Sáng 2/6, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và các thành viên Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương đã dự lễ ký kết quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc xây dựng quy chế phối hợp nhằm cụ thể hóa Quyết định 198-QĐ/TW của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu của cơ quan về đường lối, chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ký Quy chế. Ảnh: VGP. |
“Chúng ta có nhiều kênh thông tin, chúng ta lắng nghe, nghiên cứu chính sách, phản biện chính sách để tạo điều kiện cho sự phát triển đất nước”, Thủ tướng nói và đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung, tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp công tác.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và nước ta đối diện không ít khó khăn, thử thách, hai cơ quan cần cùng nhau làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, cần phối hợp tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa để nâng cao hiệu quả công tác, chú trọng chất lượng, tính khả thi để chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Trước sự biến đổi nhanh của thế giới, chúng ta cần chủ động hơn trong tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo kịp thời các vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước, tạo thuận lợi cho việc phối hợp, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Thủ tướng nói và mong muốn việc chuẩn bị nội dung quy chế đã tốt thì việc thực hiện quy chế, đưa quy chế vào cuộc sống càng phải tốt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP. |
Do đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan quán triệt cho các bộ, công chức, viên chức của mình thực hiện tốt Quy chế này.
Hai bên cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin kịp thời, chủ động, cả nghiên cứu lý luận và thực tiễn.
Trong phối hợp, phải có quyết tâm để đề ra các biện pháp cụ thể một cách sáng tạo, quyết liệt, đổi mới, hình thức phong phú.
Nhất trí với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng cần quán triệt sâu sắc, quyết tâm, nỗ lực để thực hiện thành công các nội dung Quy chế phối hợp.
Sau khi có Quy chế thì sự phối hợp sẽ tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày nội dung Quy chế phối hợp.
Theo đó, Quy chế có 11 điều, nêu các phương thức phối hợp cụ thể như lấy ý kiến tham gia bằng văn bản; trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu; tổ chức họp, hội nghị; cử cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ được giao.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: VGP. |
Theo Quy chế, hằng năm, hai cơ quan phối hợp tổ chức các hội thảo, diễn đàn và các sự kiện lớn về kinh tế-xã hội nhằm tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế về đánh giá tình hình, đề xuất các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Qua nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn, Ban Kinh tế Trung ương chủ động thông tin với Ban Cán sự Đảng Chính phủ các vấn đề kinh tế-xã hội lớn phát sinh, các kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, xử lý theo thẩm quyền và thông tin để Ban Kinh tế Trung ương nắm được và phối hợp giải quyết.