Biên chế không giảm còn tăng
Ngày 29/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Tại đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng: “Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên.
Theo Nghị quyết 39, mỗi năm cả nước phải tinh giản 70.000 người, thế nhưng sau 2 năm thực hiện thì thực tế lại tăng lên 96.000 người.
Bên cạnh đó, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều, chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan trung ương còn nhiều”.
Theo ông Phạm Minh Chính, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó. Đã thế, việc quy định “hàm” còn bị lạm dụng.
Có Bộ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có đơn vị còn có tới 19 hàm phó vụ trưởng.
Ông Phạm Minh Chính còn cho rằng: “Đến nay chưa có ai được khen thưởng hay kỷ luật liên quan đến việc công tác tinh giảm biên chế”.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (ảnh nguồn giaoduc.net.vn). |
Bình luận về những thông tin ông Phạm Minh Chính chỉ ra, ngày 30/11 trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng: “Qua số liệu mà ông Phạm Minh Chính đưa ra cho thấy bức tranh tổ chức bộ máy biên chế cũng như lãnh đạo đặc biệt cấp phó nó phình ra.
Điều này thể hiện sự thiếu nghiêm túc trong tổ chức thực hiện nên đã vẽ ra bức tranh rất u ám về tình hình biên chế làm cho người dân, dư luận rất bức xúc và nghi ngờ”.
Theo ông Lê Văn Cuông: “Vấn đề hiện nay, chúng ta đã có mục tiêu cụ thể nhưng không thực hiện nghiêm để lại hậu quả lớn, ảnh hưởng đến nền tài chính Quốc gia, làm cho bộ máy nó phình ra, cồng kềnh, gây ra mất cân đối trong chi tiêu.
Nó sinh ra tệ nạn chạy chọt, tạo biên chế, rồi chất lượng đội ngũ”.
4 triệu người đang nhận lương, phụ cấp từ ngân sách, chưa tính Công an, Quân đội |
Ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh: “Vấn đề này đã đến một giai đoạn trầm trọng không thể chịu đựng được nữa. Không thể không giải quyết mà phải tập trung giải quyết một cách rất là căn cơ.
Theo tôi, bây giờ phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đặc biệt phải tăng cường chế tài xử lý nếu không trên cứ nói, văn bản cứ ban hành nhưng người ta lại thực hiện theo ý đồ cá nhân”.
Con đẻ của tệ chạy chọt, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi
Phân tích sâu hơn nguyên nhân để xảy ra tình trạng này, vị này cho biết: “Để xảy ra tình trạng này đều xuất phát từ lợi ích cá nhân.
Trong thời điểm này, càng nhiều biên chế, hợp đồng thì những người có liên quan và đặc biệt người đứng đầu càng được lợi ích nhiều.
Tăng biên chế thì đưa được con em vào, được chạy chọt, hối lộ. Tăng biên chế được thêm kinh phí để chi tiêu.
Ví dụ, tăng một suất biên chế được 50 – 60 triệu đồng một năm. Việc tăng biên chế được lợi mọi mặt cho thủ trưởng cơ quan từ khâu tuyển dụng, chạy chọt vào viên chức nhà nước.
Hai nữa, tăng biến chế thì cơ quan càng đông càng nhẹ việc, càng thể hiện cơ quan mình hùng mạnh”.
Trước thắc mắc, biên chế cứ phình ra nhưng việc tăng biên chế chẳng ai bị kỷ luật, chẳng ai nhắc nhở, ông Lê Văn Cuông đặt nghi vấn: “Tại sao quy định đề ra như thế người ta thực hiện không nghiêm, vô tâm, không có chế tài xử lý và không có tác động cấp có thẩm quyền xem xét vấn đề này.
Đây là một vấn đề tôi cho rằng do buông lỏng quản lý, chủ trương, phép nước không nghiêm nên xảy ra việc trên nói dưới không nghe. Dưới làm sai trên chả làm gì được.
Việc, không có chế tài để xử lý, không có biện pháp ngăn chặn làm cho dư luận rất bức xúc và nghi ngờ có vấn đề”.
Phân tích sâu hơn hệ quả xấu mà thực trạng phình biên chế, tăng cấp phó, hàm phó mang lại, nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Việc cơ quan đơn vị bổ nhiệm nhiều cấp phó, có những đơn vị gần 100% lãnh đạo, có những vụ cấp phó, cấp hàm quá đông rất là làng phí và tạo gánh nặng cho ngân sách.
Mỗi chức danh đều có phụ cấp, chế độ ngoài ra còn điều kiện làm việc, phương tiện, giao thông liên lạc, phòng làm việc. Thành ra, đã tăng biên chế, tăng cấp lãnh đạo sẽ tiêu tốn chi phí ngân sách nhà nước rất lớn.
Đây là tồn tại hiện nay rất bức xúc mà Nghị quyết TW 6 vừa qua đã có những biện pháp để chấn chỉnh vấn đề này không thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường phải đối mặt.
Thời cơ chấn chỉnh và thực hiện nghiêm nghị quyết TW 6
Để chấm dứt được tình trạng phình biên chế, bộ máy nhà nước cồng kềnh, tốn kém, lãng phí, ông Lê Văn Cuông hiến kế. Theo đó, trước hết phải tổng rà soát lại thực trạng biên chế.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đơn vị thì quy định vị trí việc làm, xác định số lượng biên chế cho từng đơn vị.
Trên cơ sở đó thực hiện khoán biên chế. “Nhiệm vụ của anh chỉ được từng ấy biên chế, tổng số tiền được từng ấy.
Nếu đơn vị nào giảm thì số tiền đó được hưởng, được nâng mức thu nhập cho những người thực hiện. Còn nếu như tăng người thì cũng chỉ được từng ấy tiền, buộc phải san sẻ điều đó công bằng.
Hiện nay tuyển dụng vào có lợi ích kèm theo nên người ta hăng hái làm điều đó.
Ngoài ra, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện dựa trên quy định. Nếu cơ quan thực hiện không nghiêm, để vi phạm phải có chế tài mạnh, phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu” - vị này nói.
Có liên quan đến vấn đề chạy chức chạy quyền
Liên quan đến thực trạng nhiều cơ quan thừa cấp phó, ông Lê Văn Cuông giải thích: “Việc thừa cấp phó, nhiều cấp phó có liên quan đến vấn đề chạy chức chạy quyền.
Cấp trưởng chỉ có một thôi vì “một nước không thể có hai vua”. Một đơn vị một cấp trưởng trong khi cấp phó được bổ nhiệm vô tội vạ, có đơn vị cấp trưởng, cấp phó gần 100%.
Ai cũng muốn làm lãnh đạo vì làm lãnh đạo vừa được tiếng lại được miếng. Những người đứng đầu cơ quan càng hăng hái bổ nhiệm vì được cả ân huệ, cả tiền, cả tình cảm.
Tôi cho rằng, cơ quan chỉ có lãnh đạo mà không có nhân viên là chuyện nực cười, không chấp nhận được.
Trong cơ chế dễ dãi, chả mất gì nên người ta cơ hội. Khi quyền lực không bị hạn chế, không được giám sát, trừng trị nên vì lợi ích cá nhân nên có tình trạng bổ nhiệm rất nhiều cấp phó là như vậy.
Nếu chống được cái này, nhà nước phải có quy định cụ thể số lượng cấp phó. Anh nào vi phạm xử lý nghiêm và phải có quy định công khai”.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng: “Thông tin biên chế, cấp phó, hàm cấp phó cần được công khai minh bạch.
Phải công khai tổ chức nhân sự trên cổng thông tin điện tử, trên báo chí về tổ chức phòng ban, mỗi phòng ngoài cấp trưởng mấy cấp phó, hiện tại biên chế bao nhiêu.
Hiện đang thực hiện chủ trương Chính phủ điện tử, công nghệ thông tin nên rất thuận lợi để thực hiện. Nếu làm chính đáng, minh bạch thì các đơn vị đó sẽ sẵn sàng công khai không úp mở, còn nơi nào thậm thụt là có vấn đề, không trong sáng.
Tôi ủng hộ tất cả những gì không phải diện bí mật đề nghị các cơ quan đơn vị phải công khai để dư luận và mọi người biết giám sát.
Cần thiết phải công khai minh bạch tổ chức bộ máy, biên chế, cũng như các chức danh trong đơn vị để người dân nắm được, giám sát vấn đề này”.