Sáp nhập các tỉnh thành, bộ ngành với nhau sẽ giảm được biên chế rất lớn

02/12/2017 07:51
Trinh Phúc
(GDVN) - Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: “Trung Quốc có 1,3 tỉ dân mà họ có 36 tỉnh thành phố thì sao chúng ta có đến 63 tỉnh, thành phố".

Ngày 29/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khóa 12.

Tại đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy hành chính ở nước ta, ông Phạm Minh Chính cho biết, các nước trên thế giới trung bình có 12-16 bộ, trong khi Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ.

Nếu so sánh trong số những nước có điều kiện tương đồng về dân số, quy mô lãnh thổ, nước ta vẫn là nước có số đầu mối bộ, ngành cao nhất.

Sáp nhập các tỉnh thành, bộ ngành với nhau sẽ giảm được biên chế rất lớn ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp (ảnh quochoi.vn).

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Đồng Tháp từng có đề xuất sáp nhập một số bộ ngành và tỉnh thành để giảm biến chế, giảm đầu mối.

Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, ngày 30/11, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Theo ông Phạm Văn Hòa: “Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 đã ban hành nghị quyết, ông Phạm Minh Chính đang tổ chức triển khai.

Ý kiến của ông Phạm Minh Chính rất cụ thể, đã chỉ ra được hạn chế về bộ máy trong hệ thống chính trị của nước ta vừa cồng kềnh, tầng nấc kém hiệu lực, hiệu quả”.

Sáp nhập các tỉnh thành, bộ ngành với nhau sẽ giảm được biên chế rất lớn ảnh 2Phình to biên chế là do trên nói dưới không nghe, coi thường kỷ cương phép nước

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng:

“Thực tế, nước ta có rất nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh, dân số trên dưới 100 triệu dân nhưng có tới 63 tỉnh thành.

Có những tỉnh thành có mấy trăm nghìn dân thôi. Việc có quá nhiều tỉnh thành đã góp phần làm tăng biên chế.

Rồi có nhiều bộ, ngành là thành viên Chính phủ. So với các nước trên thế giới thì nhiều nước có số bộ ngành ít hơn.

Nhiều nước có 15 đến 16 bộ thì nước ta có đến 22 bộ ngành. Đó là điều đáng quan tâm, suy nghĩ.

Sắp tới sau khi Quốc hội sửa lại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương… thì tôi nghĩ rằng cũng cần sắp xếp lại các Bộ. Tổ chức Chính phủ phải sáp nhập một số bộ ngành lại chứ không thể để nhiều như hiện nay.

Đặc biệt, những bộ ngành trùng chức năng, nhiệm vụ với nhau là phải có hình thức sáp nhập lại để giảm bớt bộ. Khi giảm bớt bộ, giảm bớt tỉnh thì bộ máy sẽ trở nên gọn nhẹ hơn”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: “Trung Quốc có 1,3 tỉ dân mà họ có 36 tỉnh thành phố thì sao chúng ta có đến 63 tỉnh, thành phố.

Trung Quốc dân số đông, đất đai rộng lớn nhưng vẫn điều hành được và trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam của chúng ta là một nước đang phát triển, số lượng tỉnh thành phố 63 tỉnh thành là quá nhiều nên cần sắp xếp lại, như Hà Tây nhập vào Hà Nội.

Sáp nhập các tỉnh thành với nhau sẽ giảm được biên chế rất lớn, đặc biệt giảm kinh phí, giảm đầu mối. Làm như vậy việc quản lý đất nước sẽ hiệu quả, tập trung hơn”.

Sáp nhập các tỉnh thành, bộ ngành với nhau sẽ giảm được biên chế rất lớn ảnh 34 triệu người đang nhận lương, phụ cấp từ ngân sách, chưa tính Công an, Quân đội

Phân tích sâu thêm về những lợi ích khi sáp nhập các bộ ngành, tỉnh thành lại với nhau ông Hòa nhận định:

“Ít bộ ngành, ít tỉnh thì mình quản lý được tốt hơn. Thay vì đi thanh tra, kiểm tra, kiểm soát 63 tỉnh thành thì bây giờ giảm còn 50 tỉnh thành chẳng hạn.

Tại sao, chúng ta không làm điều đó để bộ máy được tinh gọn. Mình nói giảm biên chế, đầu mối trung gian nhưng chỉ mới làm ở cấp độ tổng cục, cục chứ chưa nói đến cấp bộ, tỉnh. Tôi cho rằng, sắp tới cũng nên có nghị quyết.

Theo tôi, lúc đầu có khó khăn như Hà Tây nhập vào Hà Nội đặc biệt là vấn đề sắp xếp con người nhưng vấn đề này chỉ cần một, hai năm sẽ sắp xếp ổn.

Chúng ta giải quyết rốt ráo vấn đề con người tốt thì nhanh chóng được ổn định. Làm như vậy vừa tinh giản được biên chế, tiết kiệm được ngân sách, cơ sở vật chất”.

Phân tích thêm, ông Phạm Văn Hòa cho rằng: “Vấn đề chính sách con người phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch để sắp xếp. Số dư ra khi sáp nhập bộ, tỉnh cần có chế độ tìm công việc phù hợp.

Cái khó khi nhiều trưởng nhập lại nhưng chỉ có một trưởng được giữ chức. Do đó, các trưởng khác phải thành phó, các phó về làm các trưởng phòng… đó là cái khó.

Nhưng khó vẫn làm được, Hà Tây nhập vào Hà Nội làm được đến nay đi vào hoạt động rất tốt. Tôi nghĩ các tỉnh thành khác cũng làm được.

Không phải nói chủ quan đâu, thực tiễn đã chứng minh sẽ làm được nếu có quyết tâm.

Nếu thông qua người dân sẽ đồng tình ủng hộ vì hiệu quả hơn”.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, việc sáp nhập các đơn vị hành chính tiến hành tuần tự, ví dụ nhập các xã có dân số, diện tích thấp thành một xã. Xã nhập lại rồi, thì huyện cũng nhập lại với nhau… Các huyện nhập lại được với nhau không lý do gì không nhập được các tỉnh thành.

Sáp nhập bộ, tỉnh phải thực hiện các bước đi phù hợp, tuần tự, bước đầu khó khăn nhưng sau đó sẽ có hiệu quả”.

Trinh Phúc