Trong hai ngày 29, 30/8 diễn ra cuộc họp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia tại Phnom Penh.
Phía Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Lê Hoài Trung làm Trưởng đoàn. Trưởng đoàn phía Campuchia là ngài Var Kimhong, Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới.
Khmer Times ngày 30/8 cho biết, trong cuộc họp kín hai bên đã thảo luận về hỗ trợ kỹ thuật cần thiết từ Pháp trong việc lập bản đồ biên giới, hy vọng sẽ sử dụng bản đồ Bonne và các công cụ thiết lập bản đồ công nghệ cao để giải quyết một số khu vực tranh chấp.
Phiên họp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia tại Phnom Penh hôm qua 29/8, ảnh: Siv Channa/The Cambodia Daily. |
Ông Var Kimhong được Khmer Times dẫn lời nói rằng:
"Chúng tôi muốn Pháp giúp đỡ chỉ với 2 điểm trong số 7 điểm mà Thủ tướng (Hun Sen) yêu cầu Việt Nam giải quyết.
Nhưng Việt Nam muốn nhờ Pháp cả 7 điểm, chúng tôi không đồng ý. Tôi nghĩ rằng 5 điểm này có thể xử lý bởi các chuyên gia của hai nước chúng ta. Nhưng tôi không thể nói với các bạn đó là những điểm nào."
Trước đó hôm 19/8 đã diễn ra cuộc họp về biên giới hai nước tại thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên đã nhất trí cùng nhờ Pháp cung cấp chuyên gia bản đồ, kỹ thuật để sao chép bản đồ đoạn giữa các cột mốc 30 -40 và giữa các cột mốc 138 - 147.
Hai bên chưa làm việc về nội dung kinh phí cho các cột mốc biên giới.
Đầu năm nay các quan chức biên giới Campuchia khẳng định rằng, 83% đường biên giới trên bộ giữa hai nước đã được phân định, phần còn lại đang được thúc đẩy.
Về các khiếu nại của phía Campuchia xung quanh thông tin Việt Nam xây dựng ở khu vực chưa phân giới, ông Var Kimhong nói rằng đoàn Việt Nam sẽ bảo cáo lãnh đạo cấp trên, sẽ thảo luận trong khuôn khổ các cơ quan liên ngành. [1]
Còn tờ The Phnom Penh Post hôm nay dẫn lời ông Var Kimhong cho biết:
"Thành thật mà nói, chúng tôi không đồng ý. Hai điểm là rất nhiều rồi. 5 điểm còn lại hai bên có thể giải quyết mà không cần sự can thiệp của bên ngoài."
Ông cho biết thêm, trọng tâm của cuộc họp lần này là soạn thảo một bức thư đề nghị Pháp hỗ trợ bản đồ biên giới tỉ lệ 1/100.000 và 1/50.000.
Việc ký kết bản ghi nhớ của cuộc họp được hoãn đến sáng nay do những bất đồng giữa các bên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Campuchia Koy Pisey.
Tuy nhiên về vấn đề kinh phí xây dựng cột mốc, The Phnom Penh Post dẫn lời ông Var Kimhong nói rằng, hai bên có thể thỏa thuận về sự cần thiết của việc phân bổ kinh phí xây dựng 1000 cột mốc biên giới.
"Nó có giá hàng triệu USD và sẽ phải sử dụng ngân sách quốc gia", ông Var Kimhong nói.
Theo ông, các cột mốc biên giới xây dựng trên đất sẽ có giá từ 3000 đến 5000 USD, trong khi xây dựng cột mốc ở khu vực sông suối có giá lên đến 100.000 USD. Kinh phí sẽ được chia cho cả hai nước. [2]
The Cambodia Daily hôm nay cho biết, ông Var Kimhong nói với báo giới rằng hai bên đang tìm kiếm thêm các bản sao của bản đồ giai đoạn đầu thời kỳ thuộc địa, để giúp phân định ranh giới những khu vực còn ý kiến khác nhau.
Ông Var Kimhong kêu gọi mọi người không nên vội vàng buộc tội Việt Nam "xâm lược" đất của Campuchia khi công tác phân giới cắm mốc đang tiến hành.
Cần nhận thức mới, tư duy mới để củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia |
"Xâm lược là việc sử dụng vũ lực. Còn đây là các tòa nhà bí mật", ông Var Kimhong nói về một số công trình mà Campuchia cáo buộc Việt Nam xây trên đất của họ. Đoàn Việt Nam đã bác bỏ những cáo buộc này. [3]
Theo VOV ngày 29/8, tại cuộc họp này, hai bên đã trao đổi cởi mở và thẳng thắn một số vấn đề phát sinh trong công tác quản lý biên giới giữa hai nước.
Trưởng đoàn phía Việt Nam đã nêu rõ lập trường và chủ trương nhất quán của Việt Nam về các vấn đề phía Campuchia trao đổi.
Kết quả, hai bên nhất trí, trong khi chờ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, tiếp tục thực hiện quản lý biên giới theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới năm 1983 và Thông cáo báo chí chung ngày 17/01/1995, nhất là nội dung chính của Điểm 8:
“... Hai bên thoả thuận trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới thì duy trì quản lý hiện nay; không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục, không để nhân dân xâm canh, câm cư và cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh, trật tự biên giới”. [4]
Người viết cho rằng, một đường biên giới hợp pháp, hòa bình, ổn định và hữu nghị là mong muốn của nhân dân hai nước, hai dân tộc Việt Nam, Campuchia. Để có được tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định cần sự nỗ lực chung của cả hai phía.
Với những vấn đề còn tồn tại nhận thức khác nhau, hai bên nên trao đổi thẳng thắn trên tinh thần khách quan, cầu thị, thượng tôn pháp luật hướng tới mục tiêu sớm phân định một đường biên giới khách quan, công bằng.
Trong quá trình đó cần có sự thông tin và giải thích kịp thời đến dư luận hai nước, tránh để các thế lực chính trị lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ hòng kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chống phá quan hệ giữa hai quốc gia, hai dân tộc.
Xử lý các tranh chấp, bất đồng, tồn tại về biên giới lãnh thổ là vấn đề pháp lý phức tạp đòi hỏi kiến thức pháp lý chắc chắn, phương pháp tiếp cận khoa học, thận trọng.
Cho nên việc này rất cần sự ủng hộ của dư luận nhân dân, các địa phương và bộ ngành hai nước đối với các chuyên gia trực tiếp tham gia công tác đàm phán, phân giới cắm mốc.
Mọi hoạt động giám sát cần được đặt trong tinh thần khoa học, khách quan, thượng tôn pháp luật. Nếu tổ chức cá nhân nào lợi dụng việc này để kịch động gây bất ổn khu vực biên giới, chính phủ hai nước cần kịp thời ngăn chặn, tuyên truyền giải thích, xử lý theo pháp luật, nếu cần.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.khmertimeskh.com/news/29091/tension-rises-over-border/
[2]http://www.phnompenhpost.com/national/french-assistance-sticking-point-vietnam-border-meeting
[3]https://www.cambodiadaily.com/news/vietnam-denies-violating-border-zone-official-says-117312/
[4]http://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-va-campuchia-hop-ve-phan-gioi-cam-moc-tren-dat-lien-545268.vov