Là phụ huynh có con từng đạt rất nhiều giải thưởng liên quan đến ngoại ngữ khi còn rất trẻ và hiện đang du học chuyên ngành Sinh học Phân tử tại Mỹ, chị Nguyễn Hồ Thụy Anh - cố vấn chương trình Apax Story Time (Apax Leaders) cho biết, tới bây giờ nghĩ lại chị vẫn thấy định hướng cho con học tiếng Anh theo chương trình ESL từ năm 4 tuổi là một lựa chọn đúng đắn.
Chào chị Nguyễn Hồ Thụy Anh! Được biết, con gái chị - Quách Nguyễn Minh Anh từng tham gia và đạt được rất nhiều giải thưởng đáng ngưỡng mộ, chị có thể cho biết mục tiêu của gia đình khi cho cháu thi nhiều giải như vậy là gì không?
Thực ra, tất cả những cuộc thi vừa nêu đều do con tự tìm và tự đề nghị được thi. Những gì tôi và bố cháu làm chỉ là định hướng để cháu không bị cuốn vào áp lực của việc thi cử, thi phải đạt giải; thi phải thắng cuộc. Với chúng tôi, thi là vui, là cuộc chơi, được thì tốt, không thì có thêm kinh nghiệm.
Chẳng hạn, khi được chọn vào đội tuyển Học sinh giỏi thành phố để thi cấp quốc gia năm 2016, chúng tôi thỏa thuận với Minh Anh là chỉ được thi vào năm lớp 10, đạt hay không đạt giải là thôi, không theo đuổi.
Và kết quả đạt giải nhì cấp quốc gia 2016 là điều khiến Minh Anh vui nhất vì con vinh dự là thí sinh lớp 10 đầu tiên của thành phố thi quốc gia và đạt giải nhì trong suốt 20 năm (từ 1976 – 2016).
Điều này đồng nghĩa với việc con có một “suất” để dành để khi vào lớp 12 sẽ được tuyển thẳng đại học.
Còn kỳ thi Toelf ibt, khi Minh Anh học lớp 8, cháu và các bạn gái cùng lớp để ý một cậu bạn đẹp trai, học giỏi, thi Toelf ibt được 98/120 và bạn ấy rất tự hào, bảo: Chưa được 100, nhưng học sinh cấp hai mấy ai làm được như vậy!”.
Thế là lớp quyết định cử con đi thi để làm sao hơn điểm bạn ấy. Khi cháu được 111/120, bạn lớp trưởng đến thông báo với bạn trai kia: “Ê! Biết không, lớp tui có Quách Minh Anh thi 111/120 đó!”. Chỉ có vậy mà các cô gái nhiều chuyện vui mất mấy tuần!
Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh – Cố vấn Hội đồng chuyên môn Hệ thống Anh ngữ Apax Leaders và con gái Quách Nguyễn Minh Anh. |
Chị bắt đầu cho cháu học tiếng Anh khi nào và học như thế nào?
Từ lúc cháu 4 tuổi, tôi bắt đầu cho cháu “chơi” với tiếng Anh theo chương trình ESL (tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai). Kiểu dạy này tôi học được trong những ngày làm giáo viên dạy kèm cho Morrison Elementary School ở Philadelphia, khi du học tại Mỹ.
Hồi ấy, các trung tâm chưa có chương trình tiếng Anh cho trẻ mầm non nên tôi cùng một thầy nước ngoài “gom” con của các đồng nghiệp để mở một lớp tiếng Anh tại nhà.
Chương trình chúng tôi tự lên, câu chuyện tiếp nối câu chuyện, bài thơ tiếp nối bài thơ và cả các trò chơi, bài hát bằng tiếng Anh nữa,… Các cháu cứ thế nhặt tiếng Anh một cách tự nhiên.
Tôi nhớ câu chuyện đầu tiên chúng tôi kể cho các cháu là “The very hungry caterpillar”, rất nhiều từ mới, nhưng được một cái hình ảnh rất đẹp, trực quan. Minh Anh và các bạn mê câu chuyện đến mức học thuộc lòng toàn bộ câu chuyện và còn tự minh họa.
Các cháu không hề học văn phạm, không hề có một buổi, một giờ học nào ngồi chép từ để học thuộc từ cả.
Tất cả những gì tôi và thầy làm là cung cấp cơ hội cho cháu và các bạn cháu được “nhìn”, được nghe, được hoạt động, được cảm nhận và chơi với tiếng Anh để một ngày cháu nói, cháu viết tiếng Anh thật tự nhiên.
Chị vừa nhắc đến dạy tiếng Anh theo chương trình ESL ở Mỹ!? Chị có thể cho biết thêm về chương trình này không?
À, đây là chương trình dành cho tất cả học sinh là dân nhập cư đến Mỹ, không biết tiếng Anh.
Để giúp học sinh dễ dàng hội nhập và theo kịp các chương trình chính khóa, các trường học ở Mỹ có chương trình giảng dạy tiếng Anh ESL dành cho các học sinh này.
Các học sinh có những giờ học tiếng Anh theo đúng trình độ của mình với giáo viên và các bạn đến từ các quốc gia khác nhau. Ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Là cố vấn cho chương trình Apax Story Time của Apax Leaders theo phương pháp ESL, chị có thể cho biết công thức để có được chương trình học tiếng Anh online hiệu quả với hàng trăm ngàn lượt view như vậy không?
Chúng ta đều biết, tâm lý chung của trẻ là chỉ khi cảm thấy thú vị, tò mò, muốn sờ, cầm, nắm một đồ vật nào đó thì chúng mới có nhu cầu tương tác để nhặt từ, học nói và “đòi” được thứ mình muốn. Apax Story Time cũng thế thôi.
Mỗi câu chuyện là một sự bất ngờ, ngạc nhiên, hứng thú để trẻ nhặt từ, cụm từ, chỉ khác là mọi thứ bằng tiếng Anh, trẻ tiếp nhận tiếng Anh trong một ngữ cảnh mang tính nhân văn, tương tác và đầy hứng thú (tôi hy vọng thế, cười).
Apax story time đơn giản chỉ là sự tái hiện, có chọn lọc, có rút kinh nghiệm chương trình dạy con của tôi cách đây gần 16 năm…
Dường như Apax Story Time đi ngược lại với quan điểm học online chỉ phù hợp với học sinh cấp 2 và cấp 3, chị có thấy thế không?
Đúng vậy! Nhiều người thường tin rằng học sinh tiểu học và mầm non chưa có khả năng tự học do khả năng tập trung kém hơn so với học sinh cấp 2 và cấp 3.
Thế nhưng, tôi vẫn cho rằng, không phải chờ đến một độ tuổi nào đó mới áp dụng học online đối với học sinh mầm non và tiểu học.
Mà trong hoàn cảnh đại dịch như hiện nay, việc tổ chức dạy học online cho trẻ chỉ thực sự thành công khi chúng ta biết dựa vào nhận thức, tâm sinh lý và kiểu học của trẻ.
Sự tương tác giữa học online và offline đan xen sẽ giúp tăng tối đa hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học viên. |
Ví dụ, xuất phát từ khả năng tập trung của trẻ mầm non không cao và chú ý không chủ định vẫn chiếm ưu thế, chúng ta thiết kế một tiết dạy trong một khoảng thời gian không quá dài, có nhiều hoạt động động, tĩnh xen lẫn.
Sự tương tác giữa học online và offline phải đan xen. Học online, cô giáo ra bài tập để trẻ và mẹ cùng tiến hành thực hiện offline và sau đó online để báo cáo kết quả với cô.
Với hơn 10 năm phụ trách lĩnh vực tiếng Anh tiểu học cho học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh, 3 năm phụ trách các trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố, theo chị, để có một chương trình dạy tiếng Anh online hiệu quả gồm những gì?
Theo tôi, trước hết là phải xác định rõ quan điểm rằng, dạy và học tiếng Anh là phải sử dụng được, tư duy được bằng tiếng Anh, tuyệt đối không chạy theo bằng cấp.
Sau đó, chương trình, giáo trình phải được thiết kế hoàn chỉnh, phù hợp với đặc điểm nhận thức, đặc điểm học của người học.
Việc thiết kế bài giảng online phải rất công phu, tính toán chi tiết, phần nào là giảng, phần nào chiếu bài giảng, phần nào là tương tác cùng trẻ… Và cuối cùng, phải có kiểm tra, đánh giá sát sao như học truyền thống.
Được biết, con gái của chị hiện đang là sinh viên năm hai, du học sinh tại Mỹ, việc học của cháu thế nào với phương châm học tiếng Anh không “nhắm” vào bằng cấp?
Cháu có điểm tổng kết năm Nhất là 4.98/5.00, ba học kỳ liên tiếp nằm trong danh sách DEAN’s list, hè năm 2019 trúng tuyển vào chương trình STAR nghiên cứu, dành cho Honor student, có bài báo được đăng trong tạp chí khoa học của Mỹ American Society for Microbiology với tư cách là primary author…
Điều mà mình vui sướng nhất là cháu sử dụng được tiếng Anh như một người bản xứ để kết bạn, học tập và tận dụng được tất cả các dịch vụ có thể hỗ trợ việc học của cháu như: Gặp chuyên gia tâm lý mỗi khi cảm thấy bất ổn; tham dự các hội nghị khoa học có những báo cáo mà cháu quan tâm; kết bạn, tranh luận, đưa bạn đi cấp cứu, hang out với các bạn,…
Sử dụng tiếng Anh để làm được nhiều việc như vậy theo tôi đã là vượt qua khuôn khổ của việc thi lấy chứng chỉ rồi!
Mình vẫn nhớ câu tiếng Anh đầu tiên con viết cho mình: “Dear mum, thank you for taking care of me….”. Và đến những bài viết bằng tiếng Anh bây giờ của con - mỗi lần đọc, mình phải tra từ điển, mỏi cả tay.
Cảm ơn chị!
Quách Nguyễn Minh Anh hiện là du học sinh chuyên ngành Sinh học phân tử tại Drexel University, Mỹ. Nữ sinh từng được biết đến với hàng loạt giải thưởng liên quan đến tiếng Anh khi còn rất nhỏ tuổi như: Giải nhì Học sinh giỏi tiếng Anh cấp quốc gia khi đang học lớp 10, giải khuyến khích kỳ thi viết truyện ngắn tổ chức tại St Paul, Barcelona khi đang học lớp 6, thi Toelf ibt được 111/120 khi đang học lớp 8… cùng hàng loạt thành tích đáng ngưỡng mộ khác. Đây là một trong những học sinh điển hình về học tiếng Anh theo chương trình ESL. Chương trình này hiện đang được Apax Leaders tiên phong áp dụng giảng dạy tại Việt Nam.