Sau cuộc hội đàm và đi đến ký kết nhiều nội dung quan trọng hợp tác giữa hai quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Narendra Modi đã cùng khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng an ninh trong thời gian tới.
Cụ thể, hai bên đều khẳng định chính sách nhất quán của mỗi nước luôn coi trọng việc gìn giữ và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác Đối tác chiến lược giữa hai nước. Ấn Độ đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong ASEAN và khu vực. Việt Nam khẳng định ủng hộ Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á, cũng như ủng hộ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ ở trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác cụ thể về quốc phòng an ninh, một trụ cột quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược hai nước, cũng như tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục, kết nối về hàng không và hàng hải, du lịch và giao lưu nhân dân.
Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS-1982), thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), sớm xây dựng và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy những hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc. Ảnh: VGP. |
Hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực: Cùng phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như dầu khí, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, hóa chất, phân bón, dược phẩm, chế biến nông sản...
Ấn Độ nhất trí sẽ tăng cường giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành dệt may. Việt Nam cam kết sẽ tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) của Ấn Độ.
Việt Nam đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông và việc Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tôi tin rằng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ sẽ phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Về phía Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cũng tuyên bố: “Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Ấn Độ cam kết hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa lực lượng quốc phòng và an ninh. Việc này bao gồm việc mở rộng các chương trình đào tạo vốn đã là nền tảng quan trọng, triển khai các cuộc tập trận chung và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai gói tín dụng 100 triệu đô la Mỹ giúp Việt Nam mua sắm các tàu tuần tra mới từ Ấn Độ.
Chúng tôi đã thống nhất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, trong đó có hợp tác chống khủng bố. Chúng tôi cũng đã thống nhất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, bao gồm các ứng dụng liên quan đến vũ trụ, việc phóng các vệ tinh của Việt Nam và sử dụng năng lượng nguyên tử dân sự vì mục đích hòa bình”.