Phải khẳng định luôn rằng: Sự việc không phải ở Việt Nam, xảy ra cũng đã lâu nhưng đang được mập mờ đưa lên mạng xã hội, gây phản cảm, phản giáo dục.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh của cha và con khiến nhiều người lay động.
Trong bức ảnh người cha cùng con gái 2 tuổi nằm trong một hố đất được cho là huyệt mộ. Được biết câu chuyện này xảy ra tại Trung Quốc năm 2017 và được truyền thông nước này đăng tải.
Sinh viên mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ 50 triệu đồng chữa bệnh |
Theo trang QQ, ngày 23/6/2017, ông bố trẻ Trương Lợi Dũng (24 tuổi, sống tại thôn Cửu Tử Nham thuộc huyện Long Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) tự tay đào huyệt cho con gái 2 tuổi Trương Tâm Lôi đang mang trong mình căn bệnh Thalassemia - tan máu bẩm sinh.
Anh tâm sự bé Tâm Lôi được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ khi mới 2 tháng tuổi.
Từ đó, hai năm ấu thơ của em là hành trình đầy nước mắt chống lại bệnh tật.
Để có tiền đưa con đi truyền máu mỗi tháng, anh Lợi Dũng hàng ngày đi làm từ 12h trưa đến 8h tối tại nhà máy thủy tinh trong thị trấn.
Mức thu nhập hàng tháng 2.500 nhân dân tệ (khoảng 8,3 triệu đồng) chẳng thấm vào đâu so với chi phí chữa trị. Vợ chồng anh phải chi tiêu tằn tiện mới đủ đưa con đi khám định kỳ.
Bức ảnh cha và con gái nằm trong huyệt mộ gây xôn xao những ngày qua (Ảnh: internet) |
Sức đề kháng kém khiến cô bé 2 tuổi thường xuyên bị cảm, lâu lâu dẫn tới viêm phổi, phải nằm điều trị ở bệnh viện 1-2 tuần.
Tâm Lôi cũng không có lấy một người bạn đồng trang lứa, chỉ biết chơi đùa ngoài đồng cùng anh Lợi Dũng mỗi khi cha rảnh rỗi.
Biết sự sống của con gái dần trở nên mong manh, anh Trương Lợi Dũng nuốt nước mắt vào trong để đào huyệt, cùng con nằm trong đó để bé tập quen với cuộc sống đơn độc ở thế giới bên kia.
Hình ảnh hai cha con nằm dưới huyệt mộ mới đào khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Ánh mắt ngây thơ của Tâm Lôi như nói rằng em chỉ nghĩ đây là trò chơi mới của cha, chứ không biết đây là nơi an nghỉ của mình.
Sau hai năm, hình ảnh và câu chuyện này lại một lần nữa nóng trên mạng xã hội Việt Nam.
Nhiều người vô tình hay hữu ý chia sẻ nội dung tấm hình trên các diễn đàn. Thậm chí một số người bán hàng trên mạng còn lợi dụng để "câu like", "câu view".
Xuất phát từ một tài khoản facebook có tên Thanh An, bức ảnh nhanh chóng được lan truyền trên cộng đồng mạng.
Nhiều người còn mong muốn tìm đến gia đình em để ủng hộ, quyên góp tiền và tặng các bài thuốc, thuốc bổ quý.
Câu chuyện này xảy ra tại Trung Quốc vào năm 2017. Bé gái tên Tâm Lôi cũng đã qua đời (Ảnh: Vũ Ninh) |
Theo tìm hiểu của phóng viên, tài khoản facebook Thanh An sử dụng bức hình này vào mục đích “câu view”, tăng tương tác để bán hàng.
Để thu hút độc giả, facebooker này thêm thắt nhiều tình tiết khiến câu chuyện trở nên sinh động hơn và nhiều người lầm tưởng đây là một câu chuyện tại Việt Nam. Theo báo chí Trung Quốc, bé Trương Tâm Lôi đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo.
Đây không phải là lần đầu tin giả (fake news) được tung lên mạng xã hội nhằm phục vụ những lợi ích cá nhân mà chủ yếu là câu view, câu tương tác.
Độc giả, người tham gia mạng xã hội hãy thận trọng khi tiếp cận thông tin cần phải biết cách chọn lọc những thông tin bổ ích, chính xác và không bị tác động bởi tin giả.
Cơ quan hữu quan cần phải xử lý nghiêm các trường hợp tung tin giả, tin xấu độc gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, làm mất niềm tin của người tử tế.