Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ngành giáo dục huyện An Dương (Hải Phòng) vừa xảy ra vụ việc đáng tiếc khi nữ giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, chủ nhiệm lớp 3A5 trường tiểu học An Đồng đã có hành vi phi giáo dục khi phạt em Phạm P.A học sinh lớp này uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng chỉ vì em này nói chuyện trong lớp.
Ngay sau sự việc xảy ra, các cơ quan ban ngành đã nhanh chóng vào cuộc.
Xác định vụ việc, cô giáo Minh Hương đã vi phạm điều 6, Quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Ngày 5/4, Hiệu trưởng trường tiểu học An Đồng là bà Trần Thị Ngọc Bảo đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với cô giáo Minh Hương.
Bên cạnh đó, gia đình cựu cô giáo phải đưa bé P.A đi khám sức khỏe và chịu mọi phí tổn.
Tuy nhiên, buổi khám ngày 6/4 đã diễn ra không được suôn sẻ vì bà Tạ Bích Ngọc, mẹ đẻ cựu cô giáo Hương đã có hành động không đúng mực.
Chính hành động không đúng mực của bà Ngọc đã khiến gia đình bé P.A cảm thấy buổi khám sức khỏe đó không khách quan, hai bên đã có lời qua tiếng lại.
Sự việc diễn ra thật đáng tiếc với cách hành xử của người lớn dẫn đến việc thiệt thòi cho con trẻ.
Cô Hương đã có bản kiểm điểm nhưng cô có ý thức được hậu quả mình đã gây ra cho em P.A? (Ảnh: L.C) |
Đáng nói mẹ của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương là bà Tạ Thị Ngọc, đang là đương kim Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương.
Có thể thấy cựu cô giáo Minh Hương đã được sinh trưởng và dạy dỗ trong một gia đình có truyền thống.
Hơn thế nữa, theo thông tin từ website của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương, bà Ngọc phụ trách mảng bồi dưỡng giáo viên, phụ trách chuẩn Hiệu trưởng, chuẩn giáo viên tiểu học.
Khám sức khỏe học sinh uống nước giẻ lau bảng có diễn biến phức tạp |
Nghĩa là về mặt nghiệp vụ bà Ngọc chính là người bồi dưỡng nghiệp vụ cho chính con mình.
Con bà Ngọc, cựu cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương từng tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế và văn bằng sư phạm tiểu học của cô giáo là văn bằng 2, và mới chỉ tốt nghiệp từ tháng 8/2017, nghĩa là cô Hương đứng lớp chưa đầy 1 năm.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc có hay không sự tác động của bà Ngọc đối với nhà trường khi đưa cô Hương đứng lớp nhanh chóng như vậy.
Với kinh nghiệm còn non kém, cô Hương đã được cho chủ nhiệm lớp và mắc sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh nghề giáo.
Cổ nhân có câu “con dại, cái mang”, bà Ngọc có thương con, muốn đi cùng con gái đưa em P.A đi khám sức khỏe, khắc phục hậu quả con gái mình gây ra, đó cũng là điều nên làm.
Thế nhưng, mẹ của cô giáo Hương là người có học thức, làm việc trong môi trường giáo dục, hơn thế lại là người quản lý lại có hành động không đúng mực trong buổi khám bệnh cho em P.A.
Hành động giật kết quả xét nghiệm của bà Ngọc không phải là hành động đáng có của một nhà giáo.
Lẽ ra con gái mình có lỗi, thì cần phải đến hỏi thăm tình hình sức khỏe P.A và xin lỗi gia đình vì “con dại cái mang”, đưa bé đi khám bệnh cần những hành động ân cần thăm hỏi.
Thế nhưng, bà Ngọc đến bệnh viện giật phăng tờ kết quả xét nghiệm từ tay gia đình em P.A, còn người nhà của cựu cô giáo cho trẻ uống nước giẻ lau cho rằng việc này bồi thường là xong.
Những hành động, những phát ngôn như vậy rõ ràng không cho thấy sự chân thành khắc phục hậu quả tai họa mà con gái của họ đã gây ra.
Cô Hương đã mắc sai lầm nhưng mẹ của cô còn mắc sai lầm lớn hơn khi làm sự việc càng thêm phức tạp.
Và đỉnh điểm của những hành động như thế, gia đình bé P.A đã làm đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng đề nghị làm rõ hành vi của cô Minh Hương có vi phạm pháp luật không. Đến nay, gia đình cũng không tha thứ cho hành động phản giáo dục của cô Minh Hương.
Trong biên bản làm việc của nhà trường không hề nói đến việc phi phạm đạo đức nhà giáo của cô Minh Hương và cũng không nhắc đến việc chấm dứt hợp đồng lao động. (Ảnh: LC) |
Bên cạnh đó, dư luân cũng đã đặt câu hỏi về việc xử lý vụ việc tại Tiểu học An Đồng có đảm bảo khách quan khi mẹ cô Hương là bà đương kim phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, lại phụ trách chuẩn Hiệu trưởng, chuẩn giáo viên tiểu học.
Cần phải nhắc lại rằng trong biên bản làm việc ngày 4/4 tại trường Tiểu học An Đồng, sự việc cô giáo ép học sinh uống nước giẻ lau bảng chỉ dừng lại ở việc xin lỗi và khép lại.
Trong biên bản làm việc, Ban giám hiệu, Ban trung tâm, Hội đồng sư phạm nhà trường đã họp và thống nhất hình phạt: “phê bình cô Nguyễn Thị Minh Hương trước toàn thể Hội đồng sư phạm và kỷ luật giáo viên này bằng hình thức cảnh cáo”.
Trong lời xin lỗi, cô giáo Minh Hương cũng viết là “nếu lần sau tái phạm thì sẽ chịu sự kỷ luật của nhà trường”.
Biên bản làm việc không hề nhắc tới việc vi phạm đạo đức nhà giáo và cũng không có lời nào nói đến việc chấm dứt hợp đồng lao động với cô Nguyễn Thị Minh Hương.
Cách xử lý này, của nhà trường gần như coi rằng chuyện giáo viên bạo hành học sinh trong trường là chuyện nhỏ.
Ngày 5/4, sau khi thông tin phản ánh trên báo chí, dư luận đã phẫn nộ, buộc các cơ quan chức năng huyện An Dương phải vào cuộc.
Nếu không có sự vào cuộc của báo chí vụ việc có lẽ đã khép lại theo biên bản làm việc của nhà trường.
Dưới áp lực của dư luận, cô Hương đã nhận ra lỗi lầm của mình và hậu quả của hành động của mình đối với ngành giáo dục, nhưng có lẽ cô chưa nhận ra lỗi lầm và hậu quả của mình đã gây ra cho em P.A.
Bởi cô được bao che bởi người mẹ có quyền lực, bởi cách bảo vệ con bằng những hành động không giống của một nhà giáo.
Và dư luận sẽ còn thắc mắc bà Ngọc là một cán bộ giáo dục có hành động như vậy thì bà Ngọc còn dạy ai? Bồi dưỡng nghiệp vụ cho ai nữa?