Vì vậy, dư luận cho rằng đây là cơ hội cho Tổng thống Putin hiện thực hoá “chính sách ngoại giao thông minh” bằng những kết quả thiết thực và đưa nước Nga ra khỏi khó khăn và bế tắc hiện nay. Thành bại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của chính quyền Putin trong việc tận dụng cơ hội và chuyển hoá thành lợi ích cho nước Nga. 
        
Đừng để cơ hội tuột tầm tay

Trước khi Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016 diễn ra, đã có nhiều động thái của cả đối tác lẫn đối thủ của Moscow mang theo cơ hội giúp cho nước Nga thoát ra khỏi bế tắc, nhưng vì lý do nào đó chính quyền của Tổng thống Putin đã bỏ qua hoặc không nhận ra.

Ngày 31/5, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết rằng có thể nới lỏng biện pháp trừng phạt của EU đối với nước Nga ngay cả trước khi một kế hoạch hòa bình cho xung đội tại miền đông Ukraine được thực hiện đầy đủ.

Theo ông Frank-Walter Steinmeier, nếu có tiến bộ đáng kể thì Đức có thể từng bước xem xét thu hồi các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga, Bloomberg nhắc lại.

Đối với nước Pháp, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ngày 15/6 đã kêu gọi Putin đi bước đầu tiên bằng cách bắt đầu loại bỏ các rào cản trả đũa mà Nga áp đặt đối với thực phẩm nhập khẩu từ EU. Sarkozy, người có thể chạy đua vào chức Tổng thống Pháp diễn ra năm 2017, đã gặp những nhà lãnh đạo nước Nga ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016. 

Trước đó ngày 28/4 Hạ viện Pháp đã thông qua nghị quyết kêu gọi EU dỡ bỏ lệnh cấm vận Liên bang Nga. Và Hạ viện nước này cũng có nghị quyết kêu gọi chính quyền chấm dứt việc cấm vận kinh tế đối với nước Nga.

Cho dù những nghị quyết của Hạ viện Pháp chỉ mang tính khuyến cáo, nhưng rõ ràng qua đó cho thấy những người ủng hộ Nga ở chiến tuyến bên kia cũng tìm mọi cách giúp cho nước Nga “thoát nạn”. Những hành động vận động hành lang rất quan trọng trước khi chính quyền có những hành động cụ thể mang tính pháp lý.

Và cũng cần nhắc lại rằng, Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên ghé thăm nước Nga sau khi Mỹ và đồng minh áp lệnh cấm vận Nga bởi “sự kiện Crimea”.

Dư luận không thể quên lời khuyên chân thành mà Tổng thống Hollande đã gửi tới Tổng thống Putin: “Có những thời điểm chúng ta cần phải nắm bắt những cơ hội. Đây là một thời điểm như vậy”, khi nhà lãnh đạo Pháp có chặng dừng chân bất ngờ tại một sân bay ở Moskva, ngày 6/12/2014, theo TTXVN.

Tiếc rằng cơ hội cứ lần lượt trôi qua và nước Nga thì ngày một khó khăn khi giá dầu thô chưa thể đảo chiều bền vững. Người viết cho rằng, sau “sự kiện 17 giây” với Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho nước Nga rơi vào thế cấm vận kép, thì Tổng thống Putin và cộng sự nên tránh tối đa những hành động tương tự để giảm thiệt hại cho nước Nga, giảm khó khăn cho người dân Nga đang phải nai lưng gánh thời cấm vận.

Vì vậy, Moscow có cần Ankara phải có lời xin lỗi chính thức về “sự kiện 17 giây” không, khi mà quân đội Nga cũng không hẳn hoàn toàn “vô tội”? Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có gửi thư mừng quốc khánh Nga thì có thể nhận diện đây là hành động “chạy lại” từ Ankara.

Moscow lẽ ra không nên “lấy làm tiếc là trong thư không hề có nội dung nào khác”, như lời Thư ký báo chí Tổng thống Nga Peskov mà Sputnik ngày 15/6 tường thuật lại.

Chính quyền nước Nga đã kêu gọi EU hãy đặt xung đột Ukraine lại phía sau, để tránh lãng phí những lợi ích kinh tế rất lớn của đôi bên. Đây là một cách nhìn mới cho một giải pháp chính trị hợp thời, do đó Moscow không nên làm lớn chuyện “cổ động viên Euro 2016”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Jean-Claude Juncker tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016 mang lại cơ hội cho Nga. Ảnh: France 24.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Jean-Claude Juncker tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016 mang lại cơ hội cho Nga. Ảnh: France 24.

Kremlin không nên nghiêm trọng hoá vấn đề, không nên chính trị hoá những mâu thuẫn bên lề để tránh gây khó cho việc xây dựng cơ chế khai thác lợi ích từ những cơ hội đang hé mở cho nước Nga.

Kremlin phải thể hiện sự nhất quán trong tinh thần “ngoại giao nước lớn”, để xóa tan cảm giác e dè, nghi ngại của các đối tác khi bắt tay với Moscow, bởi ấn tượng không hay lâu nay là “những cam kết của Nga chỉ làm nền cho họ khi cần, nhưng sẽ bị mờ phai ngay sau đó”.

Đặc biệt, những năm trước tại diễn đàn St. Petersburg, Putin luôn tái khẳng định những cam kết, nhưng rồi lại lãng quên, như bình luận của Bloomberg. Vì vậy, Kremlin phải tránh cho đối tác suy diễn việc ấy sẽ lặp lại tại St. Petersburg 2016 này.

Putin có thể đưa nước Nga thoát ra theo ba “Dòng chảy” 

Giới quan sát cho rằng, trong các cuộc gặp tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016, Chủ tịch EC Juncker có thể thảo luận với Tổng thống Putin về việc tăng gấp đôi công suất của đường ống của “Dòng chảy phương Bắc” - dẫn khí đốt của Nga tới Đức.

Còn Thủ tướng Italy Matteo Renzi có thể trao đổi với Tổng thống Putin về việc tái khởi động “Dòng chảy phương Nam” mà Putin đang phải bỏ dở. 

Có thể thấy rằng, những cơ hội tốt cho nước Nga của Putin dồn dập xuất hiện trong thời gian gần đây khiến cho người ta có thể cảm nhận sự chịu đựng của người dân Nga đã có thể dần vơi và mường tượng ra những nước đi hay của ván cờ mới mà Putin vừa tạo ra cho nước Nga và cho chinh bản thân ông.

Nếu như những nước cờ trước đây của Putin không mang lại hiệu quả vì ông thiếu những quân cờ “cao tay ấn”, nay với những quân cờ mới thì có thể hy vọng tình hình sẽ đổi khác.  

Kudrin và những quân cờ mới trên bàn cờ mới sẽ có thể giúp cho Putin làm sáng lên những nước cờ tàn và lợi ích của nước Nga sẽ được mang về nhiều hơn trong những nước cờ mới.

Người viết cho rằng, trong những động thái được nhận diện là cơ hội cho Moscow, thì Tổng thống Vladimir Putin có thể giúp nước Nga thoát ra khỏi khó khăn, bế tắc hiện nay theo ba “Dòng chảy”.

Việc nâng công suất cho “Dòng chảy phương Bắc” được xem là công cụ tác động trực tiếp vào một mắt xích của liên minh cấm vận – nước Đức. Bởi lẽ, Berlin được hưởng lợi nhất từ “Dòng chảy phương Bắc” và đó là cơ hội khiến cho Moscow làm dão mắt xích này bằng công suất gia tăng.

EU đang đứng trước nguy cơ Brexit, đồng nghĩa với việc mất nước Anh và nếu Brexit không diễn ra thì London cũng đã trở thành một mắt xích mong manh, vì vậy EC không muốn một mắt xích nào có thể mong manh thêm nữa.

Do đó, việc nâng quyền lợi cục bộ cho Berlin sẽ khiến cho bội bộ EU thêm lủng củng và đó cũng chính là mục đích của việc Chủ tịch EC Juncker gặp Tổng thổng Putin nhắm xây dựng một cơ chế hợp lý cho vấn đề này, theo Bloomberg.

Như vậy là Moscow có quyền nêu ra điều kiện với Brussels và việc giảm nhẹ hậu quả của cấm vận phải là điều kiện đầu tiên nhất.

Việc Chủ tịch EC lên tiếng cảnh báo nước Nga về điều kiện xoá cầm vận khi phải thực thi đẩy đủ hiệp định hoà bình Minsk, theo Bnews ngày 17/6, đã cho thấy EU có rạn nứt khi lời lẽ của Chủ tịch Juncker khác với quan điểm của Ngoại trưởng Đức Walter Steinmeier thể hiện trước đó.

Điều này càng làm gia tăng cơ hội cho Moscow khi tăng cường lợi ích cho Berlin như một sự đánh đổi. Như vậy là ánh sáng đã loé lên từ bờ đông của Đại Tây Dương cùng với đó là vị thế của nước Nga được nâng tầm và nước Nga được gia tăng lợi ích.

Trong khi đó, “Dòng chảy phương Nam” trở thành đột phá khẩu vào vòng vây cấm vận – giá dầu, với những hiệu ứng tích cực từ đổi thay trong quản lý và điều hành đất nước của chính phủ Nga, mà quan trọng nhất là tính thực tế và hiệu quả trong quản lý kinh tế làm tăng niềm tin cho giới đầu tư.

Nhà kinh tế tài năng Kudrin hoàn toàn có thể giúp Putin đưa nước Nga khơi thông bế tắc theo ba dòng chảy lớn. Ảnh: edesknews.com.
Nhà kinh tế tài năng Kudrin hoàn toàn có thể giúp Putin đưa nước Nga khơi thông bế tắc theo ba dòng chảy lớn. Ảnh: edesknews.com.

Hiệu ứng “Dòng chảy phương Nam” được xem lả bệ đỡ cho việc xác lập và triển khai chính sách của chính phủ Nga, bởi nó tạo ra sức hút từ kinh tế Nga đối với những nhà đầu tư quốc tế, mà trong thời gian qua họ bị lực đẩy bật ra vì những kế hoạch của Kremlin quá lớn và rất mơ hồ.

Như người viết đã phân tích chi tiết, “Dòng chảy phương Nam” và hiệu ứng của nó sẽ làm thay đổi bộ mặt của nước Nga và có thể giúp cho nước Nga thoát ra khỏi vòng cấm vận tuyệt vời như thoát khủng hoảng toàn cầu 2008.

Trong số những quốc gia có lợi nhất từ “Dòng chảy phương Nam” có Hy Lạp và Italy khi Tập đoàn năng lượng ENI của nước này là một bên tham gia dự án. Hy Lạp đã lên tiếng gợi ý với Kremlin về việc tác khởi động dự án chiến lược này.

Nay Thủ tướng Italy Matteo Renzi có mặt tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016 là dịp thuận lợi nhất cho Tổng thống Putin trao đổi, thậm chí quyết định về cơ chế và thời gian tái khởi động cho “dự án thế kỷ” này.

Còn “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đã được Putin xem như một mũi tên nhiều đích, vừa tối đa hoá việc khai thác lợi ích cho nước Nga từ những nguồn lực mà thiên nhiên ban tặng, vừa ngăn chặn những sự đe doạ tới quyền lợi của nước Nga bởi những ống dẫn khí, dầu từ Trung Đông nóng bỏng.

Ankara và Moscow có thể gia tăng quyền lợi qua sự khống chế và điều tiết “dòng chảy” lợi ích của mình.

“Sự kiện 17 giây” xảy ra đã kéo theo hành động trả đũa lẫn nhay giữa Moscow và Ankara khiến cho dư luận nghi ngại rằng không biết khi nào thì “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” mới tròn ý tưởng.

Song sau hành động “chạy lại” từ Ankara qua thư mừng quốc khánh Nga của Tổng thống Erdogan thì có thể thấy dòng chảy thứ ba từ những túi dầu, khí tại xử sở bạch dương toà đi các hướng và mang lợi ích vế cho nước Nga không còn là mộng tưởng nữa.

Có thể thấy rằng, cơ hội cho nước Nga, cho người dân Nga đã dần hiển hiện và đây là lúc đỏi hỏi khả năng của những quân cờ mới trong việc biến cơ hội thành lợi ích cho nước Nga và qua đó thể hiện tầm nhìn của Tổng thống Putin trong việc sắp đặt bàn cờ mới.

Cá nhân người viết cho rằng những quân cờ mới của Tổng thống Putin, trong đó đặc biệt là nhà kinh tế tài năng Kudrin hoàn toàn có thể giúp Putin đưa nước Nga khơi thông bế tắc theo ba dòng chảy lớn.

Vấn đề còn lại là liệu Putin và những vị trí ở thượng tầng quyền lực có hạn chế không gian, kiềm chế hoạt động của những quân cờ bởi những hành động lệch pha làm xoá nhoà đi nhiều cơ hội.

Tóm lại, nền kinh tế của nước Nga, cuộc sống của người dân Nga có thể đổi thay qua những vận hội đang xuất hiện ngày càng rõ nét, nó như một phép thử nhưng cũng đồng thời là cơ hội cho chính quyền của Tổng thống Putin thể hiện tài năng.

Ngọc Việt