Câu chuyện đề thi, đề trùng đề, đề giống y chang đề trên mạng hay sách tham khảo đang được nhiều bạn đọc quan tâm.
giống nhau bất thường giữa đề thi môn toán lớp 10 giống với đề thi thử của Trường THCS Nguyễn Bá Loan. (Tin 247.com) |
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao lại có chuyện như thế? Trong khá nhiều nguyên nhân, ở bài viết này, chúng tôi chỉ làm rõ một trong những nguyên nhân chính đó là năng lực giáo viên.
Nhiều giáo viên không có khả năng ra đề thi
Nói điều này, chúng tôi cũng lấy làm xấu hổ vì sẽ có người nói rằng là soi mói, vạch áo cho người xem lưng. Thế nhưng không chỉ rõ những bất cập, tồn tại để có hướng khắc phục thì sẽ chẳng bao giờ có thể chấm dứt được những chuyện buồn trong thi cử thế này.
Thầy H. Tổ trưởng tổ Toán một trường phổ thông trung học (xin được giấu tên) cho biết: “Tổ mình có 8 giáo viên nhưng phải có đến 4 thầy cô không có khả năng ra đề kiểm tra chứ nói gì đến đề thi”.
Rồi thầy H. nói thêm, vì trình độ giáo viên như thế nên chỉ dám phân công cho dạy lớp 10. Thế mà có nhiều học sinh phản ánh con làm bài đúng cô gạch sai. Bạn làm bài sai thì cô cho đúng.
Tìm hiểu ra, vốn khả năng toán của cô hạn chế nên những bài toán trong sách cô đều giải sẵn trước khi dạy. Khi giảng, đôi khi cô còn phải nhìn giấy nên khi gọi học trò làm bài, cô cứ nhìn đáp án của mình mà chấm.
Thế nhưng, có một số học sinh nổi bật trong lớp lại không làm theo cách thông thường của cô. Các em có nhiều cách giải sáng tạo, thế là cô không đồng ý và chấm sai.
“Cô dạy kiến thức trong sách giáo khoa còn thế, thử hỏi ra đề kiểm tra có nổi không?”Rồi thầy H. kết luận: “Ngoài tổ Toán, thì tổ Lý, Hóa, Sinh cũng có khá nhiều giáo viên như vậy”.
|
Thầy Th. Tổ trưởng môn Ngữ Văn cũng cho biết, một số giáo viên trong tổ khi xác định các thành phần trong những câu đơn giản còn sai, dạy văn mà chưa đọc được hết các tác phẩm bắt buộc trong chương trình thì bài giảng chỉ quẩn quanh với vài đoạn trích trong sách. Trình độ như thế, liệu có ra nổi đề kiểm tra chứ nói gì đề thi?
Sao y, copy, dán đề có được đề kiểm tra là cách mà nhiều giáo viên đang sử dụng
Hiện ở các trường kể cả 3 cấp học, giáo viên phải tự ra đề kiểm tra để nộp về trường.
Không giống những đề kiểm tra thông thường trên lớp tự thầy cô ra, chấm điểm và vào sổ. Đề kiểm tra (với tiểu học là 4 -6 lần/năm học) nhưng hai bậc học còn lại ngoài đề kiểm tra học kỳ, cả năm còn liên tục có đề kiểm tra 1 tiết.
Đề nộp về trường phải ra theo ma trận bắt buộc, phải đảm bảo những yếu tố như nhận biết, thông hiểu và vận dụng cùng barem điểm hợp lý. Đã thế, những câu hỏi đưa ra phải hệ thống được kiến thức của cả một quá trình vừa học của học sinh.
Để ra một cái đề hoàn chỉnh, đúng yêu cầu, giáo viên ngoài sự chăm chỉ còn phải có năng lực. Vì thế, điều này là vô cùng khó với những giáo viên năng lực chuyên môn yếu.
Thế là, cách mà họ hay sử dụng là xin đề nhiều nơi khác về sửa tên thành của mình mang nộp. Người này xin của người kia, người kia xin của người nọ.
Cái đề cứ được chuyển tới chuyển lui, quay lòng vòng từ trường này qua trường khác, hoặc từ địa phương này đến địa phương khác, đôi khi còn vượt ra khỏi tỉnh thành.
Bởi thế, mới xảy ra tình trạng hai cái đề ở hai huyện thị thậm chí là hai tỉnh lại y chang nhau, kể cả giống từng lỗi chính tả, giống cả những cái sai.
Vì đâu nên nỗi?
Chất lượng giáo viên bậc học phổ thông hiện khá thấp mà nguyên nhân chủ do công tác tuyển sinh đầu vào quá thấp.
Một bộ phận giáo viên giảng dạy khoảng 20 năm có nhiều thầy cô chỉ đi học cấp tốc. Vốn dĩ lực học ở cấp 3 đã yếu (vì thi tiểu học, trung học cơ sở cũng không đỗ) nhưng vẫn đỗ cấp 3 hệ cấp tốc.
Học lực yếu lại chỉ được đào tạo ngắn hạn do tỉnh thiếu giáo viên.
Mặc dù những giáo viên này, theo thời gian cũng đã lấy bằng đại học, có người lấy bằng thạc sĩ. Thế nhưng trình độ văn hóa có được nâng lên nhưng nhận thức hình như vẫn đứng yên tại chỗ.
Một bộ phận giáo viên khác thi điểm đầu vào chỉ đạt 9-12 điểm 3 môn nhưng vẫn được nhiều trường cao đẳng, đại học tuyển vào khoa sư phạm.
Những giáo viên này sau vài năm học ra trường đi dạy chuyên môn thật vẫn luôn xếp yếu, trung bình.
Dù thế, trong số những giáo viên này “sống lâu lên lão làng” hoặc có nhiều mối quan hệ bên trên, biết ngoại giao và hợp thời lại được cất nhắc lên làm cán bộ phụ trách chuyên môn tổ.
Và chẳng hiểu sao, nhiều người trong số đó lại trở thành giáo viên cốt cán của huyện rồi tỉnh.
Với trình độ như vậy sao có thể ra đề? Sao có thể phản biện đề để biết cái gì sai, bất hợp lý? Thế là đề nào đưa ra cũng nhất trí, cũng đúng.
Và hậu quả đề giống đề, giống trên mạng, trong sách tham khảo cứ ngày một nhiều hơn là thế.
Lo cho chương trình mới
Chương trình mới người giáo viên không thể chỉ dạy kiến thức trong sách giáo khoa mà còn là người hướng dẫn, khơi gợi để học sinh tìm kiếm kiến thức một cách đa dạng. Để làm được điều đó, giáo viên phải có năng lực thật sự.
Nhưng, nghề giáo do điều kiện đời sống vật chất còn khó khăn chưa thể hút được học sinh giỏi vào nhàng mà tuyển sinh vẫn theo lối cũ “vơ bèo, vạt tép".
Với trình độ như vậy, quả thật đáng lo khi chương trình mới ở bậc trung học đưa vào giảng dạy.