Tên lửa chống hạm YJ-18 Trung Quốc |
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 12 tháng 4 dẫn trang mạng "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản ngày 11 tháng 4 đưa tin, trong báo cáo năm 2015 của Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, nội dung gây chú ý nhất là cho thấy, Hải quân Trung Quốc rõ ràng đã trang bị một loại tàu khu trục tên lửa lắp tên lửa chống hạ siêu âm tiên tiến nhất của nước này.
Theo báo cáo: "Tàu khu trục lớp Lữ Dương III trang bị tên lửa hành trình chống hạm Ưng Kích-18 (YJ-18) bắn thẳng đứng".
Bài báo cho rằng, loại vũ khí mới này tạo ra mối đe dọa to lớn đối với các tàu chiến mặt nước triển khai ở các vùng biển châu Á của Mỹ và đồng minh. Hiện nay, Hải quân Trung Quốc mới chỉ trang bị một tàu khu trục Type 052D lớp Lữ Dương III lắp tên lửa YJ-18 (tàu này tên là Côn Minh số hiệu 172, biên chế cho Hạm đội Nam Hải, triển khai ở Biển Đông), nhưng đến năm 2017 họ có kế hoạch tăng số lượng loại tàu khu trục này lên 10 chiếc, hơn nữa, còn có kế hoạch lắp loại tên lửa này cho tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093G và Type 095.
Trang mạng "Thời báo New York" Mỹ ngày 11 tháng 4 dẫn lời phó giáo sư Andrew Ericson của Học viện quân sự hải quân Mỹ cho biết, báo cáo của Cơ quan tình báo Hải quân - Lầu Năm Góc đã xác nhận thông tin được hãng tin nhà nước Trung Quốc tuyên bố gần đây, đó là Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm siêu âm thế hệ mới YJ-18, loại tên lửa này đã tạo ra thách thức chưa từng có đối với năng lực phòng thủ trên không của các tàu chiến Mỹ và đồng minh.
Tên lửa chống hạm YJ-12 Trung Quốc |
Phó giáo sư Lyle Goldstein của Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc - Học viện quân sự hải quân Mỹ cho rằng, trước đây, Trung Quốc nhận được tên lửa chống hạm từ Nga, nhưng hiện nay Trung Quốc có thể tự chế tạo và tung ra với số lượng lớn hơn.
Lyle Goldstein nói: "Loại tên lửa này và loại bắn trên không Ưng Kích-12 (YJ-12) là mối đe dọa chủ yếu của Hải quân Mỹ. Tốc độ của loại tên lửa này tăng lớn, làm cho nó khó đánh chặn hơn".
Trang mạng có tên là "Đụng độ chiến tranh" Mỹ ngày 10 tháng 4 cho rằng, báo cáo "Hải quân Trung Quốc: năng lực và nhiệm vụ mới trong thế kỷ 21" và video kèm theo đã bao gồm nội dung của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc - đây là điều có lý, bởi vì đội tàu công vụ trên biển lớn nhất thế giới này có thể nói là "lực lượng hải quân thứ hai của Trung Quốc", nó đóng vai trò "tiên phong" trong đòi hỏi yêu sách chủ quyền biển đảo (vô lý, phi pháp) ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Xét tới Hải quân và Cảnh sát biển Trung Quốc đang tiếp tục đóng vai trò chủ yếu trong áp đặt yêu sách chủ quyền, coi trọng cả 2 lực lượng này rất thỏa đáng. Hải quân Trung Quốc cũng phụ trách bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở vùng biển xa hơn, đồng thời cũng đang phát triển khả năng can dự sức mạnh.
Bài báo cho rằng, sự phát triển của Hải quân Trung Quốc “coi trọng chất lượng hơn” so với phát triển số lượng kiểu Liên Xô. Hải quân Trung Quốc có 26 tàu khu trục, 52 tàu hộ vệ, 20 tàu hộ vệ hạng nhẹ, 85 tàu tuần tra tên lửa, 56 tàu đổ bộ, 42 tàu chiến thủy lôi, hơn 50 tàu hỗ trợ cỡ lớn và hơn 400 tàu hỗ trợ cỡ nhỏ. Ngoài số lượng, điều đáng chú ý hơn là: 1. Sự gia tăng số lượng tàu đa năng và năng lực hành động của chúng ở biển gần và biển xa. 2. Sự gia tăng số lượng tàu đặc chủng.
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Nội dung có tính đột phát nhất trong báo cáo là, quan chức Chính phủ Mỹ lần đầu tiên xác nhận, tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đã trang bị tên lửa hành trình chống hạm YJ-18 siêu âm mạnh thế hệ mới. Loại tên lửa này rõ ràng đã sao chép tên lửa chống hạm 3M-54E Club trang bị cho tàu ngầm Type 636M lớp Kilo của Nga. Tương tự với tên lửa chống hạm Club, tốc độ cao và đường đạn đầu cuối của tên lửa YJ-18 làm cho nó rất khó bị hệ thống phòng không của tàu chiến phá hủy.