Báo cáo 3 công khai của Trường ĐH Ngoại thương có gì?

28/11/2023 06:40
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không có giáo sư trong 3 năm liên tiếp, Trường ĐH Ngoại thương xây dựng, triển khai nhiều giải pháp thu hút, phát triển đội ngũ.

Trường Đại học Ngoại thương thành lập từ năm 1960. Từ một trường đơn ngành đến nay trường đã trở thành trường đại học đa ngành và đa chuyên ngành đào tạo. Tính đến nay, Trường Đại học Ngoại thương đào tạo tại 3 cơ sở: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh.

Hiện tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Thủy là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn là Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.

Giải pháp khi giảng viên cơ hữu không có giáo sư trong 3 năm liền

Qua khảo sát báo cáo ba công khai từ năm học 2018-2019 đến nay, có thể thấy, số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Ngoại thương có nhiều biến động.

Giai đoạn từ năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021, tổng giảng viên cơ hữu giảm từ 552 xuống còn 531 (giảm 21 giảng viên, tương đương 3,8%). Giai đoạn từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, số giảng viên cơ hữu của trường tăng rõ rệt, từ 531 lên 582 giảng viên (tăng 51 giảng viên, tương đương 9,6%).

Đáng nói, từ năm học 2020-2021 trở lại đây, Trường Đại học Ngoại thương không có giáo sư trong cơ cấu giảng viên cơ hữu.

Cụ thể, từ báo cáo ba công khai năm học 2018-2019 cho thấy, trường có 552 giảng viên cơ hữu, trong đó có 1 giáo sư, 38 phó giáo sư, 152 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 392 thạc sĩ và 8 giảng viên có trình độ đại học.

Theo báo cáo ba công khai năm 2022-2023, Trường Đại học Ngoại thương có 582 giảng viên cơ hữu, trong đó không có giáo sư, có 42 phó giáo sư, 190 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 324 thạc sĩ và 26 giảng viên trình độ đại học.

Cơ cấu giảng viên Trường Đại học Ngoại thương từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023.
Cơ cấu giảng viên Trường Đại học Ngoại thương từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023.

Tổng quát, tổng số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Ngoại thương tăng từ 552 lên 582 (tăng thêm 30 giảng viên, tương đương tăng hơn 5,4%).

Trong đó, giảm 1 giáo sư; tăng 4 phó giáo sư (tương đương 10,5%), và tăng 38 tiến sĩ (tương đương tăng 25%).

Liên quan các nội dung trên, phóng viên đã gửi câu hỏi cho lãnh đạo nhà trường về việc không có giáo sư gây khó khăn như thế nào đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu của nhà trường, đặc biệt đào tạo sau đại học? Nhà trường có kiến nghị gì để tăng số lượng giáo sư, phó giáo sư đối với các ngành/chuyên ngành đào tạo của trường?

Trong bản trả lời gửi phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Trong những năm qua, nhà trường luôn xác định xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên là một trong những nhiệm vụ có tính chất nền tảng cho phát triển nhà trường.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040, nhà trường đã xác định rõ mục tiêu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực là có năng lực trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: NVCC.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, để đạt được mục tiêu quan trọng này, nhà trường đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp đột phá, nhất là trong thu hút và phát triển nhân tài, quốc tế hóa nhân sự.

“Nhìn chung, đội ngũ giảng viên của nhà trường là đội ngũ trẻ, đa số được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có lòng nhiệt huyết, có khả năng sử dụng và giảng dạy bằng tiếng Anh và ngoại ngữ khác tốt đồng thời được trang bị các kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo để “dám đổi mới sáng tạo và dẫn dắt đổi mới sáng tạo”.

Nhà trường thực hiện đa dạng hóa đội ngũ giảng viên giảng dạy và nghiên cứu tại trường bao gồm: Các giáo sư từ các trường đại học nước ngoài là đối tác đến từ nhiều quốc gia trên thế giới (như Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…); các giáo sư đầu ngành của nhà trường đã nghỉ hưu; và các giảng viên, giáo sư và chuyên gia của nhiều tổ chức, tập đoàn, viện nghiên cứu và trường đại học trong nước. Số lượng phó giáo sư, giáo sư của nhà trường đã tăng nhanh và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về các mục tiêu giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng của nhà trường

Về phát triển đội ngũ, nhà trường đã gửi một số lượng lớn giảng viên đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài và trong nước. Trong thời gian tới, khi các giảng viên hoàn thành bảo vệ luận án, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ sẽ tăng lên đáp ứng tầm nhìn phát triển đến năm 2040 của nhà trường” - vị Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Sau 5 năm, quy mô tuyển sinh chính quy chỉ tăng 250 chỉ tiêu (gần 6,5%)

Năm 2019, Trường Đại học Ngoại thương tuyển 3.850 chỉ tiêu đại học chính quy.

Cụ thể, chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Tại Hà Nội (2.050 chỉ tiêu); tại Quảng Ninh (150 chỉ tiêu) và tại thành phố Hồ Chí Minh (680 chỉ tiêu).

Tổng chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển kết hợp là 970: Trong đó, đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh: Tại Hà Nội (610 chỉ tiêu) và tại thành phố Hồ Chí Minh (270 chỉ tiêu). Đối với ngành Ngôn ngữ, chuyên ngành Ngôn ngữ thương mại, tuyển 90 chỉ tiêu tại Hà Nội.

Đề án tuyển sinh năm 2020 cho thấy, nhà trường tuyển sinh tổng 3.990 chỉ tiêu cho 5 phương thức xét tuyển. Cụ thể, chỉ tiêu tại trụ sở chính Hà Nội là 2.890, chỉ tiêu tại cơ sở Quảng Ninh là 150 và chỉ tiêu tại cơ sở thành phố Hồ Chí Minh là 950.

Năm 2021, Trường Đại học Ngoại thương có tổng chỉ tiêu tuyển sinh ở cả 3 cơ sở là 3.990 (không đổi so với năm 2020) cho 6 phương thức xét tuyển.

Trong đó, chỉ tiêu tại trụ sở chính Hà Nội là 2.890, chỉ tiêu tại cơ sở Quảng Ninh là 150 và chỉ tiêu tại cơ sở thành phố Hồ Chí Minh là 950.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh tổng 4.050 chỉ tiêu qua 6 phương thức xét tuyển. Trong đó, chỉ tiêu tại trụ sở chính Hà Nội là 2.950, chỉ tiêu tại cơ sở Quảng Ninh là 150 và chỉ tiêu tại cơ sở thành phố Hồ Chí Minh là 950.

Đề án tuyển sinh năm 2023 xác định chỉ tiêu của Trường Đại học Ngoại thương gồm 4.100. Trong đó, 3.000 chỉ tiêu ở trụ sở chính Hà Nội; 150 chỉ tiêu ở cơ sở Quảng Ninh và 950 chỉ tiêu ở cơ sở 2 - thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 5 năm, trường tăng thêm tổng 250 chỉ tiêu tại các cơ sở đào tạo, tương đương tăng gần 6,5%.

Từ năm 2018 đến năm 2023, số mã ngành đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương tăng từ 11 lên 14, các ngành mới mở gồm: Quản trị khách sạn (bắt đầu đào tạo từ năm 2020); ngành Marketing (bắt đầu đào tạo từ năm 2022) và ngành Kinh tế chính trị (bắt đầu đào tạo năm 2023).

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương được công bố theo bảng sau:

Tổng số người học năm học 2018-2019 là 16.036, con số này tăng lên 18.394 vào năm học 2022-2023, tức tăng tổng số 2.358 người học (tương đương tăng hơn 14,7%).

Cụ thể, trong khoảng thời gian này, đào tạo tiến sĩ giảm 7 người học (giảm 6,25%); đào tạo thạc sĩ tăng 353 học viên (tăng gần 39,4%); đào tạo đại học tăng 2.012 người học (tương đương tăng gần 13,4%), trong đó, đào tạo đại học chính quy tăng 516 sinh viên (tăng gần 3,6%); hệ vừa học vừa làm tăng thêm 1.496 người học (tương đương tăng hơn 270,5%).

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương lý giải về việc tăng quy mô sinh viên đại học chính quy thấp: “Trong suốt chặng đường vừa qua, nhà trường duy trì quy mô tuyển sinh ở mức thấp nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và phù hợp với sứ mệnh của nhà trường là đào tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp nhu cầu không chỉ với thị trường lao động trong nước mà còn với thị trường lao động quốc tế. Trường Đại học Ngoại thương là trường đại học Việt Nam tiên phong trong công bố đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp của nhiều tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

Quan điểm của nhà trường trong công tác tuyển sinh là tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo và không chạy theo số lượng. Về nguyên tắc, nhà trường đã xác định 2 điểm quan trọng trong đề án tuyển sinh hàng năm: Một là, tăng chỉ tiêu chỉ dành cho các ngành mới mở trong năm đó; và hai là, phải có sự cân đối chỉ tiêu giữa ngành truyền thống và ngành mới để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động”.

Sau 5 năm, trường tăng thêm tổng 250 chỉ tiêu tại các cơ sở đào tạo, tương đương tăng gần 6,5%. Ảnh: NTCC.

Sau 5 năm, trường tăng thêm tổng 250 chỉ tiêu tại các cơ sở đào tạo, tương đương tăng gần 6,5%. Ảnh: NTCC.

Sau 5 năm, tổng nguồn thu tăng 307,892 tỷ đồng, nguồn thu NCKH và chuyển giao công nghệ không có dữ liệu

Qua báo cáo ba công khai năm học 2018-2019, cho thấy tổng thu năm của Trường Đại học Ngoại thương là 442,344 tỷ đồng, bao gồm các nguồn: Ngân sách (9,461 tỷ đồng); học phí (431,063 tỷ đồng); nguồn hợp pháp khác (1,82 tỷ đồng).

Như vậy, thu học phí năm chiếm hơn 97,4% tổng nguồn thu, nguồn thu khác chỉ chiếm hơn 0,4%.

Theo báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, tổng nguồn thu hợp pháp năm được công bố là 750,236 tỷ đồng, bao gồm các nguồn ngân sách (7,854 tỷ đồng); học phí (490,28 tỷ đồng); nguồn hợp pháp khác (252,102 tỷ đồng).

Căn cứ vào đó, xác định thu học phí năm chỉ chiếm gần 65,4% tổng nguồn thu, trong khi đó, nguồn thu khác lại chiếm hơn 35,7%.

Cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Ngoại thương được tổng hợp từ báo cáo ba công khai.

Cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Ngoại thương được tổng hợp từ báo cáo ba công khai.

Cũng theo báo cáo ba công khai, Trường Đại học Ngoại thương ở phần nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đều bỏ trống. Theo tính toán của phóng viên từ bảng kê, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong 5 năm thống kê đều bằng 0.

Cơ cấu nguồn thu các năm (theo báo cáo công khai tài chính các năm học từ 2018-2019 đến 2022-2023) cho thấy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bằng 0. Ảnh chụp màn hình.

Cơ cấu nguồn thu các năm (theo báo cáo công khai tài chính các năm học từ 2018-2019 đến 2022-2023) cho thấy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bằng 0. Ảnh chụp màn hình.

Nhìn từ số liệu thống kê từ báo cáo ba công khai năm học 2018-2019 đến báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, sau 5 năm, tổng nguồn thu hợp pháp trong năm của Trường Đại học Ngoại thương đã tăng thêm 307,892 tỷ đồng (tương đương tăng hơn 69,6%).

Trong đó, cơ cấu nguồn thu năm cũng có sự chuyển dịch rõ rệt. Cụ thể, theo báo cáo năm học 2018-2019, thu học phí chiếm hơn 97,4% nhưng đến năm học 2022-2023, tỉ lệ đã giảm xuống còn gần 65,4% (giảm gần 32%).

Ngược lại, tỉ lệ nguồn thu khác theo báo cáo năm học 2018-2019 chỉ chiếm hơn 0,4%, nhưng đến năm học 2022-2023, tỉ lệ này đã tăng lên hơn 35,7% (tăng gần 35,3%).

Theo báo cáo ba công khai các năm, học phí từng năm học được quy định cụ thể như sau:

Từ báo cáo công khai tài chính năm học 2018-2019 đến báo cáo năm học 2022-2023, cho thấy, sau 5 năm, tổng nguồn thu đã tăng thêm 307,892 tỷ đồng (tương đương tăng hơn 69,6%). Trong đó, thu học phí giảm gần 32%, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không có dữ liệu, trong khi nguồn thu khác lại tăng gần 35,3%.

Phóng viên đã gửi câu hỏi đề nghị nhà trường chia sẻ nguyên nhân của sự tăng nguồn thu trên và sự chuyển dịch cơ cấu nguồn thu? Định hướng và kế hoạch của nhà trường trong thời gian tới là gì?

Về vấn đề tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn thông tin: “Trong chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2040, nhà trường xác định năng lực tài chính là một trong những yếu tố quan trọng để hiện thực hóa được tầm nhìn cũng như các mục tiêu của nhà trường. Mục tiêu về tài chính của nhà trường là phải có năng lực tài chính bền vững trong giai đoạn phát triển mới.

Trong những năm qua, nhà trường đã đa dạng hóa nguồn thu thông qua việc tăng quy mô của các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế, chương trình tiên tiến đã được kiểm định bởi các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước”.

Theo vị Hiệu trưởng, bên cạnh nguồn thu từ học phí, nguồn thu từ các khóa đào tạo bồi dưỡng, các hoạt động khoa học công nghệ và tư vấn theo nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, của các Bộ/Ngành, các địa phương; từ các chương trình liên kết đào tạo với nhiều trường nước ngoài đáp ứng nhu cầu của người học; từ thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại nhà trường… ngày càng tăng.

“Nhà trường cũng đã thực hiện nhiều chương trình và khóa đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường, theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế như các chương trình đào tạo hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như WTI (Viện thương mại Thế giới) hay như các khóa đào tạo trong khuôn khổ Chương trình WTO Chairs, Chương trình đào tạo doanh nhân Keeizuku hợp tác với Tổ chức Phát triển Quốc tế JICA của Nhật Bản…

Nhà trường cũng triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế với một số đại học nước ngoài.

Nhà trường đã phát triển nhiều chương trình nghiên cứu, chuyển giao quản lý và tư vấn cho các doanh nghiệp (điển hình như chương trình nghiên cứu, tư vấn với Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông), triển khai các hoạt động nghiên cứu với nhiều trường đại học nước ngoài, các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và nước ngoài.

Nhà trường cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao tri thức cho các Bộ/Ngành và địa phương trong cả nước như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương… hay như các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Trà Vinh…

Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ cộng đồng điển hình như xây dựng và duy trì Cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo dành cho học sinh, sinh viên, thanh niên trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, nhà trường cũng đã đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia như Đức, Italia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Uruguay… đến học tập tại trường. Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm nhà trường thu hút trên 1000 sinh viên quốc tế đến học tập. Sau đại dịch, số lượng sinh viên quốc tế đã tăng nhanh trở lại.

Đây là những giải pháp quan trọng để nhà trường thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn thông tin thêm.

Mộc Trà