"Công nghiệp hay gà chọi” đều khổ như nhau

10/07/2017 06:10
Phan Tuyết
(GDVN) - Nuôi con kiểu “gà chọi” hay “gà công nghiệp” không chỉ đem lại sự mệt mỏi cho phụ huynh mà còn làm cho đứa trẻ có lối sống thụ động, luôn dựa dẫm người khác.

LTS: Trang bị kĩ năng sống, hình thành nhân cách cho con trẻ từ nhỏ là một việc làm hết sức quan trọng. Nhiều bậc phụ huynh vì mắc sai lầm trong cách dạy dỗ, định hướng nhận thức nên tạo ra cho các con lối sống thụ động, quen dựa dẫm.

Nhằm lên án cũng như cảnh tỉnh các bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ và trang bị kĩ năng sống cho con, tác giả Phan Tuyết đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chăm sóc, bảo bọc con, lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ, dành hết mọi việc để con được nghỉ ngơi…cách thương và chăm sóc con như thế đã tạo ra những đứa trẻ chỉ biết ăn và lớn như “gà công nghiệp’. 

Số khác lại được bố mẹ “giác ngộ”, “nhồi sọ’ về một viễn cảnh huy hoàng trên con đường học vấn. Thế rồi, những đứa trẻ này suốt ngày luôn bị thúc ép, vắt kiệt sức mình bên những trang sách nhằm đem kiến thức “đối chọi” với những cuộc thi để giành danh tiếng, giành ánh hào quang về cho gia đình, cho nhà trường. 

Những đứa trẻ non nớt ngây thơ chỉ vì những ước vọng của người lớn bỗng chốc biến thành những chú “gà chọi” hiếu chiến trong cuộc “ganh đua” danh vọng. 

Nuôi con kiểu “gà chọi” hay “gà công nghiệp” không chỉ đem lại căng thẳng mệt mỏi cho chính phụ huynh mà còn làm cho những đứa trẻ ấy có lối sống thụ động, luôn dựa dẫm vào người khác và đánh mất luôn tuổi thơ đáng quý của mình.

Các vị phụ huynh nên giáo dục kĩ năng sống, hình thành nhân cách cho con trẻ từ sớm (Nguồn ảnh minh họa: mm12q3.hcm.edu.vn)
Các vị phụ huynh nên giáo dục kĩ năng sống, hình thành nhân cách cho con trẻ từ sớm (Nguồn ảnh minh họa: mm12q3.hcm.edu.vn)

Nuôi con kiểu “gà công nghiệp”

Chở con đến cổng trường tham dự kỳ thi quốc gia, người mẹ lật đật cầm hộp bút đưa cho cậu con trai cùng lời dặn “mẹ đã lấy đủ bút viết cho con rồi đây, kiểm tra lại lần nữa xem có thiếu thứ gì không?”. 

Miễn cưỡng mở hộp bút, cậu kêu lên: “thôi rồi, con dặn mẹ mua loại bút ngòi to một tí, mẹ mua bút ngòi nhỏ thế này khó viết lắm”. Nói rồi, cậu còn nhăn mặt cằn nhằn “mẹ làm việc gì cũng không xong, dặn đi dặn lại mỗi chuyện đấy mà cũng quên. Nhờ mẹ chẳng được gì hết”. 

Nghe cậu bé to tiếng với mẹ, một số người đứng bên nhìn tỏ vẻ khó chịu. Chị vội thanh minh cho con “cũng tại nó dặn rồi nhưng lu bu nhiều chuyện quên mất, ngỡ bút nào viết mà chẳng được nên mua liền mấy cái”. 

"Công nghiệp hay gà chọi” đều khổ như nhau ảnh 2

Bà mẹ "bênh" con

Nói rồi quay qua cậu bé, chị nói “đợi mẹ tí, còn sớm. Mẹ chạy ù mua ngay bây giờ”. Rồi chị quay đầu phóng xe đi rất nhanh. Chừng mươi phút sau đã có mặt tại cổng trường với một túi bút viết để đưa cho con vào lớp.

Tan buổi thi, cảnh một bà mẹ cứ chạy theo con tay đưa hộp sữa, miệng năn nỉ “uống đi con, uống cho lại sức chiều còn thi tiếp”. Cô bé tỏ ra khó chịu, ngúng nguẩy vừa đi vừa càu nhàu “đang nẫu hết cả ruột gan vì làm bài sai mà mẹ cứ nói nhiều mệt hết cả người”. 

Rồi cô bé còn lớn tiếng “con đã nói không uống là không uống, sao mẹ cứ lải nhải nhiều thế?”. Vừa nói cô bé vừa bước thẳng, người mẹ tay cầm sữa, tay vác ô chạy theo che nắng cho con. Nhiều ánh mắt nhìn vào ái ngại.

Buổi chiều, tình cờ lại ngồi cùng họ đợi con ở quán nước ven đường. Chị Lan mẹ bé Tuấn kể: “Nó ở nhà chỉ mỗi việc học, bao nhiêu việc đều bố mẹ làm cho hết nên quen rồi. Hôm nào tôi đi vắng, cũng phải chuẩn bị đồ ăn sẵn chứ không thì nhịn đói luôn vì đến pha mì tôm còn không biết làm”. 

Chị Mai mẹ bé Hoa cũng lên tiếng: “nghĩ con học hành vất vả nên tôi chẳng bắt nó làm gì cả, quần áo thay xong để ngay trong phòng, ăn uống cũng phải bưng đến tận miệng mà còn chê ỏng chê eo. Nay mai vào Sài Gòn học chẳng biết sẽ thế nào”.

Nuôi con kiểu “gà chọi”

Lễ Trung thu ở cơ quan có tổ chức cho con các cán bộ nhân viên, chị Thùy mẹ bé Khánh nói về con với niềm tự hào dâng đầy trong ánh mắt: “Cháu học suốt cả ngày đêm, năm học này giành luôn mấy giải thưởng nào là giải nhất Toán violimpic cấp tỉnh, giải nhì Anh văn cấp tỉnh và chuẩn bị thi giải quốc gia”. 

Nói rồi chị kể: ngoài việc học ở trường chị còn cho con học ở lò luyện toán nâng cao, trung tâm Anh ngữ…nên lịch học hầu như kín cả tuần. Mà nó học thế còn thua cô chị gái hiện đang học chuyên Toán của tỉnh”. 

Rồi chị kể cho mọi nghe về việc học, về hành trình chinh phục giải thưởng của cô con gái lớp 12. Để đạt được danh hiệu học sinh giỏi 12 năm liền, nhiều giải thưởng cấp thị, cấp tỉnh và cấp quốc gia, con gái chị học đêm học ngày mà ít khi có giờ giải trí. 

"Công nghiệp hay gà chọi” đều khổ như nhau ảnh 3

Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình?

Chị nói “do học nhiều nên nó bị cận thị nặng lắm rồi cô, dù biết vậy cũng phải ráng chứ biết làm sao? Thời buổi này học dốt là chẳng thể kiếm nổi việc làm”.

Học nhiều và học giỏi như con chị dù sao cũng mừng nhưng có không ít bố mẹ bắt ép con phải học bằng được để thi vào các trường chuyên lớp chọn. Do các em chỉ cần cù mà thiếu đi tố chất thông minh. Bởi thế, việc học càng vất vả gấp nhiều lần những học sinh khác. 

Gia đình chị phải mời cả thầy giáo dạy giỏi của một trường cấp 3 về kèm cho con cả năm với mức học phí khá cao để em đủ lực thi vào trường chuyên

Trẻ thiếu kĩ năng sống trầm trọng

Những đứa trẻ được bố mẹ bảo bọc chỉ dành thời gian cho việc học hành phần lớn đều thiếu kĩ năng sống. Có em chưa biết giặt đồ, chẳng biết nấu cơm; có em pha mì tôm bằng nước nguội; có em lại cầm bó rau muống không biết gọi tên; có em thì ngu ngơ hỏi con gà đẻ trứng hay đẻ con, tại sao con ếch là loài lưỡng cư, tại sao con bò này không có sừng?”…

Cha mẹ nào sinh con ra cũng mong con mình khỏe mạnh, thông minh và cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển. Nhiều người thể hiện tình thương bằng cách làm hết việc cho con để thời gian cho con học tập. Nhiều người lại suy nghĩ “cứ học giỏi sau này sẽ có tất cả”. 

Chính vì những tình thương, những tư tưởng kiểu ấy đã làm cho những đứa con dù thông minh nhưng dần trở thành thụ động, dù giỏi giang nhưng thiếu, và yếu các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này.

Phan Tuyết