Ban Kinh tế Trung ương cùng Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia

05/08/2022 15:31
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những ngành dịch vụ trong 5-10 năm tới chúng ta vẫn chưa biết là gì nên việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho nó là một thách thức lớn.

Ngày 5/8, Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: AN

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: AN

Hội thảo lần này nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tham gia hội thảo có ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, một số địa phương có ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đông đảo các cơ quan báo chí.

Hội thảo tập trung đi sâu, phân tích, làm rõ kết quả đóng góp của ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong 35 năm đổi mới, nhất là từ năm 2010 đến nay.

Đồng thời, nhận diện những xu thế phát triển và vận động chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phát triển các ngành dịch vụ trong đó bao gồm ngành dịch vụ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã nêu ra những xu hướng du lịch toàn cầu và ý nghĩa đối với Việt Nam; Ngành công nghiệp văn hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị, đề xuất; Tương lai của sự phát triển dựa vào dịch vụ...

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn là chủ trương xuyên suốt qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng, là khát vọng của toàn Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam.

Là con đường duy nhất đúng để đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước Việt Nam hùng cường sánh vai cùng các cường quốc, bạn bè năm châu trên thế giới.

“Thế giới đang trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về cách thức tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong đó, lĩnh vực dịch vụ có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế, đang đóng góp trên 46% trong tổng giá trị gia tăng và gần 42% GDP của Việt Nam.

Tuy nhiên, dịch vụ là lĩnh vực rất dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, nhưng cũng là ngành có khả năng phụ hồi nhanh nhất, mà Đà Nẵng hiện nay là một minh chứng sống động.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào, phát triển ngành dịch vụ ra sao trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành yêu cầu rất quan trọng, là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống”, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ thêm.

Các chuyên gia, nhà quản lý tham dự hội thảo ngày 5/8. Ảnh: AN

Các chuyên gia, nhà quản lý tham dự hội thảo ngày 5/8. Ảnh: AN

Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng đặt vấn đề, có những ngành dịch vụ trong năm, mười năm tới chúng ta vẫn chưa biết được nó là gì? Chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực dịch vụ trong bối cảnh đó quả là một thách thức lớn đối với các cơ quan hoạch định chính sách nhân lực cũng như của các trường đại học.

Do đó, thầy Vũ bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra dự báo những ngành nghề dịch vụ mới trong những năm sắp tới. Trên cơ sở đó xác định các ngành dịch vụ nên ưu tiên phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới;

Cơ chế chính sách phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên của Việt Nam; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành nghề dịch vụ mới…

Kết luận hội thảo, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các ý kiến phát biểu tại buổi Hội thảo đã có sự thống nhất cao và đồng tình cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đồng thời, nhấn mạnh, mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới.

Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực;

Đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ người dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp toàn dân.

Trong đó, cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo để thực hiện thắng lợi chủ trương tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Chú trọng tăng cường cung cấp các dịch vụ giáo dục số, đặc biệt là đại học số trên cơ sở ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập để thúc đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Có các cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài.

Đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa với các sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa trên cơ sở nhận định rõ và phát huy sức mạnh của nền văn hóa giàu bản sắc Việt Nam đi đôi với phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa tiêu biểu, ứng dụng các thành tựu của về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa của thế giới.

Xây dựng con người Việt Nam toàn diện gắn với yêu cầu phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Là nền kinh tế phát triển năng động, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với 60 đối tác lớn, có thị trường nội địa gần 100 triệu dân;

Trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, có tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

AN NGUYÊN