Huyện đảo Bạch Long Vỹ cách thành phố Hải Phòng khoảng 130 km (mất khoảng 7 giờ chạy tàu)..
Với đặc thù huyện đảo nên cùng với điều kiện kinh tế, xã hội thì việc học hành tại hòn đảo này còn gặp nhiều khó khăn.
Thầy giáo Ngô Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vỹ cho biết: Năm học 2019 - 2020, toàn trường có 46 học sinh theo học với 2 cấp tiểu học và mầm non, trong đó, học sinh mầm non là 26 cháu còn lại 20 em học sinh tiểu học.
Trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vỹ chỉ có 8 giáo viên, trong đó có 1 cán bộ quản lý (thầy Ngô Quang Minh).
Lớp học trên đảo Bạch Long Vỹ luôn rộn rã tiếng cười (Ảnh: CTV) |
“Học sinh ngoài đảo có nhiều thiệt thòi do cơ sở vật chất hạn chế nên phần lớn học sinh có theo học ngoài đảo cũng chỉ hết lớp 3, sau đó được bố mẹ gửi vào đất liền để có điều kiện tốt hơn”, thầy Minh chia sẻ.
Tuy điều kiện ngoài đảo xa xôi, vất vả hơn so với các nhà trường trong đất liền nhưng các thầy cô giáo của Trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vỹ rất kiên định và nguyện gắn bó với trường bằng cả sự nghiệp của mình.
Ở trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vỹ, giáo viên trẻ tuổi nhất là 32 tuổi song cũng có đến 6 năm gắn bó với nhà trường và học trò.
Tiêu biểu trong số các giáo viên phải kể đến các cô giáo: Lưu Thị Thoa, Phạm Thị Ngoan, Vũ Thị Hà, thầy Bùi Hữu Bí, trong đó, cô giáo Vũ Thị Hà (sinh năm 1969), đã có 23 năm công tác ngoài đảo.
Mặc dù, chồng và con cô Hà đều ở trong đất liền nhưng bằng tình yêu nghề mến trẻ cô đã nguyện gắn bó với ngôi trường huyện đảo xa xôi.
Lễ khai giảng giữa đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ |
Cô giáo Vũ Thị Hà vui vẻ cho biết: “Tôi gắn bó với đảo 23 năm, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành.
Có nhiều em đã quay về đảo công tác, xây dựng gia đình, sinh con. Và đến bây giờ, cũng chính tay tôi lại dạy dỗ con của các em đó”.
Theo cô giáo Hà, trường học ít trò nhưng mỗi em một hoàn cảnh, đa phần các em là con ngư dân, bố mẹ lênh đênh trên biển ít có thời gian chăm lo cho con cái.
Biết học trò thiệt thòi nên tôi càng thương yêu, dạy dỗ đủ điều. Sau mỗi buổi học, cô Hà không quên dặn các con 10 việc về nhà cần làm giúp bố mẹ. Nên em nào cũng chăm ngoan, chịu khó và rất lễ phép.
Còn cô giáo Lưu Thị Thoa chia sẻ: “Theo chồng ra đảo, tôi cũng chuyển công tác ra đảo.
Ban đầu ra đây thiếu thốn đủ thứ, nhưng hơn chục năm trên đảo gắn bó với sự nghiệp giao dục tôi thêm gắn bó và yêu trẻ vô cùng”.
Với các thầy cô giáo đang công tác tại Bạch Long Vỹ, tuy mỗi người một hoàn cảnh, một lý do chọn nghề “đưa đò” giữa trùng khơi nhưng với họ có một điểm chung là tình yêu nghề, mến trẻ.
Và với những đứa trẻ nơi hòn đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ các cô giáo chính là mẹ hiền thứ 2 của chúng.