Báo cáo thường niên theo Thông tư 09 giúp xã hội dễ dàng giám sát cơ sở giáo dục

04/07/2024 06:27
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo đánh giá, điểm mới của Thông tư 09 giúp nhà trường nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch trong công khai đối với người học và xã hội.

Đầu tháng 6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/7/2024 và thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

So với Thông tư số 36, Thông tư số 09 có một số điểm mới. Theo đánh giá của chuyên gia và lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học thì điểm mới của Thông tư 09 giúp nhà trường nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch trong công khai đối với cơ quan quản lý, người học và xã hội.

Đảm bảo các khoản thu, chi được sử dụng đúng mục đích

Đơn cử, Thông tư số 09 bổ sung thêm quy định Thông tin chung về cơ sở giáo dục (Điều 4) và Thu, chi tài chính (Điều 5).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, việc công khai thông tin chung về cơ sở giáo dục và thu, chi tài chính rất quan trọng đối với cơ sở giáo dục vì nhờ đó mà xã hội có thể thấy được một trong những khía cạnh về kết quả hoạt động của nhà trường theo từng năm.

Thầy Hiếu.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). (Ảnh trên website nhà trường)

Cùng chia sẻ về quy định tại Điều 4, 5 Thông tư số 09, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc công khai thông tin chung về cơ sở giáo dục giúp minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình và nâng cao uy tín, niềm tin của xã hội đối với trường, từ đó cũng giúp người học đánh giá và lựa chọn trường phù hợp với nhu cầu học tập. Các thông tin chung được công khai cũng giúp cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về cam kết chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng mà họ cung cấp.

Còn về công khai thu, chi tài chính, theo thầy Trình, điều này giúp phụ huynh, sinh viên nắm rõ các khoản chi phí phải đóng và khoản chi mà cơ sở giáo dục thực hiện. Từ đó, người học có thể đánh giá sự hợp lý và minh bạch của các khoản thu, chi. Bên cạnh đó, việc công khai tài chính còn giúp cơ quan quản lý, phụ huynh và xã hội giám sát việc sử dụng tài chính của trường, đảm bảo các khoản thu, chi được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước phụ huynh, sinh viên và xã hội về các khoản thu, chi tài chính, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho rằng, việc thực hiện các quy định tại Điều 4, 5 đặt ra khó khăn về nguồn lực và thời gian để thu thập, bảo mật thông tin,...

Ảnh 1- Giáo sư Tiến sĩ Chử Đức Trình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ-min.png
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cũng tại Thông tư số 09, quy định công khai về tài chính chi tiết hơn so với Thông tư số 36. Cụ thể như yêu cầu có thêm chỉ số đánh giá về tài chính, ngoài tổng thu hoạt động còn yêu cầu nêu về tổng chi hoạt động (chi lương, cơ sở vật chất,...) chênh lệch thu, chi.

Thầy Trình cho rằng, việc yêu cầu cơ sở giáo dục công khai chi tiết các khoản thu, chi, chỉ số đánh giá về tài chính và chênh lệch thu, chi,... giúp xã hội có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình tài chính của trường, nhà trường cũng có thể đánh giá và kiểm soát tình hình tài chính tốt hơn, từ đó đưa ra các quyết định quản lý hiệu quả, kịp thời, giúp phát hiện sớm và giải quyết các vấn đề tài chính bất hợp lý. Căn cứ vào chi tiết các khoản thu, chi, chỉ số đánh giá về tài chính và chênh lệch thu, chi, các cơ quan quản lý nhà nước và kiểm toán có đủ thông tin để tiến hành thanh, kiểm tra, đánh giá một cách chính xác và nhanh chóng, hỗ trợ nhà trường trong việc điều chỉnh và cải thiện công tác quản lý tài chính.

“Để đáp ứng quy định công khai tài chính, nhà trường cần xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tài chính chặt chẽ, hiệu quả, bởi nếu có sai sót trong công khai thông tin tài chính có thể dẫn đến hiểu lầm hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín nhà trường. Việc công khai này cũng đặt ra thách thức về bảo mật thông tin, phải đảm bảo rằng các thông tin tài chính nhạy cảm không bị sử dụng sai mục đích”, thầy Trình chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Hiếu cho rằng, các thông tin công khai tài chính giúp viên chức, người lao động trong trường có thể giám sát hoạt động tài chính; giúp minh bạch các khoản thu học phí của nhà trường. Thông qua công khai khoản thu, chi, chỉ số đánh giá về tài chính và chênh lệch thu, chi cũng giúp xã hội đánh giá khách quan, rõ ràng hơn về mức thu học phí cũng như việc đầu tư cơ sở vật chất từ các nguồn thu học phí, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Đối với cơ sở giáo dục đại học, trước đây, Thông tư số 36 quy định công khai với 5 biểu mẫu (từ biểu mẫu 17 đến 21), còn Thông tư số 09 quy định công khai theo mẫu báo cáo thường niên.

Về quy định mới này, thầy Hiếu cho biết: “Thông qua số liệu công khai trong báo cáo thường niên, thông tin có giá trị đối sánh giữa năm sau với năm trước và phục vụ cho việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược phát triển của nhà trường”.

Còn theo thầy Trình, việc thực hiện báo cáo thường niên cung cấp bức tranh toàn diện về hoạt động của cơ sở giáo dục trong cả năm, bao gồm tất cả các nội dung như chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, hoạt động nghiên cứu khoa học. Báo cáo thường niên không chỉ giúp đơn giản hóa quy trình báo cáo, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, hạn chế việc cập nhật số liệu chi tiết về kỹ thuật, trùng nội dung mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng thông tin dễ dàng, hiệu quả.

“Các biểu mẫu của Thông tư số 36 đang chỉ tập trung vào từng nội dung cụ thể, khiến việc tổng hợp và đánh giá toàn diện trở nên phức tạp hơn, người học khó theo dõi.

Trong khi đó, báo cáo thường niên đảm bảo thông tin được cập nhật một cách liên tục và nhất quán hàng năm, giúp dễ dàng theo dõi sự phát triển và tiến bộ của cơ sở giáo dục, cung cấp tài liệu chi tiết và toàn diện, giúp phụ huynh, sinh viên và xã hội dễ dàng đánh giá và giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục”, thầy Trình chia sẻ.

Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

Tại Khoản 2, Điều 15, Thông tư số 09 quy định “Thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử tối thiểu là 05 năm kể từ ngày công bố công khai”.

Theo thầy Trình, quy định thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử tối thiểu là 05 năm mặc dù có thể gây khó khăn về nguồn lực và quản lý thông tin trong quá trình thực hiện nhưng giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục.

“Quy định thời gian công khai tối thiểu 05 năm góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đối với những cam kết về chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng mà trường công bố. Ngoài ra, yêu cầu này cũng giúp lưu trữ dữ liệu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, đối chiếu, tổng hợp và phân tích thông tin về hoạt động giáo dục trong thời gian dài. Thêm nữa, quy định này cũng cần thiết cho việc đánh giá xu thế và cải tiến chất lượng giáo dục. Mặt khác, giúp cơ quan quản lý giáo dục và các tổ chức kiểm tra, thanh tra có đủ thông tin và dữ liệu để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, nhanh chóng, chính xác.

Tuy nhiên, quy định công khai tối thiểu 05 năm khiến cơ sở giáo dục gặp khó khăn, như: quản lý lượng lớn thông tin công khai trong thời gian dài đòi hỏi hệ thống lưu trữ và quản lý dữ liệu phải thực sự hiệu quả; cần có biện pháp bảo mật để bảo vệ các thông tin nhạy cảm và đảm bảo việc công khai không bị lạm dụng”, thầy Trình chia sẻ.

Còn theo thầy Hiếu, quy định nội dung công khai bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là 05 năm giúp xã hội có thể so sánh, đánh giá sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học qua các năm.

“Đối với Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, việc thực hiện công khai tối thiểu 05 năm hết sức thuận lợi vì nhà trường có hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ qua các năm. Việc công khai tối thiểu 05 năm giúp xã hội đánh giá được sự phát triển của nhà trường, đặc biệt là về đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, phát triển chương trình đào tạo”, thầy Hiếu chia sẻ.

Khoản 1, Điều 14, Thông tư số 09 quy định việc bố trí nội dung công khai về hoạt động giáo dục, báo cáo thường niên về kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục theo dạng PDF trên cổng thông tin điện tử do cơ sở giáo dục quyết định, bảo đảm thuận lợi truy cập, tiếp cận thông tin.

Với quy định này, thầy Hiếu cho hay, việc nội dung công khai kết quả hoạt động, báo cáo thường niên về kết quả hoạt động được để dạng PDF tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên có liên quan trong tiếp cận thông tin. Qua đó, giúp cho việc công khai của nhà trường được rõ ràng hơn về chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng, thu chi tài chính; để cán bộ giảng viên, người lao động, phụ huynh, sinh viên được biết và tham gia vào các hoạt động của cơ sở giáo dục.

Cùng chia sẻ về quy định này, thầy Trình cho biết, quy định tại Khoản 1, Điều 14, Thông tư số 09 giúp giảm bớt khối lượng công việc hành chính, tiết kiệm thời gian và công sức so với với việc phải in ấn và phân phát bản cứng.

Các báo cáo được được định dạng PDF giúp nhà trường lưu trữ và quản lý dễ hơn; cơ quan quản lý có thể truy cập, kiểm tra và đánh giá thông tin nhanh chóng; người học và phụ huynh dễ dàng tải về và lưu trữ trên các thiết bị cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu và theo dõi bất cứ khi nào.

“Việc công khai thông tin dưới dạng PDF trên cổng thông tin điện tử giúp bảo đảm tính minh bạch, cho phép mọi người dễ dàng truy cập và giám sát hoạt động của nhà trường. Ngược lại, nhà trường phải chịu trách nhiệm về nội dung được công khai, từ đó nâng cao tính chính xác và trung thực của thông tin.

Tuy nhiên, việc công khai trên trang thông tin điện tử đòi hỏi nhà trường phải có biện pháp bảo mật dữ liệu để đảm bảo rằng thông tin không bị truy cập trái phép hoặc sử dụng sai mục đích. Nhà trường phải đảm bảo rằng nội dung được cập nhật đầy đủ, kịp thời, tránh tình trạng thông tin cũ, không chính xác”, thầy Trình bày tỏ.

Ảnh 7 Sinh viên Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.png
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Có thể thấy, với việc ban hành quy định công khai ở Thông tư số 09 thay thế cho Thông tư số 36 tạo ra thuận lợi hơn cho cơ sở giáo dục đại học tuy nhiên để thực hiện được đầy đủ và đảm bảo thông tin như yêu cầu của Thông tư số 09, đòi hỏi nhà trường phải điều chỉnh lại các bảng mẫu số liệu. Bởi, các bảng mẫu này trước đây đều dựa vào thông tư cũ.

Ngoài ra, để làm theo mẫu báo cáo của Thông tư số 09, nhà trường phải bố trí thêm nguồn lực để phân tích, đánh giá nhằm đảm bảo dữ liệu công bố được chính xác, rõ ràng, minh bạch.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Trình cho biết, với quy định của Thông tư số 09, các cơ sở giáo dục phải công khai chi tiết, toàn diện hơn. Việc này có thể làm tăng khối lượng công việc cho các bộ phận liên quan, đặc biệt là phòng tài chính và phòng hành chính; đảm bảo thông tin cập nhật thường xuyên, chính xác, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận.

“Việc công khai thông tin dưới dạng PDF trên cổng thông tin điện tử yêu cầu nhà trường phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ và hệ thống bảo mật thông tin vì có thể gặp phải các rủi ro về bảo mật dữ liệu.

Chưa kể, để đảm bảo tính chính xác và kịp thời của thông tin, nhà trường cần có quy trình rõ ràng và hiệu quả để thu thập, xử lý và công khai thông tin. Việc công khai nhiều thông tin chi tiết có thể dẫn đến sai sót hoặc nhầm lẫn, gây ảnh hưởng đến uy tín và trách nhiệm giải trình của nhà trường”, thầy Trình chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, những điểm mới của Thông tư số 09 giúp các trường thực hiện rõ hơn về trách nhiệm giải trình đối với xã hội.

Trong đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đặc biệt nhấn mạnh đến quy định về thông tin công khai tài chính với yêu cầu công khai chi tiết, cụ thể hóa.

“Việc các cơ sở giáo dục đại học cần công khai về các nguồn thu (từ ngân sách nhà nước, từ học phí, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từ các nguồn thu khác) theo quy định tại Thông tư số 36 là rất quan trọng. Tuy nhiên, Thông tư số 09 quy định công khai tài chính có phần chi tiết hơn, tạo tính công khai trong chi lương cho cán bộ giảng viên, đặc biệt là tránh tình trạng thu, chi mập mờ, à uôm của trường đại học”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc Thông tư số 09 yêu cầu công khai thông tin chung về trường giúp người học định hình được cơ bản rằng cơ sở giáo dục đó là như thế nào. Còn quy định thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử tối thiểu 05 năm kể từ ngày công bố công khai là hoàn toàn hợp lý.

Ngoài ra, quy định báo cáo thường niên để công khai cho các bên liên quan về tổng quan kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục tính đến ngày 31/12 hằng năm theo định dạng file PDF cũng giúp phụ huynh, người học dễ theo dõi, và đặc biệt là cơ quan quản lý dễ dàng tải file để phục vụ công tác thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, do thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử khá dài nên các trường cũng cần nâng cao tính bảo mật để tránh trường hợp file lỗi, không truy cập được.

Ngọc Huệ