Với những vụ việc cơ quan chức năng đã vào cuộc và triệt phá tội phạm làm bằng giả, dưới góc nhìn luật pháp Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết:
Những hành vi làm giả bằng cấp là rất nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy định về quản lý hành chính trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và quản lý nhân sự.
Những tấm bằng giả này mà đưa vào sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực, gây ra sự bất công bằng trong xã hội và gây ra nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội.
Đặc biệt là đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liên quan đến sức khoẻ, tính mạng con người như ngành khám chữa bệnh.
Nghề y liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người nên thời gian đào tạo dài hơn các ngành nghề khác, người học cũng phải vất vả hơn nhiều.
Nhiều người không muốn học hoặc không đủ trình độ để học nhưng lại muốn kiếm tiền bằng nghề này nên đã mua bằng giả.
Trong khi đó, việc mua bán bằng giả hiện nay vẫn tồn tại, thậm chí bên bán rao công khai trên các trang mạng xã hội, Luật sư Cường lo lắng phân tích.
Tang vật của một vụ án sản xuất và mua bán giấy tờ, bằng cấp giả. Ảnh: Công an nhân dân |
Bên cạnh đó, Luật sư Đặng Văn Cường cũng nêu: Theo quy định của pháp luật thì hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 341 bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài cao nhất của tội danh này có thể lên đến 07 năm tù, Cụ thể tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, với hành vi làm giả từ 06 tài liệu con dấu trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù.
Phạm Xuân Nhất, Cựu Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hồng Bàng (Yên Mỹ, Hưng Yên) bị bắt khi mua bán bằng giả. Ảnh: Công an nhân dân |
Nói về nguyên nhân sử dụng bằng giả và tội phạm làm bằng giả, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: Có thể nói rằng ảnh hưởng của bệnh háo danh, bệnh thành tích và các cơ chế đòi hỏi bằng cấp mang tính chất hình thức, sự nơi lỏng trong công tác quản lý nên nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật để thực hiện các hành vi làm, mua bán, sử dụng bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả để phục vụ cho công việc của mình và thu lợi bất chính.
Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều đối tượng đăng tin về việc làm bằng cấp chứng chỉ giả bởi vậy các cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ nhóm các đối tượng này để kịp trời ngăn chặn, xử lý, tránh việc các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, sản xuất, bán các bằng cấp chứng chỉ giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động, ảnh hưởng đến việc quản lý trật tự hành chính, quản lý nhân sự và gây bất bình đẳng trong xã hội.
Những hành vi sử dụng bằng cấp giấy tờ, chứng chỉ giả là hành vi vi phạm pháp luật.
Những người này biết là giấy tờ giả nhưng vẫn sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng sẽ bị xử lý hình sự theo điều 341 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.
“Bởi vậy đồng thời với việc phát hiện, xử lý các đối tượng sản xuất bằng giả, giấy tờ giả thì cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét, xử lý mạnh tay hơn nữa với những đối tượng sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả để đảm bảo một xã hội công bằng, bình đẳng, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước về nhân lực và nguồn lao động, tránh những hậu lại hệ lụy xấu có thể xảy ra trong xã hội khi những kết quả thực hiện công việc do người không đủ trình độ đẳng cấp chuyên môn thực hiện”, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm.