Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Lai Châu) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ (Lai Châu) về tội tham ô tài.
Hai bị can vừa bị khởi tố là Nguyễn Thị Minh Liễu (SN 1973), kế toán trưởng và Trần Thị Huệ (SN 1972), thủ quỹ - Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ. Số tiền tham ô được xác định là 26,5 tỉ đồng và tiền bị hai bị can này ăn chặn là tiền hỗ trợ cho học sinh dân tộc ít người và tiền chi thường xuyên của đơn vị.
Quyết định khởi tố bị can Trần Thị Huệ (Ảnh: VOV.vn) |
Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan điều tra thì từ 2017 tới 5.2019, hai bị can Liễu và Huệ đã nhiều lần rút tiền hỗ trợ chính sách cho học sinh dân tộc ít người.
Số tiền trên được các bị can dùng vào mục đích chi tiêu cá nhân và không có khả năng chi trả. Trong đó, đối tượng Liễu được xác định là chủ mưu, đối tượng Huệ là người tiếp tay giúp sức.
Có thể nói đây là việc làm táng tận lương tâm của kế toán và thủ quỹ ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ (Lai Châu) bởi Sìn Hồ đang là 1 trong số 61 huyện nghèo nhất cả nước.
Được biết, số thu ngân sách địa bàn của cả 80 ngàn dân của huyện Sìn Hồ chỉ đạt 29,5 tỉ đồng/ năm. Nơi đây, có tỉ lệ tới 40,79% là hộ nghèo và cộng cả hộ cận nghèo thì tỉ lệ lên đến hơn 50%.
Với nguồn thu như vậy, với số hộ nghèo, cận nghèo như thế để hiểu số tiền mà 2 bị can tham ô lên đến 26,5 tỉ đồng thì nó sẽ lớn đến nhường nào so với cuộc sống của người dân nơi đây!
Số tiền ấy, nếu không bị các bị can này tham ô thì có lẽ cuộc sống của hàng ngàn học ở đây đỡ vất vả hơn biết bao nhiêu, các chế độ của giáo viên ở các trường học sẽ đỡ cơ cực biết chừng nào.
Số tiền ấy quá lớn so với 2 cán bộ của Phòng Giáo dục và càng lớn hơn khi số tiền ấy là chế hộ của hàng ngàn học sinh và giáo viên trong thời gian 3 năm mà nhà nước đã cấp kinh phí, hỗ trợ cho học sinh nghèo mang một ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám nói không ăn, cũng không làm một mình |
Thế nhưng, số tiền ấy đã bị Liễu và Huệ là kế toán và thủ quỹ của Phòng Giáo dục Sìn Hồ tham ô để chi tiêu vào mục đích cá nhân và giờ đây không còn khả năng trả lại. Điều này cũng đồng nghĩa số tiền này sẽ khó có thể thu hồi lại được.
Án tù là chuyện đương nhiên đối với 2 bị can này nhưng án tù để làm gì khi niềm tin đã mất, khi nó làm giảm đi uy tín của ngành, của địa phương. Nhất là đối với huyện Sìn Hồ- một trong những huyện nghèo nhất cả nước nước, đang rất cần sự chung tay của nhiều ban ngành, cá nhân giúp đỡ để phát triển.
Chuyện ăn chặn tiền của học sinh không còn là chuyện hiếm!
Nếu tra từ khóa “ăn chặn tiền của học sinh nghèo” trên goole.com thì chỉ trong tích tắc có hàng ngàn kết quả được hiển thị.
Lướt qua các bài viết này, chúng ta thấy không chỉ cán bộ Phòng Giáo dục ăn chặn mà nhiều đơn vị trường học cũng ăn chặn tiền của học sinh nghèo. Có nơi vài chục triệu đồng, có nơi lên đến nhiều tỉ đồng.
Trong khi đó, Đảng- Nhà nước đang có những chủ trương, chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số có cơ hội được cắp sách đến trường. Những chính sách này nhằm thu hẹp khoảng cách trình độ mọi học sinh trong cả nước cũng như mở ra cơ hội đến trường cho mọi học sinh.
Thế nhưng, chính sách này đã bị một số cán bộ, quản lý, kế toán một số địa phương, trường học trục lợi.
Họ im lặng nhận tiền rồi lờ đi việc chi trả cho học sinh các đơn vị trường học, một số trường học nhận về cũng “quên” cấp phát cho học sinh của mình. Đồng tiền đã làm lóa mắt một số cán bộ ngành giáo dục khi họ quên đi những học sinh nghèo đang rất cần sự hỗ trợ của xã hội.
Bớt xén tiền ăn của học sinh- nỗi xót xa về đạo đức người thầy! |
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì vụ việc 2 bị can Nguyễn Thị Minh Liễu và Trần Thị Huệ ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ có thể hưởng một mình được hay không nếu không có những chữ ký cần thiết khi họ rút tiền từ ngân sách nhà nước?
Hoặc một số kế toán nhà trường liệu có "ăn" một mình được hay không khi không có chữ ký của hiệu trưởng nhà trường? Việc nhận và cấp phát các khoản kinh phí, chế độ đối với các đơn vị diễn ra trong phạm vi quản lý của người đứng đầu đơn vị lẽ nào họ lại không hay biết?
Chính vì thế, ngoài việc thanh tra, quản lý cán bộ, các đơn vị giáo dục thì việc luân chuyển cán bộ quản lý, kế toán trường học, Phòng Giáo dục cũng là điều vô cùng cần thiết ở các địa phương.
Thực tế, việc luân chuyển, điều động cán bộ thường chỉ xảy ra với Trưởng phòng Giáo dục, Ban giám hiệu chứ đội ngũ kế toán, thủ quỹ thường rất ít được chú trọng, dù các hướng dẫn đã thể hiện rất rõ về việc này.
Nhiều kế toán của Phòng Giáo dục hay các trường học làm rất lâu tại một đơn vị và không được luân chuyển, điều động đã dẫn đến việc họ đã quen với “đường đi, nước bước” và đôi khi để lại những hậu quả lớn cho đơn vị.
Những sự việc ăn chặn tiền của học sinh, của giáo viên vẫn cứ âm thầm xảy ra khiến cho những người được thụ hưởng chính sách không được hưởng. Trong khi, những kẻ cơ hội thì tìm kẽ hở để làm càn.
Hàng chục tỉ đồng mà 2 cán bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ (Lai Châu) bị mất không chỉ là mất tiền mà nó còn đặt ra nhiều vấn đề khác nữa cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý cán bộ và tài sản nhà nước.
Một khi tiền đã mất, không có cơ hội thu hồi lại thì án tù dành cho những con người này cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì! Các chính sách an sinh xã hội của nhà nước đã không được thực hiện một cách thấu đáo và niềm tin sẽ bị lung lay vì một số cán bộ tha hóa này.
Tài liệu tham khảo:
//laodong.vn/su-kien-binh-luan/2-can-bo-3-nam-va-265-ti-an-chan-cua-hoc-sinh-ngheo-765676.ldo